Học tập đạo đức HCM

Đậm đà chè Hà Tĩnh

Thứ năm - 19/02/2015 21:08
Màn mưa giăng mắc trong tiết giao mùa đã đánh thức chồi non, lộc biếc sau những ngày đông u ám. Mùa xuân trở về với thiên nhiên, đất trời, với sắc xanh ngút ngàn trên những vùng đất đỏ, đọng lại trên nụ cười rạng rỡ của người nông dân, công nhân khi cuộc sống của họ từng bước đổi thay, khi cây chè ngày càng vươn tầm khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Hành trình xây dựng thương hiệu

Ấm chè xanh mang hương vị đậm đà của quê hương cùng với những chia sẻ đầy tâm huyết của Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh - Trần Công Lệ trong câu chuyện về những đồi chè, về sự ra đời của các dòng sản phẩm khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến thú vị và cảm phục. Cũng không thể ngờ rằng, chất đất, khí hậu khắc nghiệt được hòa quyện với tình yêu, với sự tuân thủ nghiêm ngặt các khâu từ sản xuất đến chế biến đã làm nên những sản phẩm chè có tầm trên thị trường quốc tế và trở thành loại cây chủ lực trong đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa.

Đậm đà chè Hà Tĩnh

Sản phẩm chè Hà Tĩnh mang hương vị quê nhà đến với muôn nơi.

Được biết, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chè Hà Tĩnh trên thị trường là điều không dễ. Hướng phát triển cây chè luôn là nỗi trăn trở của đội ngũ lãnh đạo công ty. Với tầm nhìn xa, trông rộng, qua thực tế nghiên cứu thị trường, Ban lãnh đạo công ty đã tìm được hướng đi riêng. Lối thoát cho cây chè dần rộng mở. Tương lai và sự phát triển của công ty cũng bắt đầu từ đó.

Giám đốc Trần Công Lệ cho biết: “Bài học thành công mà chúng tôi rút ra đó là phát triển công ty theo đúng chỉ đạo của các cấp chính quyền, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng để phát triển bền vững. Liên kết được thể hiện từ khâu sản xuất, cung ứng giống, quản lý quy trình, đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, tiêu thụ sản phẩm… Đây vừa là điều kiện cần để sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, vừa là mô hình quản lý chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro với người trồng chè”.

Phong cách chuyên nghiệp trong giao dịch, quy trình sản xuất được quản lý chặt chẽ và nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, Công ty CP Chè Hà Tĩnh tạo ra hương vị riêng cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ mọi châu lục… Bên cạnh đó, phương châm kinh doanh chữ tín đặt lên hàng đã giúp sản phẩm chè Hà Tĩnh trở thành lựa chọn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân các nước như: Afghanistan, Pakistan, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Đặc biệt, trong năm nay, công ty vừa ký kết và xuất khẩu thành công vào thị trường Anh quốc, đánh mốc son quan trọng: sản phẩm chè Hà Tĩnh chính thức chinh phục thị trường khó tính châu Âu.

Niềm vui “bốn nhà”

Từ vùng đồi núi Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, những đồi chè ngút ngàn với 760 ha đang đua nhau nảy mầm, đâm lá bởi sự nuôi dưỡng của đất mẹ và một quy trình chăm sóc an toàn, khoa học. Được biết, ngoài việc huy động hàng ngàn tấn phân chuồng bón cho chè cùng với số lượng thuốc bảo vệ thực vật được kiểm định nghiêm ngặt, mỗi năm, công ty còn hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng (ngoài giá thu mua) cho các hộ để khuyến khích đầu tư phân hữu cơ và sản xuất chè búp tươi an toàn. Chị Nguyễn Thị Thơm - người trồng chè ở Kỳ Trung (Kỳ Anh) cho biết: “Công ty thực hiện sản xuất và cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng mới, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hái, đầu tư kinh phí và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, nhiều hộ còn được thưởng khi thực hiện vườn chè xanh, sạch, đẹp”.

Đậm đà chè Hà Tĩnh

Thu hoạch chè ở Nông trường Tây Sơn (Ảnh: Đậu Bình)

Cùng chung niềm vui ấy, ông Trần Văn Trung (Hương Trà, Hương Khê) chia sẻ: “Việc chăm sóc chè đúng quy trình kỹ thuật và bón phân hữu cơ còn làm giảm sâu bệnh phá hại và chu kỳ kinh tế của cây chè cũng kéo dài hơn nên trên địa bàn chúng tôi có vườn chè đạt năng suất gần 30 tấn/ha. Riêng vườn chè của tôi cũng cho năng suất khoảng 23 tấn/ha, bình quân thu nhập mỗi năm ước đạt trên 50 triệu đồng”.

Những tác động tích cực trong việc cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro với bà con đã góp phần giúp công ty phục hồi những vườn chè bị hư hỏng sau lũ quét và mở rộng diện tích trồng mới thêm 100 ha vào năm nay. Cũng nhờ mở rộng thị trường mà giá chè búp tươi tăng lên hàng năm, khoảng 7.100 đồng/kg (bao gồm các khoản hỗ trợ), tăng 12% so với trước và 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước. Đời sống người trồng chè ngày càng khởi sắc; nhiều hộ thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.

Song song với phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, công ty liên tục đổi mới, hiện đại hóa thiết bị, nhà xưởng, đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia đối với xưởng chế biến và các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng năm, Phòng Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm - Sở NN&PTNT lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng trong sản phẩm chè và đều cho kết quả an toàn. Đặc biệt, những năm qua, chè lăn xanh xuất khẩu của công ty đã trở thành một trong những sản phẩm có uy tín tại thị trường Trung Đông. Niềm vui này không chỉ của riêng nhà nông, nhà doanh nghiệp mà còn cả nhà khoa học.

Điều mang lại niềm vui nhất cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo công ty năm nay đó là sản lượng xuất khẩu đạt 1.060 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,8 triệu USD (tăng 21% so với năm trước). Sự phát triển bền vững của công ty không chỉ đảm bảo đời sống ổn định cho hàng trăm CBCNV mà còn giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho 1.600 lao động, trong đó có 1.200 hộ liên kết.

Niềm vui cuối năm của CBCNV Công ty CP Chè Hà Tĩnh là chuyến hàng cuối cùng đã tập kết về cảng Hải Phòng đúng thời gian; là những con số ấn tượng trong suốt một năm làm việc cật lực và nghiêm túc. Mùa xuân ấm áp lại về trong không khí đón tết đầy đủ, sung túc của đội ngũ CBCNV và những người dân “một nắng, hai sương”, màu xanh non tơ trên những đồi chè mở ra một mùa thu hoạch mới… Tất cả dường như làm chín muồi thêm những dự định phát triển kinh doanh của tập thể lãnh đạo công ty. Đó là những bước chuyển mới trong sản xuất, để sản phẩm chè Hà Tĩnh tiếp tục vươn xa…

Minh Thúy
Theo baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay37,611
  • Tháng hiện tại233,765
  • Tổng lượt truy cập92,611,429
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây