Nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người trồng nấm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tháng 5/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định số 1453/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020” với các mục tiêu trọng tâm: Phát triển sản xuất nấm hàng hóa ổn định, bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới; xây dựng ngành sản xuất nấm thành ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao của tỉnh.
Nấm linh chi, nấm kim châm và nấm mộc nhĩ |
Ngày 12/7/2013, UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu trực thuộc Sở KH&CN. Qua gần 2 năm triển khai đề án, đến nay, toàn tỉnh đã có 6 cơ sở đầu tư sản xuất và cung ứng giống với tổng công suất đạt 13.200 bịch/ngày, sản lượng giống đạt 802.090 bịch giống và 20.500 kg giống/năm, tăng gấp 6,5 lần so với trước khi có đề án.
Hiện toàn tỉnh có 169 cơ sở sản xuất nấm thương phẩm với tổng số 287 hộ tham gia, tăng 85 hộ so với trước khi đề án ban hành, diện tích lán trại năm 2014 là 22.780m2, tăng gần 3 lần so với trước khi đề án ban hành. Sản lượng nấm các loại năm 2014 là 279,1 tấn. Trong 2 năm 2013-2014, toàn tỉnh sản xuất được 500 tấn nấm các loại.
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn: Các mô hình sản xuất nấm quy mô lớn được hình thành đã phần nào nâng cao thu nhập cho người dân, góp phấn xây dựng nông thôn mới |
Thời gian tiếp theo, Sở KH&CN tiếp tục sản xuất tại các huyện đang có các cơ sở, mô hình sản xuất nấm hiệu quả, các doanh nghiệp có điều kiện và nhu cầu sản xuất nấm để tổ chức thành công và nhân ra diện rộng; triển khai nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng các loại nấm sản xuất trên địa bàn; tổ chức xây dựng mạng lưới giới thiệu, quảng bá sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại chỗ; đăng ký chất lượng, mã số, mã vạch, tiến tới xây dựng thương hiệu nấm Hà Tĩnh.
Dương Chiến
theo baohatinh