Học tập đạo đức HCM

Về huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An

Chủ nhật - 24/05/2020 11:01
Châu Thành chính thức trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên trong tỉnh. Giờ đây, nhắc tới Châu Thành, hầu như người dân trong tỉnh đều biết. Vậy ở huyện NTM có những gì?

Đang dở tay làm việc trong nhà, thấy dáng chị Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Thị Phương trước ngõ, bà Nguyễn Thị Huệ (ấp 1, xã Hòa Phú) vội bỏ hết công việc, đon đả mời khách vào. Trong nhà có chút trà, bánh ngon, bà đem hết ra mời khách. Rồi bà Huệ ra vườn chặt mấy trái dừa tươi, hái trái mít chín mang vào đãi khách.

Bà Huệ đã thoát nghèo!

Với bà Huệ, bà Phương hơn cả người thân, là "người ơn". Đưa bà Phương đi tham quan căn nhà đang xây dang dở, bà Huệ giới thiệu: "Hai chị em Mộng Trinh, Mộng Thu (con gái bà Huệ) đi làm gửi tiền về lo hết đó cô Phương! Tụi nó lo cho tui, gia đình lắm nên mới được như vầy. Trước đây cũng nhờ cô Phương lo cho tụi nó từng cây viết, cuốn tập. Tụi nó cứ nhắc hoài là nhờ có cô Phương tốt bụng". Rồi bà dẫn bà Phương ra tận sau nhà, chỉ chuồng bò: "Cô coi nè, con bò xã hỗ trợ cho tui năm nào cũng đẻ được một con. Năm nay được con bò đực, 2 tuần mà lớn cỡ đó. Mừng lắm cô ơi!". Nhờ có con bò, hành trình nuôi con ăn học của bà Huệ vơi đi một phần vất vả.

Nhờ có con bò do UBND xã Hòa Phú hỗ trợ, hành trình nuôi con ăn học của bà Huệ vơi đi một phần vất vả

Hơn 10 năm trước, gia đình bà Huệ thuộc diện hộ nghèo của xã. Đời sống khó khăn đến mức "không có gạo mà ăn". Nhà không có đất sản xuất, mình bà Huệ nuôi 2 con gái đi học, chồng và 1 con trai bệnh tâm thần. Bà làm thuê, làm mướn quanh năm, suốt tháng vẫn không đủ chi tiêu. Chiều tối mỗi ngày, sau khi đi làm về, bà kết bè ra sông lớn hái rau muống về bó lại. Khuya hôm sau, bà đạp xe lên TP.Tân An bán rồi tranh thủ về cho kịp giờ làm.

Đó là quãng thời gian bà Phương hay đến thăm gia đình bà Huệ. Bất cứ đợt tặng quà nào của mạnh thường quân, gia đình bà Huệ cũng có tên trong danh sách nhận quà. Thấy 2 cô con gái của bà Huệ học hành chăm chỉ, bà Phương tìm mọi nguồn vận động kinh phí mua tập, sách, quần áo cho các cháu có điều kiện đến trường. Mỗi lần tới thăm gia đình, bà lại khuyên Mộng Thu và Mộng Trinh nỗ lực học tập để thay đổi tương lai. Hiểu được tấm lòng của mọi người, Thu và Trinh luôn đạt thành tích tốt, đậu đại học và sang Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp.

Ngồi trong hiên nhà gió mát, bà Huệ vui vẻ nói: "2 đứa nó trả hết hơn 100 triệu đồng tiền vay đi học rồi. Giờ tụi nó nói ráng sửa lại nhà, cũng cũ rồi!". Căn nhà tình thương ngày trước được UBND xã tặng giờ được sửa chữa, nới rộng. Bà Huệ sẽ sớm có một mái nhà kiên cố, rộng, đẹp. Bà kể: "Hồi đó, hàng xóm hay nói tui gả con gái đi, nhà nghèo mà cho nó đi học chi tốn tiền. Nghe vậy, cô Phương lo lắng lắm, khuyên tui và mấy đứa phải quyết tâm đi học. Nhờ vậy, mẹ con tui mới được cuộc sống như vầy. Chứ thôi chắc cũng nghèo khổ hoài!". Gia đình bà Huệ đã thoát nghèo vài năm, được đánh giá là hộ thoát nghèo bền vững.

Khẳng định vai trò huyện nông thôn mới

Hòa Phú là xã đầu tiên trong huyện Châu Thành hoàn tất xây dựng xã NTM nâng cao. Toàn xã không còn hộ nghèo đa chiều. Đó là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Không chỉ Hòa Phú, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện những năm trở lại đây cũng giảm đáng kể. Năm 2019, huyện chỉ còn 1,39% hộ nghèo. Điều đó cho thấy, đời sống người dân đã được nâng lên rất nhiều. Giờ đây, Châu Thành có nhiều đổi mới, không còn là vùng quê khó khăn. Đây là huyện có 100% tuyến đường giao thông được xây dựng hoàn tất. Các tuyến đường chính trong huyện, đường trục xã đều là đường bêtông rộng, đẹp với đầy đủ đèn đường, camera và hoa trồng hai bên đường. Điểm xuyết giữa ruộng thanh long chín đỏ là những mái nhà kiên cố. Châu Thành trở thành vùng quê trù phú. Toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát. Chất lượng cuộc sống, mức độ hưởng thụ của người dân tăng lên.

Bằng nhiều cách khác nhau, các địa phương hỗ trợ người dân phát triển kinh tế: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang thanh long, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi hoàn chỉnh phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản,… Đời sống nâng lên, người dân quan tâm hơn đến sức khỏe và đời sống tinh thần. Toàn huyện hiện có 94,62% người dân mua bảo hiểm y tế; 91 ấp được công nhận ấp văn hóa; 97,4% gia đình được
công nhận gia đình văn hóa.

Toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát. Chất lượng cuộc sống, mức độ hưởng thụ của người dân tăng lên

Cũng từ đó, người dân đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng huyện nhà. Châu Thành xây dựng hoàn tất huyện NTM với tổng kinh phí 1.846,7 tỉ đồng. Trong đó, người dân đóng góp 551,3 tỉ đồng (chiếm 29,88%). Xã nào cũng có những nông dân hiến đất làm đường, mạnh thường quân nhiệt tình ủng hộ các công trình. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Minh Trung cho biết, phong trào xây dựng NTM của xã luôn nhận được sự ủng hộ của người dân. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Thuận, Lê Văn Hùng hay Nguyễn Thanh Nhàn,… đều là mạnh thường quân quen thuộc của địa phương. Ông Trần Ngọc Hưởng - cựu chiến binh, mạnh thường quân của Phú Ngãi Trị, chia sẻ, đóng góp cho địa phương là một cách ông cảm ơn cuộc sống, những đồng đội đã hy sinh bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc và cuộc sống của gia đình ông ngày nay.

Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Châu Thành có nhiều đổi mới. Đời sống người dân được nâng lên. Bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát triển. Môi trường sinh thái được bảo vệ. An ninh chính trị được giữ vững. Trật tự xã hội được bảo đảm. Hệ thống chính trị vững mạnh. Dân chủ cơ sở được phát huy. Châu Thành đánh dấu sự thành công của mình bằng danh hiệu huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Sự hài lòng và đồng thuận của người dân luôn ở mức cao. Nếu ai đó trở lại Châu Thành sau nhiều năm xa cách, hẳn sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay vượt bật của quê hương./.

 

Nguồn tin: www.longan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập397
  • Hôm nay38,307
  • Tháng hiện tại697,634
  • Tổng lượt truy cập93,075,298
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây