Chậm một bước, chắc bền lâu!
Tùng Ảnh (Đức Thọ) và Thiên Lộc (Can Lộc) về đích 19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chậm 1 năm so với mục tiêu phấn đấu mà tỉnh đề ra (năm 2012 về đích 2 xã để tạo phong trào cho 2013). Dừng lại một bước để nhìn nhận một cách khách quan, thực chất kết quả đạt được, các xã dẫn đầu này đã đặt quyết tâm cao hơn, hoàn thành và củng cố vững chắc từng tiêu chí.
Thiên Lộc ngày mới |
Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết, cuối năm 2012, qua kết quả đánh giá thẩm định của các sở, ngành, chúng tôi còn 1 tiêu chí chưa đạt và một số tiêu chí chưa thật sự bền vững. Chưa đạt mục tiêu là điều trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Tùng Ảnh để từ đó đặt quyết tâm củng cố vững chắc các tiêu chí trong năm 2013.
Trước hết, đối với các tiêu chí về hạ tầng chưa thật sự đạt chuẩn như: giao thông (hệ thống đường ngõ, xóm), thủy lợi, điện, nhà văn hóa thôn, trường học..., địa phương tiếp tục phát động phong trào hiến đất mở đường và đặc biệt là việc huy động nguồn lực từ người dân và con em xa quê với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2013, Tùng Ảnh tiếp tục nâng cấp 5 km đường ngõ xóm đạt chuẩn, đưa tổng số đường ngõ xóm lên 20,3 km (đạt 99,6/70% theo tiêu chí quy định). Tiêu chí thủy lợi tiếp tục được nâng cấp với 2,8 km được xây mới, đưa tổng số kênh được bê tông hóa lên 19 km (đạt 100%). Tương tự, các tiêu chí khác mà năm 2012 xã còn “nợ” như: nhà văn hóa thôn, trường học cũng được hoàn thành.
Chậm lại một bước cũng là khoảng thời gian xã Tùng Ảnh tiếp tục phát triển vững chắc vai trò của con người mới trong xây dựng NTM. Địa phương đã nhân rộng được nhiều điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đó, khơi dậy phong trào thi đua giữa từng gia đình, thôn xóm, đưa số lượng xóm đạt danh hiệu làng văn hóa tăng về số lượng và mạnh về chất lượng. Đặc biệt, năm 2013, Châu Trinh là một trong 5 thôn của tỉnh được chọn làm thí điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu với sự đổi mới từ ngoài đường đến từng góc vườn và đến tận từng suy nghĩ, hành động ở mỗi người dân. 9/12 thôn khác được công nhận làng văn hóa; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 90%.
Nông thôn mới Tùng Ảnh vẫn lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống |
Với Thiên Lộc, địa phương từng nằm trong tốp về đích sớm nhất trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 1 (2001-2005) thì việc “lỡ hẹn” đích mới - 2012 đã giúp xã thấm hơn bài học phải vượt qua chính mình. Bởi vậy, “những tiêu chí còn lại dù đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn và sự tập trung chỉ đạo, thực hiện một cách quyết liệt, nhưng cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực để hoàn thành ở mức cao nhất” - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Đặng Phúc Vượng cho biết.
Năm 2013, để đạt chuẩn các tiêu chí hạ tầng còn dang dở như: nước sạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường…, người dân Thiên Lộc tiếp tục đóng góp 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của huyện và ngành chuyên môn, xã thành lập 10 tổ tự quản ở 10 thôn do hội CCB đảm nhận. Các tổ tự quản đã phát huy tốt vai trò là cánh tay vươn dài của lực lượng công an xã, huy động sự phối hợp, hỗ trợ của người dân, tạo nên thế trận bảo vệ ANTT vững chắc. Nhờ đó, số vụ việc vi phạm ANTT, TNXH ở Thiên Lộc đã giảm 20 vụ so với năm 2012. Tiêu chí về ANTT - vốn là vấn đề các cấp, ngành đang trăn trở ở Thiên Lộc đã thực sự về đích một cách thuyết phục.
Điều mà Chủ tịch UBND xã tâm đắc, phấn khởi khi nhìn lại kết quả sau 3 năm dồn sức ở Thiên Lộc đó là qua quá trình nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đã hình thành trong ý thức mỗi người; sự gắn bó, đoàn kết giữa các thôn xóm, gia đình bền chặt hơn, việc tố cáo, khiếu nại giảm hẳn so với trước đây.
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, điểm nổi bật trong chặng nước rút về đích năm 2013 của Tùng Ảnh là đã vượt qua những khó khăn đặc thù để hướng mạnh vào phát triển sản xuất. Theo đó, Tùng Ảnh đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập cho bà con. Trước tiên là việc cơ cấu lại các vùng cánh đồng mẫu lớn và hỗ trợ người dân xây dựng mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Cùng với củng cố 2 HTX nông nghiệp, Tùng Ảnh đã xây dựng được một số mô hình kinh tế hiệu quả như: trại gà của anh Dương Thúc Tuân quy mô 10.000 con/lứa; trồng nấm 7.000 bịch/lứa; trang trại đa cây, đa con của anh Phan Duy Đồng (thôn Châu Nội) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Phát triển sản xuất - nhiệm vụ cốt lõi và xuyên suốt trong xây dựng NTM cũng đã nhìn rõ hướng chuyển động ở Thiên Lộc. Các vùng sản xuất: màu, lúa, chăn nuôi tập trung đã được định hình với một số mô hình bước đầu phát huy hiệu quả. Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) qua hơn 1 năm hoạt động đã vượt lên tốp đầu trong hệ thống quỹ TDND cơ sở. Với hơn 7 tỷ đồng đầu tư tín dụng cho nền kinh tế địa phương, trong đó có 170 triệu đồng cho vay hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất theo Quyết định 26 của tỉnh, mô hình TDND này đã tạo nguồn lực mới cho người nông dân địa phương phát triển mạnh chăn nuôi gia súc.
NTM vùng đô thị - nguồn lực lớn, quyết tâm cao
Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) và Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) là 2 xã NTM vùng đô thị. Thuận lợi lớn là thành phố và thị xã đều có chính sách đặc thù đầu tư cho 2 xã điểm. Cộng với cách làm khéo léo, quyết tâm trong khơi dậy sức dân, 2 xã ven đô không chỉ về đích đúng lộ trình mà nhiều tiêu chí đạt cao vượt chuẩn NTM.
Ở thời điểm khởi động, Thuận Lộc mới đạt 2 tiêu chí. Nhiều tiêu chí quan trọng như cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT còn cách xa so với tiêu chuẩn. Áp lực lớn đặt ra cho Thuận Lộc khi xã được xếp vào danh sách nhóm xã về đích 2013, nhưng cơ hội đổi thay từ diện mạo hạ tầng cơ sở đến cuộc sống mỗi người dân đã đến với Thuận Lộc khi có được nguồn lực hỗ trợ khá lớn.
Trạm Y tế xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) khang trang hơn nhờ chương trình NTM |
Theo ông Hoàng Thanh Sơn – Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc, trong 3 năm qua, Thuận Lộc đã được đầu tư 180 tỷ đồng từ nguồn phân bổ của tỉnh và ngân sách thị xã, trong đó, nguồn của thị xã 30 tỷ đồng, còn lại là nguồn chương trình NTM và các nguồn lồng ghép khác. Cùng đó, cán bộ nguồn của UBND thị xã được điều động về làm chủ tịch UBND xã; Hồng Lĩnh huy động toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ sát sao; các sở, ngành chức năng và đơn vị đỡ đầu (Bộ CHQS tỉnh) trực tiếp tham gia giúp đỡ địa phương từng nội dung công việc cụ thể. Nhờ đó, sau những lúng túng năm đầu, Thuận Lộc đã bứt phá, nỗ lực huy động nội lực để hoàn thành các tiêu chí.
Ông Nguyễn Trọng Nông – Trưởng thôn Tân Hòa nhớ lại: “Thời điểm đó (năm 2011), cả xóm chưa hề có 1m đường bê tông nào. Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện, với sự chung sức, đồng lòng ủng hộ của người dân, thôn Tân Hòa đã có 2,4 km đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông hóa đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 100%); nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang với mức đầu tư 1,4 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của ông Nông, đến thời điểm này, mỗi hộ dân thôn Tân Hòa đã đóng góp bình quân 22 triệu đồng chưa kể ngày công và hiến đất để xây dựng NTM.
Cũng như Thuận Lộc, xã Thạch Hạ được tiếp sức từ chính sách hỗ trợ đặc biệt của TP Hà Tĩnh. Theo cơ chế: 50% đầu tư của thành phố và 50% từ nguồn bán đất của xã, Thạch Hạ tập trung được nguồn kinh phí hỗ trợ khá lớn. Tuy nhiên, “để tranh thủ được 23 tỷ đồng từ ngân sách và 15 tỷ từ các nguồn lồng ghép khác cho xây dựng NTM, người dân địa phương với vai trò chủ thể phải huy động nội lực hàng chục tỷ đồng. Sau 3 năm thực hiện chương trình NTM, nhân dân Thạch Hạ đã hiến 13 ngàn m2 đất; có nhiều hộ hiến trên 100 m2 đất - tương đương với giá trị kinh tế cả trăm triệu đồng.
Mô hình trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Huy Dương, thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh cho thu nhập 80-90 triệu đồng/năm |
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, trong số 7 xã về đích, có 2 xã đạt các tiêu chí đầy đủ và toàn diện nhất là Tùng Ảnh và Thạch Hạ. Điển hình trong việc nỗ lực nâng cao tiêu chí ở Thạch Hạ phải kể đến việc làm đường GTNT đáp ứng trên chuẩn NTM. Theo đó, chiều rộng của đường trục thôn đã được nâng lên 7m (mặt đường 5m, lề đường 2m) cao hơn chuẩn 5,5 mà Bộ GTVT đưa ra. Không chỉ GTNT, các tiêu chí khác liên quan đến cơ sở hạ tầng, Thạch Hạ đều đi trước một bước. Nhà văn hóa khang trang cùng với các sân vận động ở mỗi xóm; các tuyến đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa 100%, kênh mương bê tông đạt tỷ lệ trên 91%.
Gắn với lợi thế của những xã ven đô, Thạch Hạ và Thuận Lộc triển khai đề án sản xuất hướng tới trọng tâm phát triển các sản phẩm nông sản sạch và TM-DV. Thuận Lộc đã quy hoạch vùng sản xuất rau sạch, vùng phát triển du lịch sinh thái; sản xuất TTCN với sản phẩm chính là đồ gốm và gạch ngói nung cao cấp. Khu TM-DV Đồng Tám diện tích 3,5 ha đã được quy hoạch để thu hút đầu tư. Thạch Hạ đang từng bước xây dựng khu du lịch sinh thái ven sông Hộ Độ; thành lập và phát triển các HTX: sản xuất rau an toàn ở thôn Tân Lộc (diện tích 2,9 ha), sản xuất nấm do Đoàn thanh niên đảm nhận, nuôi trồng thủy sản Đồng Ghè với diện tích 8,5 ha ở xóm Liên Hà, nuôi cá lồng bè với 17 hộ tham gia, tổng số 72 lồng…
(Còn nữa...)
Ông Nguyễn Sông Hàn - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ: Dân vận khéo để huy động nguồn lực Đằng sau câu chuyện về điển hình người dân thành phố hiến “đất vàng”, tích cực tham gia xây dựng các công trình hạ tầng là chiến lược vận động khéo léo, sáng tạo và bài bản với sự tham gia của cả hệ thống chính trị địa phương. Điển hình phải kể đến thành công trong công tác tuyên truyền với cách làm rất sáng tạo. Tại cuộc thi tuyên truyền chương trình NTM, xã chủ động mời những người dân có liên quan đến việc hiến đất hoặc còn chưa thông tư tưởng trong vấn đề này tham gia vào đội dự thi của các tổ chức đoàn thể, các xóm. Sau thời gian làm “diễn viên”, trực tiếp tuyên truyền về NTM, những đối tượng khó nhất đã chuyển biến rõ rệt về mặt tư tưởng. Ông Trần Huy Oánh - Phó CVP Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM: Các sở, ngành, đơn vị sát cánh cùng xã hoàn thành các tiêu chí Thực hiện cuộc vận động “Cả tỉnh chung sức xây dựng NTM”, trong 2 năm qua, công tác đỡ đầu, tài trợ thực sự đã mang lại kết quả tích cực, tạo được ý thức trách nhiệm trong các tổ chức, cá nhân và cả hệ thống chính trị cùng chung sức, đồng lòng với các xã xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 84 đơn vị đỡ đầu cho 106 xã (trong đó 24 sở, ngành đỡ đầu cho 40 xã) với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng; nhiều tổ chức, đơn vị đã có cách làm chủ động, sáng tạo và tâm huyết với cơ sở, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ông Đặng Phúc Vượng - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc: Đội ngũ cán bộ xã trưởng thành Trong nhiều cái được của địa phương trong quá trình xây dựng NTM, phải nói là đội ngũ cán bộ xã đã trưởng thành hơn hẳn trong cả trình độ và nhận thức. Kiến thức chuyên môn và năng lực làm việc được nâng lên khi cán bộ xã được các ngành chuyên môn cấp trên trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện từng tiêu chí. Ý thức trách nhiệm tham gia thực hiện thành công một chương trình có ý nghĩa nhân văn lớn cũng dần thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ. Thêm vào đó, áp lực về cả thời gian và chất lượng của các tiêu chí đã tạo môi trường để phát triển những cách làm sáng tạo, linh hoạt. Guồng máy hoạt động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở Thiên Lộc đang được đổi mới theo hướng hiệu quả hơn, năng động hơn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;