"Tính ra, 1 công (1.000m2) đất trồng rau nhút, nông dân có lợi nhuận 60 - 70 triệu đồng/năm", ông Lê Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ.
Cũng theo ông Cường, trước đây nông dân chỉ trồng rau nhút khi nước lũ tràn đồng. Nước lũ dâng tới đâu, loại rau nhút dại này vươn tới đó. Nông dân chỉ bỏ công hái mang ra chợ bán.
Sau đó, thấy lợi nhuận cao, nông dân bắt đầu đem loài rau dại mọc ngoài đồng nước này về trồng. Bây giờ, nông dân xã Hậu Mỹ Trinh trồng rau nhút khi nước lũ chưa về. Nhiều người gọi là trồng rau nhút nghịch vụ. Mặc dù, trồng rau nhút mùa nghịch tốn kém chi phí đầu tư hơn so với mùa thuận.
Dù trồng rau nhút mùa thuận hay mùa nghịch, nông dân xã Hậu Mỹ Trinh vẫn có lời. Chính vì vậy, những năm gần đây, nông dân trồng rau nhút quanh năm.
"Nông dân trồng rau nhút theo kiểu cuốn chiếu. Sau khi thu hoạch xong dây rau nhút là trồng mới liền chứ không đợi thu hoạch hết ruộng mới trồng lại. Hái rau nhút đến đâu bà con trồng lại ngay đến đó", ông Cường cho biết.
Hiện, Hội Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng rau nhút. Tổ nghề nghiệp trồng rau nhút gồm 15 thành viên với hơn 50ha ruộng trồng loài rau nhút đặc sản.
Chị Nguyễn Thị Phượng, thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng rau nhút cho biết, chị đang trồng 7 công rau nhút.
"Trung bình mỗi ngày tôi cắt được 120 - 130kg rau nhút. Rau nhút bán giá 9.000 - 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi lời vài trăm ngàn đồng/ngày", chị Phượng chia sẻ.
Theo chị Phượng, để rau nhút có năng suất cao, trước khi thả rau giống cần dọn lại nền đất, tiêu độc khử trùng và phơi mặt đất để hạn chế tối đa mầm bệnh. Ngoài ra, mỗi dây rau nhút trồng cách nhau 1 - 2m.
Nhiều nông dân trồng rau nhút cho biết, trồng rau nhút khá đơn giản, chi phí rất thấp, chủ yếu là tốn công hái.
Rau nhút trồng 20 - 25 ngày là bắt đầu được hái. Thời gian thu hoạch rau nhút kéo dài 4 - 5 tháng tùy theo kỹ thuật chăm sóc. Sau mỗi đợt thu hoạch, người trồng rau nhút pha loãng phân urê phun lên lá để kích thích rau nhút ra đọt và phát triển nhanh.
Ngoài ra, để cây rau nhút phát triển tốt, xanh tươi, người trồng rau nhút cần phải thả nhiều bèo tấm nhằm tạo độ mát cho mặt ao.
Đồng thời, người trồng rau nhút phải thường xuyên theo dõi độ tăng trưởng của rau nhút để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Trồng rau nhút tuy lợi nhuận cao nhưng cũng tốn nhiều công chăm sóc hơn trồng lúa. Rau nhút dễ sinh bệnh khi gặp thời tiết thất thường, như: Quá nóng, mưa nhiều, sương muối nhiều. Một số bệnh thường gặp ở rau nhút, như: Nhiễm rầy, rụng lá, chết dây,...
Những năm gần đây, mô hình trồng rau nhút ở huyện Cái Bè phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân nơi đây.
Hiện, rau nhút đang được trồng tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Hậu Mỹ Bắc A và Hậu Mỹ Bắc B của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Giá rau nhút có thể tăng, giảm tùy từng mùa hay thời điểm, nhưng người trồng rau nhút chưa bao giờ gặp cảnh dội chợ, ế ẩm...
Theo Trần Đáng/danviet.vn
https://danviet.vn/tien-giang-trong-loai-rau-cu-tha-xuong-nuoc-la-deo-phao-boi-khap-ruong-hai-ban-loi-cao-gap-10-lan-xa-lua-20210414143438688.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã