Tốt nghiệp ngành du lịch tại Vũng Tàu, Nguyễn Ngọc Tấn (SN 1975) “ngược ngàn” lên Đà Lạt làm việc. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, 6 năm sau, anh phải trở về quê nhà Kỳ Tân (Kỳ Anh) với tâm thế “làm lại từ đầu”. Với Tấn, đây là khoảng thời gian khó khăn, “mất phương hướng” nhất khi mãi loay hoay tìm hướng mưu sinh, kinh doanh đủ thứ, từ giày dép đến quần áo…, nhưng đều thất bại và “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.
Trang trại rộng lớn của Nguyễn Ngọc Tấn có doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần chục nhân công |
Không nản lòng, Tấn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để tìm hướng đi mới. Sau bao trăn trở, anh nhận thấy vùng đất bán sơn địa quê mình rất thuận lợi cho việc chăn nuôi bò. Mặc dù không được gia đình ủng hộ vì nghĩ không khả thi, nhưng Tấn vẫn quyết tâm biến ý tưởng, khát vọng thành hiện thực. Năm 2007, anh mạnh dạn vay mượn tiền anh em, bạn bè…, đấu thầu khu đất ở xã và bỏ ra 10 triệu đồng để mua hai cặp bò giống địa phương. Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, 1 năm sau, anh tiếp tục vay mượn tiền mua thêm 10 con bò giống lai sind sinh sản.
Thành công của mô hình ngày càng hiện rõ và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao thực sự là nguồn động lực tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho anh. Năm 2014, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc ưu đãi lãi suất cho vay và các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, anh tiếp tục huy động vốn tự có và vay ngân hàng 2 tỷ đồng đầu tư chuồng trại, con giống, máy móc… để mở rộng quy mô trang trại.
Trên diện tích gần 33 ha, trang trại của anh hiện có gần 60 con bò, trong đó, có 30 con nái nền, 4 con đực lai sind, số còn lại là bò vỗ béo và bê con. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, anh còn quy hoạch thêm vùng trồng cỏ (VA06), sắn… ngay trong trang trại. Với hình thức chăn nuôi xoay vòng, bán chăn thả, mô hình của anh không mất nhiều công trông quản, dễ vệ sinh chuồng trại và tận dụng tối đa nguồn phế thải từ bò để chăm bón cho cây trồng... Cùng với chăn nuôi, anh còn sản xuất, chế biến lạc nhân xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao...
Nhìn cơ ngơi trang trại của anh hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thán phục khi biết chàng hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Ngọc Tấn năm nào giờ đã trở thành một nông dân thứ thiệt - ông chủ của trang trại rộng lớn với doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần chục nhân công trong xã. Đáng mừng hơn, thành công của mô hình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều hộ dân địa phương đến tham quan, học tập, được anh hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật nên cũng chuyển hướng đầu tư chăn nuôi bò, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với phương thức sản xuất truyền thống.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Tấn cho biết, điều trước tiên là phải biết chọn con giống tốt, nắm vững kiến thức về chăn nuôi, nhất là các loại đối tượng mà mình phát triển; chăm sóc đúng kỹ thuật, thường xuyên chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi; chuồng trại phải được xây dựng đúng quy cách, luôn vệ sinh, tiêu độc khử trùng sạch sẽ… “Sắp tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm bò giống, máy móc để thực hiện những dự định mới” – anh Tấn bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phâng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân vui mừng cho biết: Nguyễn Ngọc Tấn là một trong những tấm gương điển hình về sự cần cù, chịu khó và dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Trang trại nuôi bò theo hướng tập trung, thâm canh do anh làm chủ đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới và góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thu Trang
Theo: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã