Thanh Hóa: Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp
Là đơn vị được thụ hưởng cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông nghiệp Miền Tây đã đầu tư xây dựng mô hình trồng trọt hiện đại tại 2 xã Hạnh Phúc và Tây Hồ (Thọ Xuân). Với gần 2ha đất, công ty đang hoàn thiện một trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; chuẩn bị đưa vào sử dụng 5 nhà lưới trồng các loại rau màu, dưa các loại và 3 nhà vồm trồng hoa lan.
Theo anh Trịnh Văn Thành, cán bộ phụ trách khu sản xuất: Các nhà lưới này sẽ được trồng rau thủy canh, hoa lan và những loại rau, củ, quả theo hướng hữu cơ. Đồng thời, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các chuỗi giá trị. Với định hướng phát triển, quy trình sản xuất của công ty sẽ tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của huyện.
Điểm nhấn trong thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chính là sự kiện khởi công dự án Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa của Tập đoàn Xuân Thiện, với tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng tại xã Minh Sơn (Ngọc Lặc). Đây là dự án đầu tư có tính chiến lược, thể hiện sức hút, sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ thu mua nông sản của người dân để làm nguyên liệu sản xuất nước trái cây và sản xuất thức ăn chăn nuôi; qua đó, giúp thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, mở ra hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho huyện Ngọc Lặc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Nhờ những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đã được ban hành, việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 3/2021, Thanh Hóa có 892 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 178 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực trồng trọt, 35 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực lâm nghiệp, 124 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, 42 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản và 513 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực tổng hợp. Ngoài ra, còn thu hút được 699 HTX nông nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, trong số 892 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, như: Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty Sữa TH true Milk, Công ty CP Nông sản Phú Gia - VietAvis; các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của Công ty TNHH Hiền Nhuần; liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty Chế biến súc sản Thanh Hóa; chuỗi liên kết gia công của các tập đoàn chăn nuôi lớn, như: CP, Dabaco, Japfa...
Thực tế việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cho thấy: Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, nhất là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa triển khai thực hiện hiệu quả và thiếu sự ổn định. Doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tỷ lệ sinh lời thấp, lại thường xuyên gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh... Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, bán lẻ lớn; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.
Do đó, để gia tăng số lượng, chất lượng các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đang đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai và thực hiện xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vĩnh Phúc: Mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp đang dần khẳng định thế mạnh
Với sự cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Vũ Văn Dưỡng, chị Trần Thị Hồng, tổ dân phố Quảng Khuân, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình từ mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp.
Là nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, anh Vũ Văn Dưỡng nhận thấy nếu muốn phát triển kinh tế không thể chỉ làm ăn manh mún, phụ thuộc vào tự nhiên.
Năm 2012, trong bối cảnh chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, anh Dưỡng đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp kết hợp làm đại lý buôn bán gạo và đại lý cám chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Anh Dưỡng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi vừa trồng lúa, vừa kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu của gia đình nên năng suất, chất lượng không cao.
Với mong muốn có một trang trại phát triển kinh tế gia đình, từ khi được Hội Nông dân ở địa phương tập huấn, chia sẻ kỹ thuật cũng như tạo điều kiện vay vốn, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng bài bản hơn.
Từ chỗ chỉ có 1 con lợn nái để sinh sản và bán lợn con, tôi đã vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi thêm lợn nái và lợn thịt bởi tôi nhận thấy năng suất và chất lượng vật nuôi muốn cao thì phải áp dụng kỹ thuật, có sự chăm sóc và đầu tư thì mới có thể chăn nuôi hiệu quả”.
Theo chân anh Dưỡng tham quan khu vực chăn nuôi của gia đình, chúng tôi nhận thấy khu chuồng chỉ rộng hơn 140 m2 nhưng được thiết kế khoa học và hợp lý. Đặc biệt, toàn bộ nước thải được dẫn thẳng xuống hầm Biogas, không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, anh Dưỡng còn chú trọng tới phòng chống dịch bệnh, 1 tháng 1 lần phun thuốc vi sinh để khử trùng chuồng lợn, khu vực xung quanh chuồng, dọn dẹp vệ sinh hàng ngày đối với chuồng gà.
Anh cũng thường xuyên tiến hành tiêm phòng định kỳ kết hợp kiểm tra, theo dõi, quan sát các biểu hiện của vật nuôi khi thấy có dấu hiệu của dịch bệnh và cách ly, cứu chữa kịp thời nên đàn vật nuôi của gia đình anh luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhờ tích cực trau dồi, tích lũy kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn, đến nay, gia đình anh đã có 8 lợn nái và 60 lợn thịt. Kết hợp với chăn nuôi lợn, gia đình anh chăn nuôi hơn 100 gà ta lai.
Ngoài ra, làm đại lý cung cấp gạo và cám chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp anh vừa tận dụng nguồn thức ăn tự cung tự cấp, vừa gia tăng thu nhập cho gia đình.
Được biết, trong năm 2020, tổng thu nhập của gia đình anh từ nuôi lợn, nuôi gà kết hợp làm đại lý lên đến gần 400 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Dưỡng còn tích cực giúp đỡ bà con cùng phát triển kinh tế cũng như tham gia các hoạt động của địa phương.
Anh Trần Khánh, cán bộ Địa chính - Môi trường thị trấn Hoa Sơn cho biết: “Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Dưỡng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp thị trấn ngày càng phát triển. Anh là tấm gương điển hình cho phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi và được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng.
Hà Nam: Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX
Thời gian qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) cho các HTX với các quy mô khác nhau đã được tỉnh Hà Nam tổ chức. Mục đích nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tạo sự liên kết giữa nhà sản xuất với các đơn vị phân phối, thông qua ký kết hợp đồng mua, bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các HTX... Tuy nhiên, hoạt động XTTM phát huy được hiệu quả tối ưu hay không còn phụ thuộc vào năng lực của các HTX.
Ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, khẳng định: Hoạt động XTTM có vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh của các HTX, nhất là trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Với vai trò kết nối, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động XTTM để các HTX có thêm các cơ hội liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận với các đầu mối phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Hơn 4 năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 21 HTX tham gia các hội chợ nông sản, tiểu thủ công nghiệp do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức thường niên. Năm 2019, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì tổ chức “Hội nghị kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị” cho các HTX, doanh nghiệp của 11 tỉnh trong cụm Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ. Trong khuôn khổ hội nghị này, hoạt động trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng miền của các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã được tổ chức. Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng ghi nhớ về hợp tác cung cấp và tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX và doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Kể từ năm 2018 đến nay, Liên minh HTX tỉnh tổ chức cho hơn 150 lượt HTX trong tỉnh tham quan hội trợ triển lãm quốc tế hằng năm về thiết bị công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp (VIETNAM GROWTECH) tại Hà Nội.
HTX Thủy sản “sông trong ao” Hải Đăng, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) mới được thành lập vài năm nhưng đã có những bước tiến tích cực. Quy mô nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” của HTX được mở rộng từ 4,2 ha lên 5,6 ha. Năm 2020, sản lượng cá thu hoạch của HTX đạt gần 100 tấn. HTX đã chế biến và cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn thành phẩm (ruốc cá, cá kho, chả cá...). Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thủy sản “sông trong ao” Hải Đăng cho biết: HTX rất coi trọng vai trò của hoạt động XTTM. Nhờ đẩy mạnh XTTM mà khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm của HTX ngày càng thuận lợi hơn. Hiện nay, HTX đang kết nối với các cửa hàng, nhà hàng để cung ứng sản phẩm ổn định. Mong muốn của HTX được đưa sản phẩm vào chuỗi phân phối của Siêu thị BigC. Chúng tôi đã thực hiện một số khâu để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà đối tác yêu cầu nhưng hiện HTX chưa thể đáp ứng đó là bảo đảm nguồn cung sản phẩm ổn định với số lượng lớn. Điều này buộc chúng tôi phải liên kết với các nhà sản xuất khác để có số lượng sản phẩm đủ lớn theo yêu cầu của đơn vị phân phối.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều lãnh đạo HTX cũng đồng thuận cho rằng, HTX đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề XTTM. HTX thiếu thông tin về thị trường, thông tin khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Khả năng hoạch định sản xuất kinh doanh của HTX chưa đáp ứng được theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã và đang gây nhiều bất lợi trong quá trình XTTM. Muốn khắc phục được khó khăn này, yếu tố cốt lõi chính là đổi mới phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ, tự phát sang sản xuất tập trung, theo tiêu chuẩn chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các HTX phải hoàn thành việc đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Có sản phẩm tốt thôi chưa đủ, mà HTX cần có kế hoạch marketing hiệu quả. Trao đổi tại lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh tổ chức mới đây về lĩnh vực quản trị marketing đối với lãnh đạo chủ chốt HTX tại tỉnh Hà Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giảng viên Trường Bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) cho rằng: Một trong 3 nguyên tắc trong quản trị của HTX, đó là phải xuất phát từ thị trường và thích ứng với thị trường. Trong cơ chế thị trường, vấn đề sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào cần được giải đáp một cách khoa học. Quá trình quản trị marketing gồm nhiều hoạt động, trong đó có lựa chọn và tìm kiếm thị trường mục tiêu. Để đánh giá đúng các khả năng và nhận dạng đúng các cơ hội và thách thức từ thị trường, HTX cần có hệ thống cơ sở dữ liệu chính xác, tin cậy. Những thông tin quan trọng và không thể thiếu chính là thông tin về khách hàng và đối thủ cạnh tranh... Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực và khả năng của HTX. Để quản trị marketing hiệu quả, các HTX phải có năng lực về quản trị, điều hành chuyên nghiệp hơn.
Có thể thấy, nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM cho các HTX là phạm trù rộng, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, năng lực của HTX là yếu tố cốt lõi, quyết định hiệu quả của hoạt động này./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã