Học tập đạo đức HCM

Bây giờ, biển đã hồi sinh...

Chủ nhật - 23/04/2017 04:42
Bẵng một năm, làng tôi mới nghe lại được tiếng người làng chài rao cá. Trong một năm ấy, tôi không hiểu, những người như chị Tâm, chị Thắm (Đại Hải, Thạch Hải, Thạch Hà) sẽ làm nghề gì khi gần như cả đời họ chỉ biết mua cá trên thuyền và đến từng chợ quê, thôn xóm rao bán. Họ buồn khi cái “cần câu cơm” hàng ngày có nguy cơ sẽ mất đi trong dài hạn.
Ấy vậy mà, trưa nắng nóng 38, 39oC, làng tôi, làng cách biển nửa ngày đi bộ, đã xôn xao tiếng giọng quen thuộc của cư dân làng chài: “Ai cá trích, cá lẹp, bạc má”; “Ai cá cơm, mực đê...”.

Một tiếng rao - một bầu sinh khí

Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp ngồi bờ tre tựa như hồi lên 7. Cụ Hinh, cụ Toản phất phất chiếc quạt nan bàn chuyện đánh bom ở Syria, chuyện ông Donald Trump táo bạo... Chiếc radio nhãn mác không rõ ràng oang oang, huyên náo. Chợt từ xa, tiếng rao vẳng đến lớn dần, xì xào trong tiếng gió xe chạy: “Ai cá trích, cá bạc má đê…”. Cụ Hinh vặn nhỏ đài. Cụ Toản ngoảnh mặt, ới vào trong nhà: “Bây ơi có cá bạc má tề”. Trong nhà, tiếng chị Tình vọi ra: “Cá mô đó ông, hỏi thử mấy (tiền) một cân (kg)?”.

Tiếng gọi chưa dứt, chị bán cá đã chạy xe tới nơi chúng tôi ngồi hóng mát. Những giọt nước biển từ các khên đựng cá nhỏ tách tách xuống vành, bánh. Mặt mũi trùm kín chỉ còn mỗi ánh mắt nhìn chúng tôi, chị bán cá liến thoắng, giọng chắc nịch: “Mua cá đi ông. Cá vừa về liền. Tươi roi rói. Mua mà ăn. Rẻ chứ đắt đỏ gì. Ông cứ so với thịt mà coi. Đó là chưa nói thịt bây giờ toàn cám cò, có khi còn thêm tăng trọng…”.

bay gio bien da hoi sinh

Biển hồi sinh, cảnh mua bán quen thuộc tại các làng quê đã trở lại

Cuộc mua bán của chị Tình qua thao tác “mối lái” của ông Toản rồi cũng kết thúc. “Một cân thì tha hồ cả nhà ăn. Mua chừng ni ăn cho tươi, mai kiểu chi nỏ có ngài vô rao nựa” – chị Tình tươi tắn như bán được đắt hàng, tay giơ mớ cá tươi xanh lên như phân trần với tôi. Tôi hiểu, trong cuộc mua bán này, niềm vui của người bán đã đành, nhưng lớn hơn, những niềm vui của vạn người ăn cá đã mang lại sinh khí cho những ngôi làng. Tiếng rao đã dần xa, chạy dài theo các con ngõ rợp màu xanh lá.

Nông thôn quê tôi là vậy, từ vạn đời này, tiếng rao cá đã là một phần của âm thanh cuộc sống. Làng chúng tôi yên bình, không xô bồ, nhộn nhịp. Thi thoảng, tiếng các bà, các chị đi chợ về ới nhau, những tiếng rao cá đan xen làm nên âm thanh tựa như của riêng làng. Nghĩ đến đấy, lòng tôi chợt rộng mở: hóa ra, từ lâu, làng đã xem tiếng rao của cư dân làng biển là một phần của cuộc sống. Thế mới hiểu, tâm thức về biển, tình yêu với “quà” biển đã ăn sâu bền chặt trong tâm trí bao người, kể cả những người không hay biết gì về nghề biển như làng tôi. Lặn sâu trong ký ức hơn hàng chục năm vật lộn với cuộc sống, bài đồng dao thuở nhỏ mà chúng tôi chạy theo trêu đùa các bà quảy gánh bán cá đi ngang qua, chợt hiện về sáng rõ:

Cá trích, cá ve

Cá tre lộn lạo

Cá cháo hai phần

Cá ngần một nửa

Ai mua thì mua...

Muôn loài cá đã sinh sôi, làng của tôi rồi cũng sống lại đồng dao một thuở. Đồng dao ấy, hôm nay không chỉ dành cho trẻ con mà còn dành cho người lớn, những người sâu sắc, thâm trầm đến ngỡ như hồn nhiên, trong trẻo.

Sức sống của những ngôi làng

Không biết đã bao lần, tôi dọc triền biển từ Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… để dõi theo những thao tác của cư dân làng biển. Bãi đậu thuyền tấp nập người bán kẻ mua. Còn nhớ cách đây ít bận, người Cẩm Nhượng liên tiếp trúng cá thu… Người mua kẻ bán xôn xao, hớn hở. Những con cá tươi ngon lập tức được đưa lên xe, chuyển đến các nhà hàng trong khu vực và xa hơn thế. Anh Tiến, ở thôn Trung Hải (Cẩm Nhượng) nói: “Cá thu nớ ít khi họ đi rao. Phải khi được nhiều mới đem đi rao các làng xóm. Đợt ni nhờ được nhiều nên nhiều chị đem đến xã Cẩm Phúc, Cẩm Dương, Cẩm Hòa rao trong làng”.

Trong niềm vui của những ngày biển ban nhiều lộc, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) Nguyễn Sỹ Huyền nói với tôi: “Xã tôi có 11 thôn thì toàn bộ đều có người làm nghề ngư và nghề buôn bán, chạy chợ từ cá. Năm trước, nhiều gia đình khốn đốn vì không biết làm gì. Bây giờ, các chị trở lại công việc thường ngày nên chúng tôi cũng thấy được động viên”. Ông Huyền còn cho hay: “Ngoài hơn 900 người trực tiếp làm nghề ngư, toàn xã có hơn 1.000 người làm nghề mua đi bán lại các mặt hàng hải sản. Đa phần là buôn bán nhỏ. Những chị còn trẻ trung, có sức khỏe thì chở cá bằng xe máy, bán ở chợ Hà Tĩnh, chợ huyện, rồi chợ Cầu (Cẩm Lộc), chợ Gon (Cẩm Phúc), chợ Thá (Cẩm Lĩnh), có khi đi rao trong làng. Những chị nhiều tuổi hơn thì đi bằng xe đạp, chủ yếu bán loanh quanh trong xã, tại Khu du lịch Thiên Cầm hoặc xã lân cận”.

Không sống phụ thuộc vào ngư nghiệp hoàn toàn như Cẩm Nhượng nhưng tại Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), nhiều gia đình vẫn coi biển và nghề buôn cá là một phần của cuộc sống. “Xã chỉ có 2 thôn Liên Hương và Rạng Đông với hơn 150 người làm ngư, buôn bán cá. Người bán lấy cá từ các thuyền rồi rao bán ở các thôn trong xã như: Bắc Hành, Nam Hành, Đông Đoài, Trung Đông, Hoàng Vân… Cá họ rao bán thường rất tươi vì lấy trực tiếp từ thuyền, không qua ngày. Họ cũng ít đi đến chợ vì nhiều làng quê ở đây thường mua cá từ các xe rao bán. Họ nói, cá như thế mới tươi” - ông Phan Xuân Ái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Dương kể.

Làng biển bao đời đã quen với nghề chạy chợ sớm hôm. Cá từ thuyền được các bà, các mẹ mua từng mớ đi các chợ, các làng. Dân làng Đại Tiến (Thạch Hội), làng Ngại (Thạch Trị), làng Mới (Thạch Lạc), Đại Hải (Thạch Hải) của huyện Thạch Hà nằm liền kề trải dài dọc bờ biển. Quanh năm, các làng này sống quen với ồn ào sóng vỗ và những chuyến cá ngược xuôi. Làng Mới (Thạch Lạc) là làng giáo toàn tòng với hơn 1.700 người dân bám biển làm nghề. Bây giờ, biển đã hồi sinh. Từng chiều hôm, sớm mai, thuyền lại nối đuôi nhau ra khơi vào bãi, làng luôn tấp nập, ồn ào mỗi khi thuyền về. Từ làng Mới, tôi nghĩ rộng xa hàng chục ngôi làng ven biển. Làng nào cũng có hàng chục, hàng trăm người chạy chợ, bán buôn cá. Họ đã được bồi thường, cũng như ngư dân đánh cá, nhưng quan trọng hơn, họ đã được trở lại với công việc muôn thuở của mình. Đó là niềm vui của toàn thể. Niềm vui từ biển hồi sinh.

“Một năm đi qua nặng trịch trong lòng những người dân làng biển. Họ ngóng biển và chờ biển hồi sinh” - lão thi sĩ làng quê tên Thục nhìn ra bãi tắm Văn - Trị (Thạch Hà) mắt bâng khuâng. Rồi ánh mắt lão tự dưng sáng rực. Lão bảo tôi: “Ông phải chụp cho mình mấy kiểu ảnh, mình sẽ đăng phây-búc”. “Bây chừ, lộc biển đã dồi (dồi dào - P.V), mình là công dân, phải đăng chút “phây” cho thiên hạ tỏ. Rồi ông chụp thêm cái ảnh con mẹ Hiền đằng kia, gồng gồng gánh gánh ấy, đang lại thuyền te mua cá cơm” - lão bô bô vừa nói, vừa giẫm chân lên còn thuyền gối cát để tạo dáng. Tôi xoay xoay, nghiêng nghiêng chụp ảnh lão. Chúng tôi cười nói giòn tan trước sóng biển về chiều. Chị Hiền đằng xa đã mua được cá. Tôi biết, chị lại kẽo kẹt lên bờ, lại sắp lên xe và vào các làng rao cá. Tiếng rao gợi biết bao sức sống mặn mòi, gọi những gì sung túc, an vui.

Mạnh Hà
Baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập536
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại840,332
  • Tổng lượt truy cập92,014,061
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây