Thôn Thanh Long xã Thạch Bàn nằm ngay sát dưới bãi thải của mỏ sắt Thạch Khê. Thôn trưởng Phạm Kim Đức cho biết: Toàn thôn có gần 300 hộ, trước đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối, sản xuất nông nghiệp, từ khi tiến hành bóc đất tầng phủ đến nay, hàng chục ha đất trồng đậu, lạc, vừng… của thôn đã bị hoang mạc hóa, tụt mạch nước ngầm; không chỉ vùi lấp đất sản xuất mà cát còn theo dòng chảy, theo gió vùi lấp cả nương vườn, đường đi lối lại của người dân trong thôn. Mất đất sản xuất, người dân trong thôn lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn do không có việc làm, thanh niên, người đang độ tuổi lao động phải kéo nhau lên thành phố làm cửu vạn, hay vào miền Nam làm thuê.
Ông Bùi Quang Mai bên ngôi nhà bỏ hoang của gia đình con trai Bùi Quang Vũ
“Bi đát nhất trong thôn là anh Bùi Quang Vũ, mất đất sản xuất, không có việc làm khiến chị vợ chán nản bỏ đi để lại cho anh 4 đứa con thơ. Giờ, ngày ngày anh ra mỏ đá ở trên địa bàn làm thuê, 4 đứa con phải gửi cho ông bà nội chăm sóc…”, ông Đức cho biết thêm. Gần thôn Thanh Long, người dân thôn Tân Phong của xã Thạch Bàn cũng lâm vào cảnh tương tự.
“Hiện cả thôn Thanh Long và Tân Phong có đến khoảng 80 ha bị hoang mạc hóa không chỉ khiến người dân mất đất sản xuất, mà còn gây ra cảnh cát bay, cát chảy vào mùa hè, mùa đông khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, vô cùng khốn đốn….”, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bàn – Hồ Bá Hòa cho hay.
Khi bắt đầu triển khai dự án khai thác, xã Thạch Đỉnh buộc phải thu hồi 371/847 ha, dẫn tới người dân thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm. Đến năm 2009 thì tình trạng này còn tệ hại hơn vì khi tiến hành bóc đất tầng phủ, nhất là đến độ sâu hàng chục mét, khu vực này đã bị tụt nước ngầm và diện tích sa mạc hóa ngày càng lớn.
Cát bay, cát chảy lấp hết nương vườn, lối đi vào nhà của người dân vùng mỏ
“Trước đây có dự án trồng keo chống sa mạc hóa, khi bàn giao mặt bằng, toàn bộ số keo đã bị chặt hạ khiến cho lá chắn bão cát của người dân chúng tôi không còn nữa. Hậu quả bây giờ là dân chúng tôi phải sống chung với cát bay; mùa đông thì thì gió biển thổi vào, mùa hè gió lào quật tới. Nếu không sớm có giải pháp hoàn trả lại môi sinh, môi trường, đặc biệt là trồng cây xanh chắn cát bay thì ắt rằng chúng tôi càng ngày càng bị thu hẹp diện tích bởi sa mạc hóa…”, ông Nguyễn Công Thắm, thôn Vân Sơn, xã Thạch Đỉnh buồn bã cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý, khi dự án tiến hành bóc đất tầng phủ đã khiến cho gần 60ha đất sản xuất của người dân bị hoang mạc hóa, khó có thể canh tác. “Con số này chắc chắn không dừng lại ở đó, vì càng ngày màu xanh của cây cỏ đang bị thu hẹp dần…”, ông Lý cho biết thêm.
Điều đáng buồn hơn, hoang mạc hóa do khai thác mỏ sắt không chỉ khiến cho đời sống sản xuất của người dân vùng mỏ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn bởi “bão cát” mà mồ mả người thân cũng bị vùi lấp. Ngoài hàng loạt ngôi mô vô danh, thì có đến gần chục ngôi mộ hữu danh ở Thạch Đỉnh, Thạch Hải… giờ cũng không biết ở dâu mà tìm.
Hoang mạc hóa đang ngày một lớn dần và hệ lụy của nó đang ngày càng “gặm nhấm” cuộc sống vốn đã vô cùng khó khăn của người dân vùng mỏ.
Nhóm PV
baohatinh.vn