1 Còn nhớ, cách đây khoảng bốn năm, Đoàn công tác về xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên). Sau khi nghe ông Võ Đình Vóc ở thôn 4 trình bày những vướng mắc trong việc vay vốn để phát triển chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự - Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh lúc đó (nay ông Võ Kim Cự được T.Ư cử làm Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam) - đã lập tức yêu cầu ngân hàng giải trình: Vì sao mô hình nuôi 100 con lợn nái siêu nạc của ông Vóc không được vay vốn để phát triển? Sau đó, nhờ vào nguồn vốn 700 triệu đồng vay được từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cẩm Xuyên, trang trại lợn giống siêu nạc của ông Vóc có cơ phát triển, với gần 500 con lợn nái và thịt siêu nạc, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Trong chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại Thạch Long (Thạch Hà) vào tháng 8-2014, ông Võ Kim Cự đã thẳng thắn phê bình đội ngũ cán bộ xã Thạch Long và huyện Thạch Hà đã thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. “Sau khi bị phê bình, chúng tôi thấm thía hơn về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM. Nhất là hiểu được vai trò chủ thể của mình, bà con nhân dân đã phát huy tối đa sức mạnh, giúp Thạch Long chạm đích NTM đúng hẹn trong năm 2014”, - Chủ tịch UBND xã Thạch Long Nguyễn Phi Trưng nhấn mạnh.
Đó là hai trong hàng trăm trường hợp từng được nhanh chóng “tháo nút thắt” từ Đoàn công tác ngày thứ bảy góp phần tạo nên lực đẩy cho NTM.
2 Cứ vào 6 giờ 30 phút ngày thứ bảy, từ đồng chí chủ tịch tỉnh đến các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh tập trung đi một xe ô-tô xuống tận từng địa phương làm việc. Qua nhiều cuộc làm việc, cán bộ, lãnh đạo các địa phương đã dần “thích nghi” với kiểu “nhìn thẳng, hỏi thật” của cấp trên, từ đó nhìn nhận rõ những hạn chế và tìm giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn để thực hiện. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đều chọn thế mạnh riêng của mình làm điểm đột phá triển khai NTM.
Một lãnh đạo cơ sở xin được giấu tên chia sẻ: “Nếu không làm việc đến nơi đến chốn mà bị chủ tịch UBND tỉnh “xạc” thì chỉ có nước… xin nghỉ sớm!”. Quả thật, một số chủ tịch UBND xã, do không đảm đương được nhiệm vụ, đã tự nguyện làm đơn xin chuyển công tác…
Việc dành thời gian “ngày thứ bảy” đi cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh nắm chắc tình hình nên đã kịp thời phát hiện, sửa chữa những khiếm khuyết… ở nhiều cấp, ngành. Từ đó, đưa ra các quyết sách phù hợp cụ thể như việc UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ra các Quyết định (QĐ) 24, chắt chiu tiền ngân sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; QĐ 26 hỗ trợ cấp bù lãi suất vốn vay cho các tổ chức và cá nhân phát triển mô hình sản xuất…
Các đoàn công tác của tỉnh, trong đó mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách một địa phương, thường xuyên bám cơ sở kiểm tra, tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được mình là chủ thể, “mình làm vì mình”, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ. Sự tự giác trong thực hiện ngày càng rõ nét, nhất là trong việc hiến đất làm đường giao thông thôn, xóm và thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...
3 Sau 5 năm xây dựng NTM, Hà Tĩnh được đánh giá là “điểm sáng”, tạo ra nhiều mô hình mới hiệu quả và bền vững. Chương trình xây dựng NTM tại đây đạt hơn 9.045 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/mô hình... Những thành quả này là minh chứng thuyết phục cho cách làm sáng tạo với dấu ấn đậm nét đang tiếp tục được thực hiện. Mới đây, ngày 6-12-2015, tại Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhất vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM.
Nói về cách thức xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhìn nhận, những người trong cuộc ngày càng thấm thía rằng, đằng sau những cuộc thảo luận căng thẳng là lời nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và đặc biệt là sự khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ trong hành trình thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Bây giờ ở Hà Tĩnh, tinh thần của ngày thứ bảy sôi động vẫn được tiếp nối ở mỗi xã, huyện… Điều ấy góp phần tiếp lửa cho chặng đường kế tiếp, với những mục tiêu, nhiệm vụ ngày càng lớn hơn, nhằm hướng tới đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đó cũng chính là sợi dây nối liền ý Đảng - lòng dân, là nhịp cầu đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống; không ngừng nhân lên những động lực, niềm tin.
Sau 5 năm xây dựng NTM, tổng huy động hơn 42 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng 33.408 tỷ đồng; vốn vay được hỗ trợ lãi suất hơn 2.200 tỷ đồng... Kế hoạch đến hết 2015 phấn đấu có 52 xã đạt chuẩn NTM (đạt 23% trên tổng số xã, vượt 3% kế hoạch đề ra). Đời sống người dân Hà Tĩnh đã có sự thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo từ chỗ 37-38%, nay chỉ còn 5,6%...
Theo Thành Châu/nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;