Cả tỉnh hiện có 840 công trình thủy nông lớn nhỏ, bao gồm hồ chứa nước, trạm bơm, đập dâng, cống tiêu thoát lũ và hệ thống kênh mương các cấp. Ngoài các công trình lớn đang được đầu tư xây dựng và nâng cấp thì hầu hết các hồ đập nhỏ đã bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao vào mùa mưa lũ. Điển hình như đập Cha Chạm, Khe Vôi, Khe Làng, đập Trạng, đập Họ ở Hương Khê; đập Nước Xanh, Đá Đen, Khe Bò, Vàng Tim, đập Bàu Sơn ở Kỳ Anh; đập Khe Chẹt, Bãi Trạng, đập Bượm ở Vũ Quang và đập Đá Bạc ở Hồng Lĩnh...
Công trình đập Khe Mui (xã Hương Lâm - Hương Khê) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hữu Trung |
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy (Hương Khê) cho biết: Toàn xã có 8 hồ đập lớn nhỏ, nhưng hầu hết đều xuống cấp, nguy hiểm nhất hiện nay là đập Trạng và đập Khe Vôi. Tại đập Trạng, chúng tôi chứng kiến 2 bên tràn đã bị xói lở nghiêm trọng, hàng chục hộ dân sống ở đây đang ngày đêm thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến. Không thể không lo khi các hồ đập này được xây dựng cách đây đã hơn 40 năm, nay đã xuống cấp. Nhiều người dân sống gần đập Khe Vôi cho rằng, thân đập và tiêu năng bị rò rỉ nước, nhiều năm nay không thể tích được nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chính quyền và ngành chức năng đều biết, nhân dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp thẩm quyền... nhưng biện pháp thường thấy cũng mới chỉ là khắc phục tạm thời.
Trong số 345 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh thì chỉ có 5 hồ có thể chủ động điều tiết sớm trước khi mưa, lũ lớn xẩy ra, còn lại đều ở dạng tràn tự do. Trong khi đó, rừng đầu nguồn bị khai thác cạn kiệt làm cho dòng chảy tập trung, vượt quá tần suất theo thiết kế ban đầu, đe dọa đến an toàn cho đập trong mùa mưa, lũ. Một thực trạng hiện nay rất đáng lo ngại khi hệ thống cống tiêu thoát nước gặp khó trong công tác vận hành do thiết kế và thi công không đồng bộ. Hệ thống điều tiết của các hồ Tân Phong, hồ Nước Xanh (Kỳ Anh); hồ Khe Dẻ, Cao Thắng, Vực Rồng (Hương Sơn); hồ Vực Trống (Can Lộc)... giờ không có khả năng giữ nước, nước tự chảy quanh năm. Ngoài ra, hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh nhiều đoạn đã bị sạt lở, sụp lún và bồi lắng nghiêm trọng dẫn đến khả năng tải nước rất kém.
Hồ Khe Bò (Kỳ Anh) vừa được sửa chữa tạm đoạn bị lún sụt ở miệng cống lấy nước. Ảnh: Trọng Tuệ |
Hàng chục công trình thủy lợi tại một số địa phương đã bị hư hỏng, xuống cấp đang “khắc khoải” chờ vốn. Ngược lại, một số cống lấy nước đã được sửa chữa nhiều lần, song vẫn nguy cơ mất an toàn cao như: cống Nước Vàng (Hương Khê), Vực Trống (Can Lộc)...
Ông Trần Duy Chiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: Trong năm 2013, toàn tỉnh cần phải sửa chữa, nâng cấp 26 hồ chứa và 7 đập để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. Với kinh phí PCBL gần 3 tỷ đồng của tỉnh chỉ đủ sửa chữa, nâng cấp cho một vài công trình cấp bách. Bởi vậy, những công trình thủy lợi, chủ yếu các hồ, đập nhỏ chưa được sửa chữa hoặc sửa chữa tạm thời đều giao cho các địa phương có phương án bảo vệ khi mưa bão đến...
Trước thực trạng trên, các địa phương cần phải chủ động xây dựng phương án bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Trong đó, chú trọng đến công tác vận hành điều tiết nước đối với các hồ chứa; chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xẩy ra.
Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trước hết, các địa phương phải đánh giá đúng thực trạng các công trình hồ đập trên địa bàn để lập phương án chủ động nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Đối với các hồ chứa xả lũ tự do, cần kiểm tra kỹ, xây dựng phương án tràn xả lũ phụ để khi mưa, lũ lớn xẩy ra có thể chủ động tháo lũ, đảm bảo an toàn cho công trình, không ảnh hưởng đến dân sinh. Đặc biệt, các địa phương phải chuẩn bị tốt phương án di dời dân vùng hạ du khi cần thiết.
Ngoài sự chủ động đối phó của các cấp chính quyền thì sự ưu tiên đầu tư kinh phí nâng cấp cho các công trình thủy lợi vẫn là giải pháp quan trọng, lâu dài để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp.
HỮU TRUNG
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;