Lừng lẫy chiến công
86 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Duy Nhiệm (xóm Đoài Thịnh) vẫn thường kể cho con cháu nghe về những ngày anh dũng trực chiến cùng đội dân quân tự vệ của xã trong giai đoạn chiến tranh ác liệt những năm 1967, 1968. “Tuổi đã già, nhiều thứ không còn nhớ hết, nhưng tôi không thể quên những ngày “nếm mật, nằm gai”, anh em dân quân đói buốt ruột vẫn kiên cường bám chốt ở các khu vực trọng điểm của xã và sẵn sàng cơ động chiến đấu tăng cường cho các khu vực khác. Nhớ nhất là trận trực chiến tại đập Rậm bảo vệ mục tiêu cầu Cày và quốc lộ 1A, dân quân đã phối hợp với Đại đội Pháo phòng không Bình Định bắn rơi tại chỗ 1 máy bay AD61”.
QL 1A đoạn đi qua Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) - một trong những điểm bị địch đánh phá ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ - nay đã khang trang, đẹp đẽ |
Nằm ở vị trí hội tụ nhiều tuyến huyết mạch giao thông thủy, bộ quan trọng, Thạch Trung có vị trí chiến lược về quốc phòng. Đây được chọn làm căn cứ hậu cần (40 cơ quan, đơn vị và LLVT nhân dân đóng trên địa bàn) và bố trí các trận địa pháo cao xạ, tập kết vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiếp nhận từ ngoài biển để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng vì vậy, xã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Thế nhưng, Đảng bộ, nhân dân và các LLVT nhân dân xã Thạch Trung đã dũng cảm bám trụ chiến đấu, bảo vệ an toàn các mục tiêu; sửa chữa, khắc phục cầu đường khi bị giặc Mỹ đánh phá; tay súng, tay cày tích cực tăng gia sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân, các lực lượng chiến đấu trên địa bàn và chi viện cho các chiến trường.
Đặc biệt, trên dòng sông Cày, lớp lớp cán bộ và nhân dân xã Thạch Trung không sợ hy sinh, gian khổ đã anh dũng, ngoan cường chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Dòng sông lịch sử vẫn còn ghi câu chuyện những con người Thạch Trung anh dũng dầm mình dưới nước để hỗ trợ cho những chiếc cầu tạm. Họ đã trở thành cây “cầu sống” để đưa người, vũ khí, phương tiện qua sông, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Vững vàng kiến thiết
Người Thạch Trung bước vào trang sử mới của 30 năm kiến thiết, xây dựng quê hương bằng sự năng động, nhạy bén, đặc biệt, trong cơ chế thị trường. Cùng với những chủ trương, chính sách khuyến khích sớm được xã triển khai, người dân Thạch Trung đã nhanh nhạy tham gia hoạt động ở nhiều trung tâm thương mại tại TP Hà Tĩnh và mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Văn Lương - giáo dân xóm Hồng Hà, xuất phát từ một cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nhỏ đã vươn lên thành lập doanh nghiệp có doanh thu 5 tỷ đồng/năm. Công ty TNHH Lương Phước do ông làm giám đốc, mỗi năm hợp đồng với hàng trăm đối tác, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Lương Phước do ông Nguyễn Văn Lương làm chủ, mỗi năm có doanh thu 5 tỷ đồng. |
Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Thạch Trung Võ Tá Lộc cho biết. Đến thời điểm này, quỹ đã thu hút được 1.442 thành viên, huy động, quản lý nguồn vốn 49 tỷ đồng và cho vay 45 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế sớm chuyển hướng thương mại - dịch vụ đã tạo đà cho lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Thạch Trung phát triển, tạo thế chân kiềng vững chắc cho nền kinh tế xã ven đô.
Về Thạch Trung xem làng trên, xóm dưới hăng hái xây dựng nông thôn mới (NTM), chúng tôi được nghe Xóm trưởng xóm Hồng Hà - Phan Hùng kể chuyện hiến đất làm đường: “Những ngày đầu họp dân bàn chuyện hiến đất, góp sức làm đường giao thông nông thôn cứ nghĩ là sẽ hết sức khó khăn. Thế nhưng, chỉ sau tuyến đường đầu tiên được xây dựng bằng tinh thần tự nguyện của những đảng viên đi trước, người dân dần nhận thức được lợi ích và tự vận động nhau chung sức xây dựng cơ sở hạ tầng, xây nhà cho hộ nghèo. Riêng năm 2014, xóm đã làm mới 2 km đường bê tông đạt chuẩn, phủ kín đường kiên cố trên toàn địa bàn; 3 năm thực hiện chương trình NTM đã huy động nhân dân góp sức xây dựng 5 nhà ở cho hộ nghèo”.
Thạch Trung đang nỗ lực bước nhanh trên lộ trình phát triển KT-XH sớm về đích 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt 13%; thu nhập bình quân đầu người 22 triệu đồng/năm; giá trị 1 ha canh tác đạt 43,8 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,5%; toàn xã có 7/13 xóm văn hóa... “Thành quả này được xây đắp từ truyền thống 60 năm phấn đấu với những cống hiến, nỗ lực của nhiều thế hệ; được kết tinh từ khối đại đoàn kết trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đặc biệt là mối đoàn kết lương giáo vững bền hàng chục năm qua.
Phát huy truyền thống lịch sử của quê hương, Thạch Trung tiếp tục gìn giữ và nâng cao chất lượng những kết quả đạt được, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tranh thủ thời cơ và vận hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mới, với mục tiêu: nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Tuấn khẳng định.
Tháng 11/1954, xã Thạch Trung chính thức được thành lập, thuộc huyện Thạch Hà. Năm 1989, xã Thạch Trung được sáp nhập vào thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh). Trong 2 cuộc kháng chiến, Thạch Trung có 1.123 người con lên đường nhập ngũ; 79 liệt sỹ; 106 thương, bệnh binh. Toàn xã có 575 cá nhân và 160 gia đình được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 1 Anh hùng LLVT nhân dân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;