Những ngày này, dọc sông Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) hàng chục lồng bè cá nước ngọt chẳng thấy bóng dáng người nuôi ngó ngàng. Dòng sông vẫn còn đỏ ngầu, hôi tanh.
Tại xóm nuôi cá lồng ở khối 9, thị trấn Nghèn - nơi đặt những lồng cá đang bỏ không dưới sông, ai nấy mặt buồn ủ rũ. Anh Trần Văn Điền (26 tuổi) xót xa nói: "Buồn lắm anh ạ! Cá đến vụ thu hoạch rồi. Rứa mà bỗng chốc chết hàng loạt, thiệt hại gần trăm triệu bạc".
Theo Điền, gia đình anh bắt đầu nuôi cá lồng nước ngọt trên sông Nghèn hơn một năm nay, khi tỉnh có chủ trương khuyến khích nuôi, được hỗ trợ chi phí làm lồng. 2 vụ trước trúng mùa, trừ chi phí đầu tư, lãi khoảng 25 triệu đồng một vụ.
Thấy khá hiệu quả, đầu năm nay, anh mạnh dạn nuôi hơn 6.000 con cá các loại gồm diêu hồng, rô phi, leo, chim, trê. Cá nặng trung bình hơn 1kg một con là có thể thu hoạch được.
Anh Điền chua xót bên những lồng cá bỏ không sau khi cá nuôi bỗng dưng chết trắng trong đợt mưa lũ vừa qua. |
Tuy nhiên, chưa kịp bán thì vào đợt mưa lũ ngày 15/9, nước thượng nguồn đổ về đục ngầu. Chỉ sau một đêm, lồng của anh và hàng chục lồng khác của hàng xóm cá chết trắng. Ai nấy đều tiếc của, xót xa ứa nước mắt.
Theo tính toán của anh Điền, nếu không gặp bất trắc, năm nay trừ chi phí, anh cũng lãi khoảng 40-50 triệu đồng.
Cùng trú khối 9, anh Trần Văn Trung, Trần Văn Phú, Trần Văn Vinh và hàng chục hộ khác nuôi cá lồng trên sông Nghèn cũng rơi vào tình cảnh trắng tay mà chẳng thể làm gì khác.
"Giờ dân nhà tui chỉ biết bó gối ngồi chơi xơi nước rứa chứ không biết làm chi khác. Bởi, bây giờ nước sông ô nhiễm, hôi tanh, chưa thể nuôi lại vụ mới, mà cá tự nhiên trên sống cũng chết hết, muốn thả lưới cũng mót không ra", anh Trung giọng xót xa.
Tại xã Hộ Độ (Lộc Hà), ông Võ Viết Lượng buồn bã cho biết, ông cùng con chung vốn bỏ ra hơn 300 triệu đồng để nuôi 4 lồng cá chẽm, cá chim trắng. Theo tính toán, nếu cá không gặp sự cố bất thường thì thu về lợi nhuận cả trăm triệu đồng. Anh Trương Quang Dần cũng lâm vào cảnh nợ gần 100 triệu đồng chỉ sau một đêm, cá chết nổi trắng lồng.
Theo anh Dần, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt là do đợt mưa lớn vừa rồi, đơn vị quản lý cống Đò Điệm xả lũ không thông báo cho người dân để di chuyển lồng đến nơi an toàn khiến cá bị sốc nước ngọt đột ngột rồi chết. Tại Hộ Độ, hàng chục hộ nuôi cá lồng nước lợ bị thiệt hại chứ không riêng gì hộ ông Lượng, anh Dần.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc, do mưa lũ từ ngày 21/9, nước thượng nguồn sông Nghèn đổ về có hiện tượng bị ô nhiễm khiến cá tự nhiên và cá nuôi trong lồng bị chết hàng loạt.
Cụ thể, hơn 66.123kg cá nuôi các loại gồm diêu hồng, trắm, rô phi... bị chết. Trong đó, xã Tùng Lộc mất 996kg của 4 hộ; xã Thiên Lộc 1.287kg của 7 hộ; thị trấn Nghèn 63.840kg của 32 hộ. Ước tính, thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thủy lợi và chính quyền địa phương các xã, thị trấn vào cuộc truy tìm nguyên nhân hiện tượng dòng nước bị ô nhiễm nặng, nước màu đỏ, mùi tanh.
"UBND huyện rất mong được sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành để tìm ra nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước trên sông Nghèn và có chính sách hỗ trợ đối với các hộ nuôi bị thiệt hại", theo đề nghị của huyện Can Lộc.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh - cho biết, ảnh hưởng của 2 đợt mưa lũ từ 12 đến ngày 14/9 và 15 - 18/9, ngoài tình trạng cá chết ở sông Nghèn (Can Lộc), ở hạ lưu sông Hộ Độ cũng có 202 lồng cá nuôi nước lợ bị thiệt hại, cá chẽm, các chim trắng chết hàng loạt.
Trong đó, xã Hộ Độ (Lộc Hà) thiệt hại nặng nhất, với 32 lồng chết hoàn toàn, nhiều lồng khác chết rải rác; xã Thạch Sơn (Thạch Hà) cá chết rải rác ở 119 lồng, Thạch Đỉnh (Thạch Hà) 21 lồng.
Nhận định ban đầu, nguyên nhân cá chết ở hạ lưu sông Hộ Độ do mưa lớn, cống Đò Điệm xả lũ khiến bèo dạt về kín lồng khiến lượng ôxy bị thiếu, nước ngọt từ thượng nguồn về ngâm nhiều ngày khiến độ mặn của nước bị giảm, cá nước lợ không thích nghi được.
"Ở Hà Tĩnh, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh từ 2013. Nghề này lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn. Tình trạng cá chết hàng loạt mới đây là thiệt hại nặng nhất. Về quy trình kỹ thuật nuôi chúng tôi đã phổ biến ngay từ đầu cho bà con.
Tuy nhiên, do môi trường ô nhiễm ở sông Nghèn, rồi việc xả lũ chưa phối hợp chặt chẽ, thông báo kịp thời với đến chính quyền các xã vùng hạ lưu sông Hộ Độ, một phần do người nuôi chủ quan nên xảy ra thiệt hại lớn", ông Hoàng chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng, thiệt hại vì cá chết trong đợt này của riêng xã Hộ Độ thống kê là 2,7 tỷ đồng. Nếu tỉnh toàn tỉnh, thiệt hại là rất lớn. Theo bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục Thú y Hà Tĩnh, tình trạng cá chết ở sông Nghèn, chi cục đã kiểm tra, mổ khám nhưng không có dấu hiệu dịch bệnh.
Cơ quan này cũng nhận định, do nguồn nước không đảm bảo, có dấu hiệu ô nhiễm môi trường khiến cá chết. Còn ở hạ lưu sông Hộ Độ, do mưa lũ, nồng độ muối, độ PH giảm đột ngột, thiếu ôxy khiến cá chết.
Theo Trần Tuấn/Báo Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;