Học tập đạo đức HCM

“Chảo lửa” giữa miền Trung (bài 2): “Đốt” khô đáy giếng

Thứ ba - 16/06/2015 05:00
Chắt chiu, tiết kiệm, sẻ chia cho nhau từng giọt nước, thậm chí là bỏ công đào giếng mong tìm được nguồn nước để chống chọi cơn nắng hạn nhưng dường như người dân nhiều địa phương Hà Tĩnh vẫn không thoát cảnh quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt...

Chúng tôi đến nhà ông Trần Đình Quyền ở thôn Hợp Lý, xã Hương Minh (Vũ Quang) khi cả nhà đang loay hoay bên giếng đào đã gần cạn nước. Tất cả sinh hoạt, từ ăn uống, tắm rửa đều trông chờ vào nguồn nước duy nhất này. Chẳng còn cách nào khác, ông Quyền phải bịt kín miệng giếng để hạn chế sự bốc hơi của những giọt nước cuối cùng và dùng máy bơm đẩy nước lên chiếc bồn inox gác trên nóc nhà tắm. Trong lúc chiếc máy bơm phải chạy hết công suất, phát ra tiếng rè rè dưới đáy giếng thì tiếng nước chảy vào bồn chỉ nhỏ giọt. Thế nhưng, trên gương mặt của mỗi thành viên đều thể hiện rõ sự hài lòng khi gia đình mình may mắn tìm được mạch nước có thể dùng cho sinh hoạt.

Gồng mình chống chọi nắng nóng, khô hạn kéo dài!
Nhân dân xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn) phải khoét sâu giếng để tìm thêm nguồn nước

Vừa vặn nhẹ van nước chuẩn bị cho bữa cơm, ông Trần Đình Quyền cho biết: “Máy bơm hoạt động khoảng 4 tiếng đồng hồ mới có thể đầy bồn chứa khoảng 2m3. Bây giờ, nước giếng chỉ dành cho ăn uống nhưng cũng phải tiết kiệm lắm mới bám trụ được. Chậu nước phải sử dụng được 3 lần, vo gạo xong để rửa rau và sau cùng là rửa bát. Còn trâu, bò thì phải múc nước ở ao hồ nhưng nguồn nước khắp nơi cũng đã cạn rồi”.

Trong bối cảnh cả làng thiếu nước, số nhà có máy bơm như ông chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thế mà có nhiều gia đình chờ cả ngày trời để nước bơm lên khỏi mặt đất nhưng rồi cũng không thể sử dụng do nhiễm phèn. Cơn mưa vội vào chiều 13/6 cũng chẳng đủ giải tỏa “cơn khát”, chỉ có giông lốc. Quay quắt tìm nước sinh hoạt, 2 tháng nay, cuộc sống bị đảo lộn, người dân dường như chẳng còn buồn quan tâm đến sản xuất.

Ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Do nắng hạn kéo dài nên hàng trăm hộ dân ở các xóm dưới chân núi như Hợp Lý, Hợp Đức, Đồng Minh đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hầu như các giếng đào đều cạn kiệt, không thể sử dụng, nhất là đối với các hộ ở nơi có độ cao lớn. Trong khi đó, số hộ có máy bơm không nhiều, mực nước ngầm xuống thấp, chất lượng nguồn nước không đảm bảo nên đang gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân”.

“Chảo lửa” Hương Khê - nơi liên tục “ghi danh” là một trong những điểm có nhiệt độ cao nhất nước, luôn ở mức 40-410C khiến cả mặt đất nóng như nung. Tình trạng thiếu nước diễn ra cả tháng nay, đồng ruộng bỏ không, giếng nhà cạn trơ đáy. Trong đó, các xã Hà Linh, Phương Mỹ, Phương Điền là những địa phương nắng hạn gay gắt nhất.

“Chảo lửa” Hương Khê đồng khô, giếng cạn!
Cánh đồng thôn 9, xã Phúc Đồng (Hương Khê) không thể cày cấy do khô hạn

Ông Hà Văn Cảnh (thôn 8, xã Hà Linh) cho biết: “Vùng này đã 2 tháng không có mưa nên giếng nhà cạn gần hết. Trên địa bàn có 8 hồ, đập nhưng không bổ sung được bao nhiêu vì mực nước đã chạm đáy. Hiện nay, 80% giếng của các hộ dân trên toàn thôn đã cạn. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành phải dựa vào nhau, nhà nhiều cho nhà ít, cùng san sẻ qua cơn đại hạn”.

Chiều chiều, hình ảnh người dân xách can nhựa, xô đi khắp làng xin nước “cầm hơi” đã trở nên quen thuộc ở làng quê. Nguồn nước này giỏi lắm chỉ đủ phục vụ ăn ngày ba bữa, còn tắm giặt và nước cho gia súc thì phải đổ dồn ra dòng sông Ngàn Sâu.

Hai tháng, cơn đại hạn tàn phá không biết bao nhiêu cây cối, đồng ruộng, đẩy con người vào cuộc sống cùng quẫn vì thiếu nước sinh hoạt. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 14.580 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tập trung phần lớn tại các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang, nơi bà con chủ yếu dựa vào mạch nước ngầm tự nhiên (giếng đào), hồ đập, sông suối và một số huyện có nguồn nước ngầm khan hiếm, nhiễm phèn như Thạch Hà, Lộc Hà. Khi xảy ra đại hạn, nguồn nước tự nhiên xuống thấp, không cung cấp đủ nhu cầu.

Trước tình trạng này, nhiều địa phương đã chọn giải pháp dành toàn bộ nước còn lại ở các hồ, đập cho sinh hoạt thay vì san sẻ cho sản xuất. Trong lúc “eo hẹp” này, đành phải hy sinh sản xuất để cứu lấy con người. Có nơi, bà con đã tự chung sức, chung của để đào giếng, tìm mạch nước ngầm chống hạn. Ông Phan Đình Nhàn - Trưởng thôn Làng Chè (Sơn Kim 2, Hương Sơn) cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã đào được 5 giếng rồi, trước mắt là để cứu cây chè, sau là chống hạn dân sinh. Nước sinh hoạt thì hiện nay bà con vẫn tự chia sẻ cho nhau, giếng nào cạn thì sang nhà hàng xóm xin. Nhưng nếu trong 10 ngày tới trời không mưa, chắc các giếng còn lại sẽ cạn trơ”.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn thì giải pháp tối ưu nhất bây giờ là phải ưu tiên nguồn nước từ các hồ chứa để cấp cho các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đồng thời, thực hiện vận hành các công trình cấp nước một cách khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo cấp nước ổn định cho dân. Đối với những vùng bất khả kháng (không có nguồn nước từ các hồ chứa, vùng nhiễm mặn, nhiễm hóa chất, vùng có ít nước ngầm), trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương có phương án dùng xe tẹc chở nước từ công trình khác về, giải quyết nguồn nước ăn, uống, sinh hoạt cho nhân dân.
(Còn nữa...)

Nguyễn Oanh – Tiến Dũng
Theo baohatinh.vn

 

 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập252
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại791,303
  • Tổng lượt truy cập93,168,967
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây