Học tập đạo đức HCM

Tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân trong đầu tư công

Thứ ba - 03/11/2020 20:30
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một trong những nội dung lớn thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thể ở hội trường thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 3/11.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nguồn vốn đầu tư công được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn này để phục vụ tốt cho đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề trầm kha, cứ đến quý III hàng năm là vấn đề này tiếp tục được nêu ra và trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhấn mạnh: “Tôi muốn đề cập tại sao biết rồi mà năm nào cũng cứ chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải thân chinh chỉ đạo, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương. Đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chủ yếu chỉ ra hầu hết các nguyên nhân khách quan, còn sự chủ quan thì rất ít”.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, qua thực tế các địa phương cho thấy còn nhiều nguyên nhân chủ quan cần phải thẳng thắn thừa nhận để có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu chính là công tác lập kế hoạch không sát với thực tế, nhiều bộ ngành, địa phương cố lập kế hoạch dành cho bằng được nguồn vốn về cho mình mà không chú trọng đến thực tế tình hình khả thi của dự án dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được.

Điển hình ở đây là một số các dự án mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như Dự án đường vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư tháng 10/2018 dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020 nhưng hiện tại việc đo, vẽ, kiểm đếm đất và tài sản trên đất của các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Ngay cả 2 hạng mục cần làm trước là cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ - Đê La Thành cũng chưa có mặt bằng để khởi công.

Hay đáng lo ngại nhất là việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA như dự án tuyến đường sắt đô thị mà đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đã nêu. Đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới giải ngân được gần 43% số vốn năm 2020. Tại dự án tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được cấp nhưng không thể giải ngân kịp trong năm nay do thủ tục điều chỉnh tổng đầu tư dự án chưa thực hiện xong và quy hoạch ga ngầm C9 khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa hoàn tất nên không thi công được các gói thầu xây lắp.

Qua tìm hiểu thực tế, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nhiều chủ đầu tư cho rằng khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư, lựa chọn nhà thầu hiện nay rất khó khăn và không loại trừ có cả những sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhiều dự án kéo dài khâu này đến vài tháng. Một dự án đầu tư công từ khi giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thực hiện triển khai và hoàn thành thường phải trên 10 bước, mỗi bước như vậy rất nhiều thời gian và tốn kém, có cả những chi phí không chính thức.

Để đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, một số chủ đầu tư phải khoán cho doanh nghiệp thi công các công trình đứng ra lo liệu. Cũng vì cố gắng dành cho bằng được nguồn vốn, nhất là vốn ODA nên trong quá trình triển khai không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tài trợ nên không triển khai ra thực tế được. Một số dự án cố triển khai trong khi thủ tục chưa hoàn chỉnh sát với thực tế nên khi hoàn thành không thể quyết toán được, tất nhiên không thể bàn giao, nghiệm thu công trình.

Thực tế tại một số địa phương, nhiều dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất, song khi nguồn thu không đạt dẫn đến không thể giải ngân cũng khiến cho dự án không thể hoặc chậm triển khai.

Từ thực tế nêu trên, để nguồn vốn đầu tư công thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu lên 4 kiến nghị lớn.

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm do yếu tố chủ quan được xem là không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công, có cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thứ tư, các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ nhằm nhìn nhận rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành mình để phân định trách nhiệm trong quá trình triển khai, đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua, đá lại và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục trở thành điệp khúc “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi”.

Cùng về vấn đề này, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) thì phân tích, nguyên nhân giải ngân chậm, bên cạnh các yếu tố chủ quan như năng lực chuyên môn của cán bộ, sự chậm trễ của các nhà đầu tư thì một số nguyên nhân khách quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công, đó là sự chồng chéo, rườm rà về mặt thủ tục do các quy định ở các luật theo quy định của pháp luật dẫn đến khó thực hiện và khó khăn.

Thứ hai là vướng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Một số địa phương thì được phân bổ nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nhưng do bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên cũng không triển khai được và theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ là giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển đối với các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%.

“Chúng ta đang ở vào những tháng cuối năm và cũng rất cần một quyết sách mạnh mẽ để tạo bước nhảy vọt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 nhằm đạt được kỳ vọng đề ra”, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu quan điểm.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang kiến nghị cần tiếp tục triển khai mạnh việc thực hiện nghiêm Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần có báo cáo cụ thể tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết để xem xét, nghiên cứu, ban hành một quyết sách phù hợp với tình hình hiện nay và cũng phải có giải pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành cũng như là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm mà nguyên nhân là từ chủ quan.

Đồng thời cũng cần cân nhắc, xem xét về mức độ bố trí tỷ lệ vốn vào kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đối với các dự án mà các bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân chậm trong năm 2020 .

Theo Nguyễn Hoàng/baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập386
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm385
  • Hôm nay52,143
  • Tháng hiện tại827,421
  • Tổng lượt truy cập92,001,150
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây