Học tập đạo đức HCM

Mùa nghêu Cửa Sót

Thứ tư - 10/07/2013 03:11
Thủy triều xuống thấp để lại vùng biển Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) những trãng cát trải dài mênh mông. Đứng trên gò cảng cá phóng tầm mắt ra xa là thấp thoáng tàu thuyền của ngư dân đang ngày đêm bám biển. Còn ngay dưới chân núi Long Ngâm sừng sững mây trời là hình bóng của các chị, các mẹ và rất nhiều em nhỏ đang hì hục đãi cát nhặt nhạnh từng con nghêu biển. Dù cuộc sống khó khăn, việc mưu sinh theo con nước chỉ lặng thầm đấp đuổi, song ở họ vẫn luôn toát lên những khát vọng phi thường…

Triều xuống, cả làng ra bãi cát

Dải đất miền Trung mùa hè nóng bức, gió Lào hầm hập quạt lửa sớm hôm. Ấy vậy mà ở những làng quê ven chân sóng ban ngày dù trời nóng như rang, nhưng ban đêm không khí lại trong lành, mát mẻ.

Buổi sáng tinh sương vùng biển Cửa Sót, xã Thạch Kim. Từng làn gió thốc lên từ biển khơi rồi thổi vào những rặng cây phi lao cao vút. Không gian thoáng đãng, sóng biển rì rào. Chốc chốc từ những lối nhỏ ở các xóm Long Hải, Xuân Phượng lại vang lên tiếng người í ới gọi nhau ra bãi cát.

Mùa nghêu Cửa Sót
Cư dân xã Thạch Kim nhọc nhằn đãi cát tìm nghêu.

Cư dân ven biển vốn dĩ vất vả, cực nhọc nhưng phải nói rằng nghề mưu sinh theo con nước lại càng gian lao gấp bội phần. Nếu như đấng nam nhi bất kể ngày đêm giong thuyền lớn vượt sóng biển ra khơi đánh bắt, thì phụ nữ, trẻ em lại mò mẫm ven bờ, thức giấc cùng con nước.

Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào dịp giữa hè cho đến đầu thu là thời điểm các chị, các mẹ tất bật nhất. Bởi tất cả vừa lo sắm sang dụng cụ cào nghêu vừa phải canh chừng mực nước thủy triều. Dường như với họ, kể từ khi mùa nghêu bắt đầu cho đến khi kết thúc thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn là gắn bó thân mình trên trảng cát.

Mặc dù sương sớm chưa tan, song tôi vẫn quyết định rong ruổi bước chân trên bãi biển để tiếp cận những tốp người đang nhấp nhô đi lui, đi tới. Đến đây, tôi mới hiểu được vì sao từ ngàn đời nay cư dân ven biển luôn truyền tai nhau câu nói cửa miệng “nghề đi thụt lùi”. Bởi lẽ nghề cào nghêu, sò lông, ốc biển chỉ việc cắm cào sâu xuống cát, sau đó vừa đi thụt lùi, vừa vớt sản phẩm lên. Cứ thế ngược xuôi hết cồn bãi này, sang triền cát khác cho đến khi thủy triều dâng lên ai nấy mới chịu về nhà.

Năm nay ở tuổi 60, bà Lê Thị Bé ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim không còn nhớ rõ mình gắn bó với nghề đã bao năm. Bà chỉ biết rằng nghề này đã nuôi sống bà và rất nhiều, rất nhiều cư dân ven biển khác. Vừa nhặt nhạnh những con sò lông, nghêu biển tươi roi rói đưa vào rỗ, bà Bé buột miệng khoe: “Mỗi buổi sáng mùa hè một mình tôi cũng cào được từ 2 - 3kg, có khi may mắn còn được 5 - 6 kg. Đặc biệt, sau mỗi dịp sóng to, gió lớn thì hầu như tất cả mọi người đều đổ xô ra bãi biển để nhặt nghêu. Vì lúc này không phải cào bới tìm tòi, nghêu tự trôi dạt vào bờ với số lượng nhiều vô kể. Còn những ngày thường, nghề này chỉ bỏ công sức, chứ không mất vốn liếng, chi phí đầu tư nên mỗi ngày bà cũng kiếm được ngót nghét cả trăm nghìn đồng”.

Bà Bé còn cho biết thêm, đối với những nhà đông nhân khẩu, sức khỏe tốt và cùng nhau đi cào từ lúc sáng sớm cho đến tận trưa thì có ngày thu nhập lên đến hàng trăm nghìn đồng. Đó là chưa kể đến họ còn tranh thủ mọi quỹ thời gian đi cào thuê cho những ông chủ nuôi nghêu với diện tích lớn hoặc làm nhiều việc khác tại các dịch vụ hậu cần nghề cá để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

Cào nghêu nuôi con ăn học thành tài

Một thuở hễ nhắc đến việc học hành của con em làng biển không ít người ngán ngẫm lắc đầu. Bởi phần lớn các gia đình chỉ cho con cái của mình học hết tiểu học, trung học cơ sở rồi sau đó lớn lên con gái gả đi lấy chồng, con trai nối nghiệp cha ông lênh đênh theo con nước. Đó là câu chuyện của mấy mươi năm về trước, còn hôm nay, người dân xã Thạch Kim đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, chú trọng đầu tư cho con cái ăn học.

Trong ngôi nhà ngói mới, chị Hoàng Thị Thanh ở xóm Xuân Phượng cho biết: Chồng chị - anh Phạm Thanh Liêm thương binh hạng 2/4, sức khỏe yếu nên chẳng giúp chị nhiều. Vậy là hằng ngày mọi công việc trong gia đình đều do chị đảm đương gánh vác.

Dù công việc tất bật, dù phải trải qua những đêm gần như thức trắng trên bãi cát để cào cho được nhiều nghêu, bắt cho được nhiều ốc nhưng chị Thanh vẫn hết sức vui mừng, phấn khởi. Bởi hiện nay, con trai đầu của chị cháu Phạm Tiến Dũng đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và có việc làm, thu nhập ổn định; hai người con kế tiếp là Phạm Tiến Khoa, Phạm Thị Hải Yến cũng đang là những sinh viên ưu tú của Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, các con chăm ngoan, học giỏi đây chính là nguồn động viên to lớn để chị tiếp tục vượt qua khó khăn, đảm đương nhiều hơn nữa những công việc mà đáng lẽ không chỉ của riêng mình chị.

Mùa nghêu Cửa Sót
Dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Thạch Kim góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Kim - Chị Lê Thị Mai Lý cho hay: Trước đây nghề cào nghêu trên bãi cát chỉ là nghề phụ, xuất phát từ nhu cầu cải thiện bữa ăn hằng ngày, số chị em tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn mấy năm trở lại đây khi nghêu, ốc hương, sò lông… trở thành đặc sản biển được nhiều người ưa chuộng, giá cả tăng cao thì nhà nào nhà nấy cũng đều có người thường xuyên tham gia đánh bắt. Sản phẩm sau khi vớt lên được các thương lái từ khắp mọi nơi đến đặt mua hàng nên cũng khá thuận lợi.

Thực tế cho thấy gắn bó với nghề này mà nhiều hộ gia đình đã tích góp xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đặc biệt là có thêm điều kiện để nuôi con cái ăn học. Đối với những bậc làm cha, làm mẹ ở xã Thạch Kim, điều vui mừng nhất là hiện nay tất cả các thôn xóm đều có con em theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng. Nhiều em sau khi tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện trở về quê dạy học hoặc tham gia các công việc khác ở địa phương. Thỉnh thoảng vào những ngày nghỉ, các em lại cùng bố mẹ ra bãi cát cào nghêu, bắt ốc, như là một hành động để đền đáp công lao bố mẹ đã cực nhọc, nuôi nấng mình lớn lên.

Các em vốn sinh ra từ chân sóng, thấu hiểu hơn ai hết nỗi khó khăn, vất vả của các bậc sinh thành nên việc nỗ lực học tập, tìm kiếm cho mình một tương lai tươi sáng hơn, âu đó cũng là tâm nguyện muôn đời nay của nhiều thế hệ người dân làng biển.

Khát vọng “Cưỡi ngựa tre, đánh giặc nhiều”

Với cư dân xã Thạch Kim không ai không thuộc làu làu câu truyền ngôn: “Cưỡi ngựa tre, đánh giặc nhiều”. Câu nói nghe có vẻ ví von, song với những ngư dân quanh năm bám biển lại hàm chứa nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ nghề cào nghêu, bắt sò công cụ hỗ trợ chủ yếu chỉ là một cái sào được làm bằng thân cây tre kết hợp với lưỡi sắt phía dưới để găm sâu xuống cát. Sau đó họ dùng sức nặng của cơ thể đè xuống xới tung bãi cát để bới nghêu lên. Còn đánh giặc nhiều chỉ đơn giản là khát vọng đánh bắt được nhiều nghêu, sò lông, ốc biển để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống hằng ngày.

Ông Từ Đức Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim bộc bạch: “Cư dân chúng tôi sinh ra nơi cửa biển và từ bao đời nay họ chỉ biết bám lấy bãi cát, bám lấy biển khơi để mưu sinh. Vậy nhưng hiềm một nỗi biển rộng lớn mênh mông, tàu thuyền phần đa công suất thấp, giá nhiên liệu tăng cao nên việc đánh xa bờ gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại”.

Cửa Sót cạn luồng, ngư dân khốn khó!
Luồng Cửa Sót cạn, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc xa khơi khai thác hải sản

Ông Bé còn cho biết thêm: Gần đây, do biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác nên lạch Cửa Sót đã và đang vơi cạn dần, khiến cho tàu thuyền rất khó cập cảng. Nhiều tàu thuyền buộc phải neo đậu xa bờ, hoặc ngay gần chân núi Long Ngâm. Hải sản sau khi lặn lội đánh bắt phải vất vả lắm mới có thể đưa được về bến cảng. Chính những khó khăn đó đã trở thành một rào cản lớn, khiến cho nhiều ngư dân sức vóc lực lưỡng, đầu đội trời, chân đạp sóng phải chuyển đổi từ đánh bắt tuyến khơi sang tuyến lộng hoặc trở về với vợ con để cào nghêu, bắt ốc theo dòng nước thủy triều. Họ mong muốn song hành với các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển lâu dài, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thì việc quy hoạch, lựa chọn vùng nuôi trồng thủy sản ven bờ là hết sức cần thiết. Bởi qua đó sẽ giải quyết việc làm ổn định cho ngư dân, tạo bước phát triển kinh tế bền vững đồng thời giúp cho bà con không còn phải tảo tần sớm hôm vãng tai nghe nhịp sóng.

"Vẫn biết nguyện vọng của ngư dân là thiết thực, song với cấp ủy, chính quyền địa phương thì để làm được điều này không phải chỉ ngày một, ngày hai. Trước mắt, xã đã và đang lập nhiều phương án khả thi, trong đó vấn đề cốt lõi hàng đầu vẫn là hướng về ngư dân, tạo mọi điều kiện để bà con phát triển kinh tế biển. Một thực tế đáng quan tâm nữa là hôm nay tiếng lành đã đồn xa, cư dân tứ xứ muôn nơi kéo đến đây đãi cát tìm nghêu, bắt ốc ngày một thêm đông và hiện tượng khai thác theo kiểu “mệnh ai nấy làm, trời sinh voi, ắt sinh cỏ” đang có xu hướng diễn ra. Việc làm này, chẳng mấy chốc nguồn lợi thủy sản ven bờ sẽ trở nên cạn kiệt, thậm chí còn phát sinh nhiều hệ lụy khó lường", ông Từ Đức Bé phân trần và dự báo với chúng tôi.

Một ngày mới lại về. Vùng biển Cửa Sót, xã Thạch Kim vẫn rì rào sóng vỗ. Những bãi cát phẳng phiu trải rộng vẫn nhộn nhịp bóng người tất bật găm mình bên mép sóng. Mùa nghêu nơi cửa biển lặng lẽ đến rồi sắp sửa qua đi, để lại những dấu chân và muôn triệu luống cày hằn sâu trên cát. Hình ảnh đó hẳn sẽ đọng lại trong tâm trí mỗi người khi mùa nghêu Cửa Sót vẫn còn những khoảng trống mà sóng biển xa xăm chưa thể lấp đầy.

Văn Chương
Nguồn baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập153
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay21,176
  • Tháng hiện tại199,743
  • Tổng lượt truy cập90,263,136
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây