168,8 tỷ đồng cho chính sách phát triển công nghệ sinh học
Xác định được vai trò, tầm quan trọng của CNSH, những năm qua Hà Tĩnh đã tích cực phát triển và ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng phát triển KT-XH. Tuy nhiên, nhìn tổng thể việc phát triển CNSH ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế như: sản phẩm chưa đa dạng, trình độ công nghệ còn thấp, ứng dụng CNSH trong các ngành, lĩnh vực còn chưa mạnh mẽ, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của phát triển, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, một số vấn đề thực tiễn đặt ra đang cấp thiết như: ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm trong chăn nuôi, ô nhiễm đất canh tác; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản...
Úng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm công nghệ cao trên cát, chăn nuôi lợn quy mô lớn...
Theo ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở KH&CN, trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, việc ưu tiên đẩy mạnh phát triển CNSH là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tạo tiền đề để giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra đối với sản xuất và đời sống.
Những kỳ vọng về ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống sẽ được đáp ứng khi Nghị quyết về phát triển công nghệ sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo được ban hành tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Trong đó tập trung các chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ công tác giống cây trồng, vật nuôi; cải tạo đất, xử lý chất thải, khắc phục và bảo vệ môi trường; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống có hiệu quả dịch bệnh người và gia súc; bảo quản chế biến nông sản phẩm.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ điều tra các nguồn gen quý (giống bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, hươu sao…) đánh giá khả năng phát triển để bảo tồn, khai thác hợp lý và sử dụng bền vững. Triển khai và phát triển công nghệ Invitro và nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào, vi ghép, nhân giống vô tính để đáp ứng tốt nhu cầu về giống cây trồng chất lượng cao, sạch bệnh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc ứng dụng CNSH trong xử lý môi trường chăn nuôi, đảm bảo phát triển bền vững có ý nghĩa rất lớn.
Theo tờ trình về Nghị quyết về phát triển công nghệ sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII, tổng kinh phí đề xuất để thực hiện chính sác khoảng 168 tỷ đồng. Ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, nếu được HĐND tỉnh thông qua, lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ có được nguồn lực lớn, cùng sự tập trung chỉ đạo để tạo nên bước đột phá mới.
Gỡ khó cho thị xã Kỳ anh xây dựng đô thị loại 3
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà cho biết, dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và phát triển đô thị TX Kỳ Anh giai đoạn 2017-2020 là 5.505 tỷ đồng, trong đó, kinh phí cần thiết để đầu tư trực tiếp cho việc đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III là 2.598 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, ngân sách Trung ương, địa phương rất hạn hẹp, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng TX Kỳ Anh đạt đô thị loại III vào năm 2020” là đòi hỏi cấp thiết để thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Một góc TX Kỳ Anh
Đề án khi được HĐND tỉnh ban hành tại kỳ họp sắp tới sẽ giúp thị xã tăng thêm nguồn thu khi có sự điều chỉnh trong cơ chế phân chia nguồn thu từ đất, theo hướng, giảm tỷ lệ thu của tỉnh và tăng tỷ lệ phần trăm được hưởng cho thị xã lên 10-20% (tùy vào từng loại đất).
Đề án cũng ban hành danh mục các dự án, công trình cần thiết của TX Kỳ Anh để đạt đô thị loại 3, từ đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong quá trình xây dựng hạ tầng đô thị và làm cơ sở để địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn. Đồng thời, đề án cũng quy định rõ những hạng mục công trình được huy động từ sự đóng góp của nhân dân và số tiền được phép huy động/hộ dân/năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Hà, để huy động nguồn xã hội hóa, ngoài các giải pháp về cải cách hành chính, quảng bá, xúc tiến đầu tư..., thị xã Kỳ Anh cũng đề xuất tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách về đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức PPP (như áp dụng với TX Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh).
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã