Cây tỷ phú
Mỗi năm cam bù cho thu hoạch một lần vào dịp tết. Mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên, ông bà không thể thiếu cam bù.
Từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 12 tháng, cam bù chắt lọc được hương vị đất trời mang đến cho người dùng hương vị đặc biệt. Giá cam bù hiện thời di động trên dưới 30.000đ/kg. Khách mua cam bù mang ô tô đến tận vườn đồi Sơn Mai, Sơn Trường “ăn hàng”. Chợ Rạp ( Sơn Trung), chợ Phố ( Thị trấn Phố Châu), chợ Nầm ( Sơn Châu) chợ Gôi ( Sơn Hòa) đến phiên cam bù đỏ rực hai dãy, nhưng tan chợ không còn bói ra một quả. Do nhu cầu mua bán, nên vào mùa thu hoạch, chợ cam bù họp bắt đầu từ 1 giờ sáng để khi mờ đất, cam bù từ chợ theo thương lái đến với các nơi tiêu thụ. Cam bù lên xe, lên tàu, lên cả máy bay, có mặt khắp nơi. “Con cá mát, bát chè xanh”, dê tái là đặc sản của Hương Sơn đã làm mê mẩn bao thực khách.
Ông Lê Quang Hồ- Trường phòng Nông nghiệp cho biết: “ Đây là cây tỷ phú theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không ít người đã ngộ nhận cây cam bù là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng thời gian và thực tế cho thấy cam bù là cây làm giàu, cây tỷ phú. Chỉ có ai tâm huyết, đam mê, sống chết với cam bù, dám đầu tư tiền bạc và trí tuệ, kỹ thuật thâm canh mới có thể bội thu”.
Cam bù chín vào dịp Tết, không thể thiếu trong mâm ngũ quả cúng ông bà, tổ tiên
Từ vườn bãi đến vườn đồi.
Trước đây nói đến cam bù là nói đến những vùng đất màu mỡ dọc hai bờ sông Ngàn Phố: Sơn Trung, Sơn Bằng, Sơn Châu, Sơn Giang, Sơn Diệm… Một thời, tập nập trên bến dưới thuyền, ăm ắp cam bù và hoa trái từ Hương Sơn theo đò dọc xuôi sông Ngàn Phố về Vinh.
Nhưng lũ lụt, thiên tai, sâu bệnh, vườn bãi bạc màu không còn thích hợp với cam bù. Cam bù dần dần chuyển vào đồi, Phúc, Mai Thủy, Tây, Kim Lĩnh, Trường, Hàm với những người làm vườn “máu me”, quyết liệt dấn thân với trái cây vương giả này. Ông Trần Văn Bính đóng nhà cửa, cùng vợ con quyết ra đi vào rừng Thanh Quýt (giáp ranh Vũ Quang) dựng lều mở đường, bạt núi, vỡ hoang ươm mầm hy vọng. Ông Nguyễn Văn Đức bỏ quê hương vào tận khe Khủa lập trang trại, nuôi giấc mơ giàu có từ cam bù. Ông Ngô Đức Linh từ giả Sơn Ninh, vào Sơn Mai biến sỏi đá thành cam. Ông Phạm Thái Hòa (Tân Hoa, Sơn Mai) dời nhà vào Rú Cao, Khe Mây viết lên huyền thoại về vườn cam, anh Phạm Ngọc Thưởng từ tay trắng nhờ cam chanh, cam bù mà vươn lên giàu có. Khó có thể kể tên hết được những người nông dân đã vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, đối mặt với vô vàn gian khó để từ “khổ tận” đến “ cam lai”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn, hiện nay, toàn huyện có 864 ha cam bù,( tăng 514 ha so với năm 2012), trong đó xã Sơn Trường đứng đầu về diện tích 280 ha, tiếp đó là Sơn Mai: 139 ha, Sơn Thủy: 66 ha và Sơn Hàm: 55 ha. Đến năm 2017, diện tích cam bù cho thu hoạch khoảng 344 ha, đạt 5.332 tấn, với giá 30.000đ/kg ước tính cho thu hoạch 159 tỷ đồng.
Theo ông Trần Thanh Nga- Bí thư Đảng ủy xã Sơn Mai, mùa cam 2017 xã Sơn Mai có 250 hộ cho thu nhập từ trăm triệu trở lên, trong đó có 10 hộ thu hoạch từ cam bù đạt tiền tỷ mà “quán quân” là hộ anh Ngô Văn Linh trên 10 tỷ đồng. Năm 2018, cam bù được mùa, sản lượng và thu nhập ước tính khá hơn năm 2017. Nhờ cam bù, nhiều nông dân trở thành triệu phú, đời sống vật chất cũng như tinh thần được cải thiện. Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có cơ sở phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Thọ- Chủ tịch UBND huyện: Cần bảo vệ nguồn gen và truy xuất nguồn gốc cam bù
Hướng đi nào cho cây cam bù?
Tìm hướng đi thích hợp để bảo tồn nguồn gen và phát triển cam bù Hương Sơn trước hết cần giải quyết bệnh xanh gân, vàng lá. Căn bệnh này dễ lây lan. Cách đây mấy năm, GS-TS Trần Thế Tục- Viện trưởng Viện cây ăn quả nhiệt đới và nhiều nhà khoa học đã về Hương Sơn tìm hiểu, nghiên cứu. Dự án : “Góp phần bảo tồn và phát triển quỹ gen cây ăn quả có múi có gía trị kinh tế cao của Hà Tĩnh” do quỹ GEF-SGP bước đầu đã khôi phục được giống bưởi đường Hương Sơn . Còn với giống cam bù, hiện nay, phòng nông nghiệp huyện đang tiến hành xây dựng vườn ươm, đầu tư nhà lưới và triển khai 200 cây được lấy từ những cây đầu dòng.
Những năm gần đây, Huyện ủy, UBND, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn có nhiều Nghị quyết, chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trong đó có cây cam bù một trong những cây cho thu nhập cao của cây ăn quả có múi. Gần đây Nghị quyết số 71/2017/NQ-HĐND huyện Hương Sơn đã quy định: “Hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng mới cam bù, cam chanh có quy mô tập trung 0,5 ha (tương đương 250 cây trở lên) mức hỗ trợ 15.000 đồng/cây”; “Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với cam chanh và truy xuất nguồn gốc cam bù, cam chanh Hương Sơn, mức hỗ trợ tối đa không quá 700 triệu đồng”.
Được biết, phòng Nông nghiệp đã liên kết với Viện nghiên cứu rau quả Hà Nội mở nhiều đợt tập huấn kỹ thuật cho các hộ phát triển cây ăn quả có múi, trong đó có cây cam bù.
Vườn cam bù gia đình ông, bà Phạm Trường Chinh được mùa
Cùng với sự ra đời của hàng ngàn vườn mẫu, hàng chục khu dân cư kiểu mẫu, cây cam bù có cơ hội lên ngôi.
Nhưng cũng cần cảnh báo không nên phát triển tràn lan mà phát triển có trọng điểm, có quy hoạch. Hiện nay, sản phẩm cam bù đã được Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh cấp nhãn hiệu, nhưng để đi vào các thị trường lớn trong và ngoài nước cần xây dựng thương hiệu và sản xuất theo quy trình Vietgap, cần quảng bá rộng rãi để cam bù có cơ hội đến với khách hàng.
Vừa qua, tại hội nghị tổng kết Hội những người làm vườn và trang trại huyện Hương Sơn năm 2017, đồng chí Nguyễn Quang Thọ- Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đã khẳng định hướng phát triển cây ăn quả có múi trong đó có cam bù đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong những năm tới, cần tiếp tục quy hoạch, phát triển một cách bền vững, muốn vậy cần phải cụ thể hóa những chủ trương chính sách của Huyện ủy, UBND, đặc biệt là Nghị quyết 71/2017/NQ-HĐND huyện Hương Sơn, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với cam chanh, cam bù, truy xuất nguồn gốc cam bù, cam chanh, hỗ trợ tiêu phụ sản phẩm... Muốn vậy, cần phải gắn kết sản xuất với tiêu thụ, gắn kết phát triển sản xuất với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, đời sống, giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội.
LÊ VĂN VỴ/baodansinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;