Một lần nữa, sự chủ động phòng tránh và kỹ năng ứng phó với thiên tai nhằm bảo toàn thành quả lao động, sản xuất của nhân dân lại được đặt ra.
Chị Võ Thị Tú (xóm 3, xã Thạch Trị) cắt dọn, tận dụng số rau khoai lang còn sót lại làm thức ăn cho gia súc. |
Chỉ trong vòng 3 ngày diễn ra rét đậm, rét hại, ngành nông nghiệp tỉnh đã chịu thiệt hại không hề nhỏ, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Hàng trăm hộ dân nuôi cá chẽm lồng bè tại các xã Thạch Đỉnh, Thạch Sơn (Thạch Hà); Hộ Độ (Lộc Hà), đã rơi vào cảnh trắng tay do hàng trăm tấn cá nuôi bị chết hàng loạt. Hầu hết mọi người đều hoàn toàn bất ngờ và không kịp trở tay. Người dân ở các địa phương bị thiệt hại mong muốn chính quyền quan tâm hỗ trợ phần nào để giải quyết khó khăn trước mắt và có điều kiện đầu tư tái sản xuất trong thời gian tới. “Nếu không có sự trợ giúp, chỉ riêng khoản lãi ngân hàng hàng tháng, gia đình cũng không còn khả năng trả nợ” - chị Dương Thị Hồng (xã Thạch Đỉnh), có gần 1.500 con cá chẽm (khoảng 1,5 tấn) bị chết, cho hay.
Không chỉ thiệt hại trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đợt rét hại vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo số liệu của Chi cục Thú y tỉnh, sau đợt rét này, toàn tỉnh đã có 64 con trâu, bò bị chết. Ngoài ra, còn có hàng nghìn con gia súc, gia cầm khác có nguy cơ đổ ngã và kiệt sức do rét. Ngoài yếu tố bất ngờ của thời tiết, thì một trong những nguyên nhân chính đó là các địa phương và người dân vẫn còn chủ quan, chưa thực sự cảnh giác và chủ động ứng phó với sự bất thường của thời tiết.
Những ngày rét đậm, rét hại vừa qua khiến cá nuôi cá lồng bè ở thôn Nam Tiến, xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà - Hà Tĩnh) chết hàng loạt, người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng. |
Đợt rét kỷ lục rơi vào đúng thời điểm toàn tỉnh xuống giống lúa cũng đã gây tổn thất không nhỏ cho cây trồng chính vụ xuân. Khi rét hại xảy ra, toàn tỉnh đã có trên 37.000 ha lúa vừa xuống giống, đồng nghĩa với từng ấy diện tích phải chịu những tác động bất lợi, đặc biệt là đối với gần 33.000 ha lúa gieo thẳng. Nhiều nơi, bà con phải phá bỏ diện tích vừa gieo để làm lại vụ mùa mới.
Cánh đồng rau, củ, quả chuyên canh của xã Thạch Liên (Thạch Hà) trước sức tàn phá của đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhiều loại hoặc đã bị tàn lụi; hoặc héo lá, khô ngọn và tiếp tục bị hư hại. Thiệt hại của người trồng rau rất lớn, bởi đây là lứa rau người nông dân tập trung đầu tư để cung ứng cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Trần Thanh Xuân - một người dân cho biết: “Mọi việc xảy ra hoàn toàn bất ngờ. Năm nay, mọi dự báo đều nhận định là một vụ đông ấm. Vì vậy, việc lựa chọn cơ cấu giống cây trồng không phù hợp cũng là một trong những yếu tố gây nên thiệt hại nặng nề”.
Bà con nông dân tát nước chống úng cho các diện tích lúa mới gieo bị ngập. |
Thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp trong đợt rét vừa qua, bên cạnh yếu tố chủ quan là cường độ rét quá mạnh, thì sự lúng túng trong ứng phó cũng đã thể hiện sự bị động của cả ngành chuyên môn, chính quyền cơ sở và người sản xuất. Thực tế, trong nhiều năm liền, thời tiết khá thuận lợi, đặc biệt, vụ đông năm 2015 được dự báo là một vụ đông ấm, nên các phương án sản xuất chưa linh hoạt, giải pháp phòng tránh thiếu chủ động, thậm chí, ở nhiều địa phương, chính quyền và người dân khá chủ quan và lơ là trong công tác ứng phó với thời tiết bất thường.
Theo ông Trần Đức Bá - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, sau đợt rét đậm, rét hại này, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp; từ nay đến Tết Nguyên đán, sẽ có thêm 2 đợt rét đậm. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương và người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống để hạn chế tối đa thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, đối với các diện tích mạ vừa xuống giống, bị ảnh hưởng do rét, cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi, chăm sóc để phục hồi mạ và khẩn trương gieo trỉa lại nếu không có khả năng phục hồi.
Vũ Dũng
Baohatinh.vn