Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo Công ty CP Hợp tác thương mại Toàn Cầu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - CHLB Đức (tháng 7/2017). Ảnh: Hương Giang
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Chương trình số 18/CT-UBND ngày 24/1/2017 về triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017. Chương trình xác định các nội dung trọng tâm, giao nhiệm vụ cơ quan chủ trì thực hiện, thời gian hoàn thành; tạo khung định hướng để các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Nhờ đó, tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng về phát triển KT-XH, như: Tăng trưởng GRDP cả năm 2017 đạt 10,71% (kế hoạch tăng 10,66%); tổng thu ngân sách đạt 8.932,2 tỷ đồng, tăng 18,36% so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo, chăm sóc sức khỏe...
Trong điều kiện khó khăn hơn về nguồn lực và yêu cầu cao hơn về tiêu chí, nhiệm vụ xây dựng NTM được chỉ đạo thường xuyên, sát sao. Kết quả, đã có 33 xã được bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn, không còn xã dưới 10 tiêu chí, có thêm 46 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 300 vườn mẫu đạt chuẩn, đạt kế hoạch đề ra; tổ chức thành công lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất, được dư luận, người dân đánh giá cao; triển khai xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017-2020.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao (tăng 89,87% so với năm 2016); triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi tăng trưởng khu vực dịch vụ sau sự cố môi trường. Xây dựng Đề án đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và những năm tiếp theo, theo hướng phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ. Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành trung ương chỉ đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa khắc phục vi phạm và đưa vào vận hành lò cao số 1 Nhà máy thép từ ngày 29/5/2017 đảm bảo an toàn và các điều kiện về bảo vệ môi trường; khắc phục sự cố tổ máy số 2, vận hành ổn định 2 tổ máy Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng từ sản phẩm công nghiệp chủ lực là điện và thép. Chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện, phối hợp các đơn vị khoa học để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị các bộ, ngành liên quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; tập trung phát triển thương mại - dịch vụ gắn với tăng cường công tác quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai các giải pháp phục hồi dịch vụ du lịch biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư ấn nút khởi công dự án Nhà máy Thủy điện Ngàn Trươi. Ảnh: Nam Giang
Nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, bước đầu tạo bước đột phá theo nghị quyết HĐND tỉnh. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; tinh thần trách nhiệm công vụ, ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp được nâng lên, thời gian và chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục có nhiều chuyển biến. Khai trương, vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh và 5 trung tâm hành chính công thí điểm cấp huyện; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt 99,22%; tiếp tục chỉ đạo các huyện còn lại khẩn trương xây dựng Đề án mô hình 1 cửa tập trung để đảm bảo các hoạt động công vụ theo hướng minh bạch, công khai, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được chỉ đạo vào cuộc quyết liệt; trọng tâm là xúc tiến kêu gọi các tập đoàn mạnh, các dự án đầu tư quy mô lớn. Năm 2017, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 87 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 9.010 tỷ đồng. Đặc biệt, chúng ta thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn trong nước như: Vingroup, FLC và nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Nhật Bản… Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục khẳng định là động lực phát triển của tỉnh. Tập trung xây dựng và triển khai chính sách xã hội hóa đầu tư, xây dựng danh mục các dự án khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP trên địa bàn tỉnh; xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng TP Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2018; TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020.
Văn hóa - xã hội đạt kết quả đáng phấn khởi và khá toàn diện; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn, củng cố và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tập trung phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến huyện; chủ động phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng; chấn chỉnh hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội; quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; chú trọng xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ định hướng phát triển; công tác quản lý nhà nước về báo chí được tăng cường, hiệu quả hơn. Công tác lao động, việc làm, được quan tâm chỉ đạo. Tập trung xử lý các vướng mắc, tồn đọng chính sách người có công, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được ưu tiên cân đối nguồn lực hỗ trợ và triển khai thực hiện kịp thời. An ninh chính trị, TTATXH được tập trung cao chỉ đạo, cơ bản giữ vững được ổn định trước tình hình có diễn biến mới, phức tạp; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt trong sự cố môi trường vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y trò chuyện với người dân bên lề một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: P.V.
Năm 2018, nhiệm vụ hàng đầu được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là phát triển kinh tế bền vững hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2017. Một số chỉ tiêu kinh tế được đặt ra trong năm 2018: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 18,5 - 19%; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 470 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.400 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 36.000 tỷ đồng. Nâng mức độ tăng chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn NTM, bình quân lên 1,2 lần; có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM...; tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1,1 - 1,3%. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, chúng ta phải triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Trước hết, xác định đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm tiếp tục là các mũi trọng tâm, khâu đột phá trong năm 2018; hướng tới mục tiêu huy động được tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương, đơn vị cần cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, triển khai kịp thời các nghị quyết kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh; rà soát và lập Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Hà Tĩnh đến năm 2020, lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực làm động lực chính cho tăng trưởng về công nghiệp, ngoài việc tập trung cho khu kinh tế động lực, cần quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động... Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học để đánh giá nghiêm túc, khách quan, đảm bảo phát triển bền vững cả về KT-XH, môi trường để xem xét dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Các dự án đầu tư sắp tới cũng phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ tuyệt đối môi trường, phát triển bền vững. Ưu tiên quỹ đất và chính sách khuyến khích thu hút xã hội hóa đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai và đưa vào hoạt động các dự án thương mại - dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn toàn tỉnh.
Tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, gắn với xây dựng đô thị văn minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng NTM, kiên quyết thu hồi chuẩn của các xã bị tụt tiêu chí; đảm bảo lộ trình xây dựng 3 đô thị và 2 huyện NTM. Quan tâm chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực xây dựng huyện NTM, nhất là nguồn xã hội hóa, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng giới thiệu quy hoạch các cụm công nghiệp với các nhà đầu tư Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: Bá Tân
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe, đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững. Đổi mới nội dung, hình thức phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; đổi mới mô hình quản lý, chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, khai thác có hiệu quả các khu di tích, thắng cảnh lịch sử, văn hóa, tâm linh, du lịch trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Chú trọng phát triển hệ thống y tế cơ sở, tăng cường hoạt động y tế dự phòng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện kế hoạch phát triển bệnh viện và phương án tự chủ bệnh viện gắn với triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp, bố trí lại cơ sở đào tạo nghề theo quy hoạch đã phê duyệt; đẩy mạnh liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tập trung hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, lao động vùng ảnh hưởng sự cố môi trường.
Tăng cường các giải pháp đảm bảo QPAN, không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với mọi hành vi làm mất an ninh trật tự. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng; xử lý kịp thời khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thêm một yếu tố không kém phần quan trọng là chỉ đạo điều hành linh hoạt, phù hợp khả năng thực thi và nguồn lực của cả hệ thống, nhất là cấp cơ sở. Tổ chức triển khai bài bản, làm đến đâu chắc đến đó đối với từng mục tiêu nhiệm vụ; bình tĩnh, kiên trì, hiệu quả, không chủ quan nóng vội trong lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp, ngành quản lý thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao; người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò tham mưu, đổi mới sáng tạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
Đặng Quốc Khánh
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã