Học tập đạo đức HCM

Sáng tạo nơi phên dậu Tổ quốc

Thứ hai - 06/01/2014 04:06
Hà Giang, mảnh đất biên cương nghèo khó nhất nhì nước ta với 6 huyện 30a đang tiếp nhận chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ. Nhưng được chứng kiến thành quả trong công cuộc xây dựng NTM của Hà Giang 3 năm qua, dấu ấn sáng tạo hiện lên đậm nét.

TUYÊN TRUYỀN ĐA DẠNG

Quá trình xây dựng NTM tại các nước châu Á, Hàn Quốc nổi lên như một điển hình với phong trào Saemaul Undong (Làng mới) đã thay đổi diện mạo khu vực nông thôn Hàn Quốc trong vòng hai thập kỷ.

Cùng các Bộ, ban ngành, địa phương tham quan, tìm hiểu phong trào Làng mới tại Hàn Quốc, lãnh đạo tỉnh Hà Giang rất nhanh nhạy biên tập đĩa DVD giới thiệu phòng trào ra 3 thứ tiếng dân tộc của tỉnh mình là Mông, Nùng, Dao để cán bộ, nhân dân tham khảo học tập. Nhờ sáng kiến này, phong trào xây dựng NTM tại Hà Giang đã hút trọn vẹn các cấp đoàn thể tham gia vào công cuộc xây dựng NTM tự giác như chính công việc của gia đình mình.

Ông Bế Xuân Đại, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Giang (trước đây là Ban Quản lí) cho biết, đã có 265 đĩa DVD giới thiệu mô hình NTM của Hàn Quốc được dịch ra 3 thứ tiếng dân tộc phát cho tất cả các xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, động viên cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn Hà Giang hiểu rằng, dù trải qua nạn đói, lũ lụt và nội chiến, song nhờ sự đồng lòng, chung sức, nông dân Hàn Quốc đã vượt qua khó khăn một cách phi thường để xây dựng một nông thôn Hàn Quốc hiện đại, văn minh thì không có lí do gì bà con nhân dân Hà Giang không làm được.



Phong trào “Nhà sạch vườn đẹp” đã thay đổi diện mạo vùng nông thôn Hà Giang

Tiếp nối thành công của phong trào “Làng mới”, BCĐ Chương trình NTM Hà Giang in thêm hàng nghìn cuốn tài liệu và hàng trăm đĩa DVD ghi lại các hội thi tuyên truyền, hướng dẫn thi công đường giao thông nông thôn… bằng hình ảnh, video cụ thể hỗ trợ cán bộ và nhân dân các xã, huyện triển khai xây dựng NTM được chính xác, nhanh chóng, thuận tiện.

Hiện, tỉnh Hà Giang đang táo bạo thực hiện chương trình thư viện điện tử gắn với Chương trình xây dựng NTM. Tất cả các tài liệu, dữ liệu, kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp về NTM được đưa lên thư viện để các ban ngành theo dõi. Song song với đó là xây dựng thông tin hai chiều, cập nhật từ dưới lên và từ trên xuống.

Qua đó, các đồng chí trong BCĐ NTM của huyện và của tỉnh thường xuyên nắm bắt được tiến độ, khó khăn, vướng mắc, những cách làm hay ở một số địa phương để kịp thời tháo gỡ cũng như nhân rộng phổ biến sớm những mô hình, cách làm hay. Với một tỉnh miền núi khó khăn như Hà Giang, thực hiện thư viện điện tử là việc làm rất mạnh dạn.

Trong quá trình đi thực tế tìm hiểu viết bài về NTM, đa phần cán bộ tại một số tỉnh, thành phố đều khẳng định công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng nhưng thừa nhận rất khó để làm hay và đạt hiệu quả cao bởi sự khô cứng của văn bản và số liệu. Tuy nhiên, với Hà Giang, tuyên truyền lại là kênh phát huy hiệu quả cao nhất, tạo dấu ấn sâu đậm nhất trong việc đưa phong trào xây dựng NTM đến gần với người dân.

Những ai từng xem các buổi giao lưu văn nghệ của Hà Giang mấy năm gần đây sẽ đều bắt gặp những tiểu phẩm hài, bài hát, lời vè, câu thơ được “sân khấu hóa” từ các nghị quyết về xây dựng NTM của Đảng và Chính phủ. Với bà con dân tộc vùng cao, vừa được xem văn nghệ lại có điều kiện để hiểu rõ hơn phong trào xây dựng NTM thì nói như trưởng bản người Tày chúng tôi gặp tại buổi giao lưu văn nghệ tại xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình là “việc làng đất vàng cũng hiến”.

SÁNG TẠO BẤT NGỜ

Để chủ trương xây dựng NTM đi vào lòng dân và duy trì bền vững, tỉnh Hà Giang đã tiến hành xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phong trào xây dựng NTM. Tính đến hết năm 2013, Hà Giang đã và đang xây dựng được hàng chục làng văn hóa, trong đó có trên 30 làng chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Một số làng đã thu hút được khách du lịch trong và người nước đến tham quan, lưu trú.

Nhằm hỗ trợ cho du lịch, tỉnh Hà Giang đã phục hồi được hàng chục lễ hội, phong tục, tập quán như lễ hội cấp sắc của người Dao, lễ hội chọi dê Hoàng Su Phì, chọi bò Bắc Quang, chọi trâu Vị Xuyên…



Rất nhiều lễ hội của Hà Giang được phục hồi phục vụ xây dựng NTM (chọi bò Mèo Vạc, chọi dê Hoàng Su Phì, Hà Giang)

Hiện tại, các làng văn hóa du lịch trong tỉnh đều đã có đội văn nghệ dân gian sẵn sàng phục vụ du khách bất cứ lúc nào. Tỉnh cũng liên hệ với nhiều làng nghề truyền thống tại các địa phương mang nghề thủ công mỹ nghệ về dạy cho người dân nhằm tạo ra các sản phẩm mang bản sắc 22 dân tộc làm quà lưu niệm cho du khách.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ NTM tỉnh Hà Giang, chia sẻ, do là tỉnh nghèo, kinh phí lại eo hẹp nên địa phương luôn chọn thực hiện công việc dễ trước, khó sau. Đầu tiên, là di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa chỗ ở cho đảm bảo vệ sinh, đã triển khai được tới hàng nghìn hộ gia đình. Tiếp theo, tỉnh cấp xi măng miễn phí cho các hộ xây dựng nhà vệ sinh, làm bể nước, hiện phát huy hiệu quả rất tích cực.

Bên cạnh đó, điểm nhấn trong năm 2013 của Hà Giang là phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, hiện Hà Giang đã triển khai thực hiện được 5.750/6.383 hộ (đạt 87,3% kế hoạch). Đối với làm đường GTNT, đến nay tỉnh đã triển khai thực hiện được 43,5/146 km đường giao thông (đạt 30% so với kế hoạch giao), các tuyến đường đến trung tâm xã phần lớn đã được cứng hóa. Có được thành quả này, công tác tuyên truyền đóng vai trò xương sống, tiên phong mọi lúc, mọi nơi.

Nói đến phong trào vận động người dân ăn ở vệ sinh, hình thành nếp sống văn minh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, có lẽ huyện Hoàng Su Phì là một trong những địa phương thành công của Hà Giang.

Chúng tôi có mặt tại thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang khi bà con nơi đây vừa khánh thành khu nhà văn hóa cộng đồng để phục vụ phát triển du lịch. Theo hướng dẫn chỉ đạo từ tỉnh, thôn Pố Lũng đã xây nhà văn hóa đúng theo mô tuýp của dân tộc Nùng, bên cạnh nhà sàn bà con xây thêm một bếp ăn, một sân vận động để sau này khách du lịch lưu trú lại sẽ có chỗ vui chơi, ăn uống.

Tâm sự với chúng tôi, ông Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, nhấn mạnh vai trò của “Hội Nghệ nhân dân gian tuyên truyền đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” tại địa phương mình. Đây là Hội được thành lập trên cơ sở là những thầy cúng, thầy mo có uy tín tại các thôn, bản.


Một buổi “sân khấu hóa” công tác tuyên truyền NTM của Hà Giang

Từ hai năm nay, hình ảnh những ông thầy mo đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân di chuyển chuồng trâu, chuồng bò ra khỏi sàn nhà, ăn ở vệ sinh ngăn nắp hay nhắc đôi vợ chồng đã có hai con không được sinh đứa thứ ba đã trở nên quen thuộc với đồng bào dân tộc tại Hoàng Su Phì.

Nhờ công tác tuyên truyền đơn giản, thiết thực nhưng hiệu quả nên trong quá trình vận động tiền bạc, công sức các đơn vị đoàn thể, cá nhân, DN tham gia chung sức xây dựng NTM, Hà Giang đã thu về những kết quả mà nhiều tỉnh có tiềm lực lớn về kinh tế cũng phải mơ ước.

Theo Văn phòng Điều phối NTM Hà Giang, trong năm 2013, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tới 451.000 ngày công, trên 264.000 m2 đất đã được hiến, các DN ủng hộ gần 5,8 tỉ đồng, bà con nhân dân đóng góp trên 56 tỉ đồng. Còn nếu tính từ năm 2011 đến nay, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đóng góp xấp xỉ 620.000 ngày công, hiến trên 386.000 m2 đất, huy động từ DN đạt 45 tỉ đồng và nhân dân đóng góp tới gần 142 tỉ đồng. Kết quả này xứng đáng gọi là kỳ tích đối với một tỉnh nghèo như Hà Giang.

Triển khai phong trào “Nhà sạch vườn đẹp”, huyện Hoàng Su Phì đã ban hành thiết kế mẫu hàng rào và thực hiện xung quanh trụ sở, trường học, trạm y tế, hộ gia đình tại các xã bằng cây xanh, cây tre, vầu tại địa phương, sau đó đưa ra bảng điểm để chấm tiêu chí nhà sạch, vườn đẹp.

Đến nay đã hoàn thành được trên 1.000 m hàng rào. Huyện Quang Bình kết hợp nhà sạch vườn đẹp và cải tạo vườn tạp góp phần tăng thu nhập cho người dân (trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây chè… ). Từ đó, tạo nên sự đa dạng và các nét đặc trưng nông thôn của từng vùng trong tỉnh.

Nguồn: nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập821
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm820
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại759,597
  • Tổng lượt truy cập93,137,261
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây