Nông dân xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) giàu lên nhờ vùng chuyên canh cây bưởi. Ảnh: B.Nguyên |
Để đạt được thành tích trên, Đồng Nai luôn chủ động đưa ra những giải pháp nâng cao về “chất” trong xây dựng NTM ở các giai đoạn tiếp theo. Mỗi địa phương có định hướng phát triển kinh tế riêng tùy vào điều kiện thực tế nhưng đều có chung mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững với quy mô hàng hóa lớn, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến thị trường.
* Ấn tượng về thu nhập
4 xã về đích trong xây dựng NTM kiểu mẫu gồm: Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu), Bảo Hòa (H.Xuân Lộc), Bình Lộc (TP.Long Khánh), Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) có những tiêu chí kiểu mẫu khác nhau nhưng đều có được những thành quả nổi bật là: sản xuất ở các địa phương trên đều tăng trưởng nhanh; thu nhập của người dân không ngừng tăng cao.
Ông Võ Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho biết, tuy đã về đích NTM kiểu mẫu nhưng địa phương vẫn tiếp tục chăm chút, hoàn thiện hơn cho từng tiêu chí cụ thể. Về tiêu chí sản xuất, địa phương đã tập trung chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các cây ăn trái đặc sản cho lợi nhuận cao như: bưởi, bơ, sầu riêng… Đặc biệt, vùng sản xuất sầu riêng năng suất cao, đạt chuẩn VietGAP của xã đang tiếp tục được nhân rộng. Đây là vùng đặc sản đã có thương hiệu về chất lượng ngon, được thị trường đón nhận. Nhờ chương trình xây dựng NTM, thu nhập của nông dân không ngừng được nâng cao. Từ năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở xã đã đạt 68 triệu đồng/người/năm, tăng lên rất nhiều so với vài năm trước đó.
TP.Long Khánh là một trong những địa phương của Đồng Nai có thành tích nổi bật trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, đặc biệt trong phát triển sản xuất. Hiện 4 xã còn lại của TP.Long Khánh đều đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, trong đó, xã Bình Lộc đã về đích xây dựng NTM kiểu mẫu. Điểm nổi bật của địa phương này là nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, xóa bỏ vườn tạp để hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản cho giá trị kinh tế cao.
Với phương châm lấy phát triển sản xuất làm gốc, lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu; lấy lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng làm động lực và lấy sự đồng lòng, góp sức của cộng đồng dân cư là bí quyết của thành công, chương trình xây dựng NTM ở Long Khánh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển sản xuất. Nhiều địa phương như: Bình Lộc, Xuân Lập, Suối Tre…không chỉ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp mà còn phát triển mạnh về du lịch vườn, du lịch sinh thái, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của TP.Long Khánh.
Nhờ đó, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân đạt 173 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 61,7 triệu đồng/người/năm, đạt mức cao hơn hẳn bình quân của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 0,07%.
* Sản xuất theo chuỗi
Trong mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững có quy mô hàng hóa lớn, các xã, huyện NTM kiểu mẫu đều tập trung phát triển các vùng chuyên canh, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Phan Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) chia sẻ, tiêu chí kiểu mẫu của xã là xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân. Trong đó, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông sản, đảm bảo về giá cả trong sản xuất. Nhằm khuyến khích phát triển, nhân rộng các chuỗi liên kết, nông dân tham gia chuỗi liên kết được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, kỹ thuật trồng… Bảo Hòa có thế mạnh nhất là chuỗi liên kết cây chôm chôm với diện tích hơn 900ha, trong đó có 108 hộ tham gia chuỗi liên kết với trên 100ha. HTX nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Bảo Hòa đang hoạt động hiệu quả, kết nối tốt nông dân vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chôm chôm. Sản phẩm chôm chôm của địa phương đã đạt chuẩn chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao của tỉnh và HTX có ký hợp đồng với một số doanh nghiệp thu mua cho nông dân, đảm bảo đầu ra cho nông sản trong chuỗi liên kết.
Cũng theo ông Hiếu, địa phương cũng đã chuyển đổi các vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả, tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với cây bưởi, cây thanh long ruột đỏ, nuôi thủy sản… Nổi bật là xã đã có vùng chuyên canh nuôi cá nước ngọt ở ấp Bưng Cần với diện tích vùng nuôi hơn 30ha đạt chuẩn VietGAP. Vùng chuyên canh này có thế mạnh phát triển con cá rô đồng, đã có tổ hợp tác nuôi thủy sản để liên kết nông dân sản xuất theo chuỗi, đạt thu nhập tốt.
Kết quả xây dựng huyện điểm NTM kiểu mẫu về “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” của H.Xuân Lộc cũng đạt nhiều thành tích ấn tượng. Hiện Xuân Lộc đang tập trung quy hoạch sản xuất theo vùng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất với mục tiêu mở rộng các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất… Cụ thể, huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng xuất khẩu đạt giá trị cao như: vùng sản xuất xoài 1,4 ngàn ha, hồ tiêu 2,2 ngàn ha, 1,4 ngàn ha chôm chôm, 500ha thanh long ruột đỏ... Toàn huyện có trên 7 ngàn ha canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao như: nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Nhờ đó, thu nhập của người dân đã tăng lên gấp nhiều lần so với năm đầu xây dựng NTM.
Bài, ảnh: Bình Nguyên/Báo Đồng Nai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã