Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN có thể làm chủ được công nghệ và sản xuất các loại giống với quy mô, số lượng lớn. |
Nuôi cấy mô tế bào là phương pháp nhân giống không còn mới mẻ nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong việc tạo ra cây giống chất lượng. Nuôi cấy mô cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất, chọn, nhân giống, tạo giống mới và gần đây một ứng dụng có ý nghĩa lớn đang được phát triển mạnh là sản xuất các hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học. Những thành tựu mà ứng dụng này đem lại là không thể phủ nhận, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chị Dương Thị Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học & công nghệ (KH&CN) Hà Tĩnh cho biết: “Nuôi cấy mô – tế bào thực vật là kĩ thuật cho phép nuôi cấy dễ dàng những tế bào thực vật hay mô phân sinh sạch bệnh trong môi trường nhân tạo thích hợp để tạo ra những khối tế bào hay những cây hoàn chỉnh trong ống nghiệm. Nuôi cấy mô thực vật (còn gọi là nhân giống trong ống nghiệm) là người ta cắt một mẫu mô cho vào ống nghiệm có môi trường nuôi, bổ sung các hormone chính là auxin và cytokinin. Sau một thời gian, từ mẫu mô đó sẽ mọc lên một cây mới hoàn chỉnh”.
Công nghệ nuôi cấy mô tế bào do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN trực thuộc Sở KH&CN áp dụng lần đầu tiên ở Hà Tĩnh năm 1995. Từ đó đến nay đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện tại trung tâm. Đáng kể như ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô – vi ghép sản xuất các giống cây có múi sạch bệnh. Đây là dự án được Viện Nghiên cứu cây ăn quả chuyển giao, giống cây chủ yếu cung cấp cho các trại giống trong tỉnh. Đến nay, trung tâm đã sản xuất trên 100.000 cây giống ăn quả các loại như cam, bưởi, xoài, nhãn, vải… bằng công nghệ ghép. Hay như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật sản xuất thành công các giống rau màu, mía, chuối, gừng, cây hoa cảnh (đồng tiền, cúc, ly ly, phong lan…); nuôi cấy mô – hom sản xuất thành công các loại cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao (bạch đàn, keo lai, dó trầm…).
Anh Dương Công Đức – một trong những hộ trồng hoa ở thôn Xuân Sơn (Bắc Sơn, Thạch Hà) cho rằng, với điều kiện khắc nghiệt cần sử dụng các giống sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào mới chống chịu được với thời tiết, sâu bệnh |
Ngoài ra, phương pháp nuôi cấy mô tế bào tạo ra nhiều, nhanh, bảo đảm chất lượng các loại giống cây ăn quả đặc sản, các loại hoa và cây cảnh, cây lâm nghiệp, bảo quản và lưu giữ được các nguồn gen sinh học quý của địa phương; hình thành Trung tâm Nấm sản xuất giống nấm quy mô công nghiệp có công suất đạt 50 tấn giống/năm, sản xuất 1.000 tấn nấm các loại/năm, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm có giá trị và tạo nghề mới cho người dân.
Chị Trần Thị Thúy Anh – cán bộ trung tâm chia sẻ, nuôi cấy mô là một ngành khoa học có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sẽ tạo ra được một quần thể cây con đồng đều giữ nguyên đặc tính của cây mẹ, tạo cây mẹ đầu dòng giữ được gen ban đầu. Hệ số nhân nhanh cao, hàng năm có thể sản xuất hàng chục vạn cây giống mà không cần phụ thuộc vào thời gian hay mùa vụ, rút ngắn thời gian đưa giống vào sản xuất và phát huy được hiệu quả kinh tế. Nhân giống được số lượng cây lớn trong một diện tích nhỏ, đảm bảo các cây giống sạch bệnh, cây con được trẻ hóa cao độ. Phương pháp nhân giống này thuận tiện và hạ giá thành vận chuyển, bảo quản cây giống thuận lợi.
Công nghệ nuôi cấy mô tế bào áp dụng ở Hà Tĩnh được các cán bộ kỹ thuật ở địa phương nắm bắt, tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả. Hàng vạn cây giống: mía, chuối, dứa, phong lan, cây lâm nghiệp và nhiều loại cây khác ứng dụng công nghệ này và được đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trung tâm có thể làm chủ được công nghệ và sản xuất với quy mô, số lượng lớn – chị Dương Thị Ngân cho biết thêm.
Tuy nhiên, giá thành sản xuất cây giống hiện tại vẫn còn khá cao, hơn nữa, công tác chọn giống chưa được người dân quan tâm đúng mức nên việc tận dụng ưu thế của cây giống sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Một lý do khác khiến công nghệ mới chưa đi sâu vào hoạt động sản xuất là người dân còn thiếu thông tin, định hướng về các địa chỉ sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.
Anh Dương Công Đức – một trong những hộ trồng hoa ở thôn Xuân Sơn (Bắc Sơn, Thạch Hà) chia sẻ: với điều kiện khí hậu khắc nghiệt như ở Hà Tĩnh thì trồng các giống hoa như đồng tiền, ly ly… cực kỳ khó nên cần phải sử dụng các giống sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào mới chống chịu được. Các loại hoa này cũng cho năng suất, màu sắc đẹp hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, đến nay, anh vẫn chưa biết đến địa chỉ sản xuất trên địa bàn tỉnh mà đang sử dụng giống của các cơ sở quen thuộc ở miền Nam.
Dương Chiến
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;