Học tập đạo đức HCM

“Thu Hoạch” ở làng văn hóa...

Thứ bảy - 05/08/2017 09:01
Xã Thạch Châu xưa có tên là làng “Thu Hoạch” (thuộc tổng Canh Hoạch). Sách “Làng cổ Hà Tĩnh” viết: “Làng Thu Hoạch xưa đến trước Cách mạng tháng Tám đổi tên là làng Hữu Phương. Hữu Phương có nghĩa là có tiếng thơm, chủ yếu là tiếng thơm về văn hóa. Làng Thu Hoạch có một bề dày lịch sử và truyền thống học hành rực rỡ. Đặc biệt, thế kỷ XVIII trở đi, Thu Hoạch nở rộ cao khoa, kết tinh của nền học vấn nền văn hóa thu hoạch” (theo Hồ Hữu Phước).

thu hoach o lang van hoa

Một góc Thạch Châu

Tôi có nhiều kỷ niệm với Thạch Châu vì những năm tháng tuổi thơ, khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, san phẳng đất Thạch Kim (Cửa Sót) quê tôi thì dân xã tôi phải sơ tán về các xã vùng nông thôn. Nhà tôi sơ tán vào thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu. Trong ký ức của tôi còn nguyên vẹn, tươi rói cái không gian, con người và những sinh hoạt tập quán của người Thạch Châu. Đa phần người Việt đều xuất phát từ nông thôn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn nổi tiếng của mình đã đề từ: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn”. Tôi tuy không sinh ra ở nông thôn, tôi là người kẻ bể nhưng trong huyết quản của tôi vẫn thấm đẫm dòng máu nhà quê. Tôi ăn hạt gạo nhà quê, uống nước giếng làng nhà quê và thở bầu khí quyển nhà quê - nói nôm na là vậy.

Tôi nhớ một nhà văn hóa khá nổi tiếng đã từng đúc kết: “Nông thôn không chỉ là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp mà còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được”. Trong đó có vấn đề bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người. Trực tiếp hơn nữa, làng quê thuần phác là môi trường sống, bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên, cân bằng sinh thái.

Tôi đã có dịp nói chuyện với Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thông. Tôi hỏi Thông:

- Về xây dựng nông thôn mới có một điểm chung là bộ 19 tiêu chí nhưng mỗi địa phương, mỗi xã có cách làm riêng, có thế mạnh đặc trưng riêng để phát huy. Thạch Châu có thế mạnh riêng, một bản sắc riêng từ cội nguồn phải không anh?

Thông trả lời từ tốn mà khúc chiết:

- Nói cội nguồn thì hơi rộng lớn, cụ thể đó là văn hóa anh ạ. Là một vùng quê có truyền thống cách mạng và văn hóa, từ mảnh đất này đã sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng và cũng chính điều đó đã tạo nên cốt cách con người Thạch Châu. Thạch Châu bắt đầu đi lên từ văn hóa.

Gần đây, gặp ông Trần Thanh Bình - hiện là Chủ tịch Hội khuyến học Hà Tĩnh, tôi nghe ông nói về một nét văn hóa ẩm thực rất đặc trưng ở Thạch Châu. Ông Bình vốn trước đây trưởng thành từ Bí thư Đoàn xã Thạch Châu. Một thời gian dài, ông là Bí thư Huyện ủy Thạch Hà (Thạch Châu lúc đó còn thuộc huyện Thạch Hà). Khi biết tôi đang tìm hiểu để “thu hoạch” về nét đẹp văn hóa Thạch Châu, ông làm tôi bất ngờ, ngạc nhiên:

- Thế chú đã biết hội thi làm cỗ cúng đầu xuân tết Thượng nguyên, Trung nguyên hoặc ngày giỗ tổ mà chỉ ở Thạch Châu mới có chưa? Văn hóa không ở đâu xa mà ở đâu ta cũng “va hắn”. Có ngay trong những nét văn hóa đời thường như văn hóa ẩm thực.

Rồi ông kể cho tôi nghe: Lễ vật và cách thức cúng ở đây có điều đặc biệt là ở mâm cỗ gà dự thi. Gà phải được tạo dáng bằng gà nằm, gà quỳ, gà đứng, gà bay đậu trên cành trúc, cành đào hoặc đứng trên mai rùa. Khó nhất trong làm cỗ luộc gà sao cho gà chín, da gà đẹp trong điều kiện gà thì cao, nồi thì thấp, phải vừa luộc, vừa trở, dùng nước sôi dội nhiều lần cho gà chín. Đây là nét đẹp vừa văn hóa, vừa tâm linh. Họ làm cỗ đẹp, thanh khiết là muốn tỏ lòng thành kính với tổ tiên, đồng thời cũng muốn trổ tài cùng mọi người, càng thêm ấm tình họ tộc, xóm làng.

thu hoach o lang van hoa

Thư viện văn hóa xã Thạch Châu.

Khi nghe tôi kể lại chuyện này, Lê Văn Thông đưa chiếc điện thoại thông minh đời mới của anh, trong đó có loạt ảnh khá sinh động bộ ảnh lễ hội làng cỗ cúng tết vừa rồi. Lại là năm Đinh Dậu, năm con gà. Tôi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tạo dáng rất phong phú của từng chú gà trên mâm cỗ. Nhân đó, tôi hỏi Thông:

- Đó là nét văn hóa ẩm thực, còn về văn hóa tinh thần, nghe nói Thạch Châu có câu lạc bộ ví, giặm từng được giải nhất tại liên hoan dân ca ví, giặm tổ chức ở Nghệ An cách đây vài năm phải không?

- Đúng thế anh ạ. Từ năm 2008, với nền tảng là đội văn nghệ quần chúng của xã, những người say mê văn hóa truyền thống ở đây đã thành lập câu lạc bộ dân ca ví, giặm Thạch Châu. Lúc đầu chỉ vỏn vẹn 5-7 thành viên nhưng tới nay, số lượng tham gia lên tới hàng chục người. Các thành viên trong câu lạc bộ đều là nông dân. Họ đam mê ca hát nên ngoài công việc đồng áng, hàng đêm, các thành viên tập họp nhau để tập luyện. Gia đình ông Nguyễn Công Toại được coi là gia đình mê hát nhất Thạch Châu. Không chỉ 2 vợ chồng mà 3 đứa con của ông Toại đều hát rất hay.

Hiện nay, toàn xã có 16 đội văn nghệ. Trong năm 2016, xã tổ chức 15 lượt hội diễn văn nghệ, 27 đêm giao lưu tại các thôn xóm. Xã cũng xây dựng quy ước văn hóa, cả 11 làng đều có hương ước và có tủ sách, điểm đọc báo với 350-400 cuốn sách. 11 làng đều được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa. Địa phương đã bố trí đào tạo một đội ngũ vững về chuyên môn nghiệp vụ và có tâm huyết. Ngoài đồng chí cán bộ trưởng ban văn hóa còn có ban chủ nhiệm CLB gồm 3 người phụ trách nhà truyền thống thư viện. Toàn xã đã xây dựng được 11 hội quán, mỗi nhà 500 triệu đồng. Thư viện xã có 7.000 đầu sách các loại. Đúng là từ văn hóa, Thạch Châu cất cánh bay lên với sức mạnh đoàn kết và lan tỏa của cả cộng đồng.

Đúng thế! Tôi lại nhớ những năm chiến tranh chống Mỹ, bọn trẻ chúng tôi sơ tán ở Thạch Châu, từng được nhiều lần xem đội văn nghệ của xã biểu diễn, trong đó, nhiều hoạt cảnh tự biên tự diễn động viên con em lên đường đánh Mỹ. Thạch Châu luôn dẫn đầu các hội diễn. Sau những lần ấy, linh mục Vương Đình Ái – hồi đó là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Hà Tĩnh đã dẫn đội đi biểu diễn cho bà con làng xã khác. Bây giờ, làn điệu dân ca này không chỉ những người nhiều tuổi đam mê mà còn cuốn hút cả lớp trẻ. Em Nguyễn Huy Nam (thôn Đức Châu, Thạch Châu) là một tài năng trẻ được giải cao trong các cuộc thi. Thế mới biết văn hóa đã “ngấm” vào con người Thạch Châu tự nguyện, tự nhiên, từ lâu như thế. Tôi hỏi Thông:

- Ở làng Thu Hoạch (xưa) và nay là Thạch Châu có một địa chỉ văn hóa cả nước biết đến. Đó là nhà thờ dòng họ Phan Huy được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ở xóm 6 với sự phát triển hơn 400 năm cùng 18 đời con cháu chắt phải không?

Lê Văn Thông hào hứng đưa tôi đến gặp ông Phan Huy Anh – quyền tộc trưởng dòng họ Phan Huy. Ông Anh cho biết: Ở Thạch Châu có 2 nhà thờ, nhà thờ chính gọi là giáp đường (nơi thờ tổ tiên khai sinh). Nhà thờ thứ 2 gọi là ất đường – nơi vinh danh người đỗ đạt có công trạng lớn đối với dòng họ và đất nước. Theo ông Huy Anh , từ khi khai sinh, dòng họ được gọi là Phan Văn – Văn là nói về văn thơ, ca nhạc bởi những người trong họ thời điểm đó có sở trường cầm - kỳ - thi - họa. Sau này đến đời thứ 6 (1743), ông Phan Văn Tịnh đổi tên dòng họ là Phan Huy. Theo nghĩa nôm na, Huy có nghĩa là huy hoàng, xán lạn. Tổ tiên xưa muốn dòng họ phát triển vượt bậc, con cháu đỗ đạt thành tài rất nhiều, tiêu biểu như cụ Phan Huy Chú, Phan Huy Cẩn (Bình Chương Tiến sĩ). Sau này có Phan Huy Ích, người cùng với Ngô Thì Nhậm được xem là “hai cánh tay đắc lực” của vua Quang Trung trong việc ngoại giao, chống ngoại xâm. Nhà thờ chính của dòng họ Phan Huy ở xã Thạch Châu được xây dựng từ năm 1779. Ngoài ra còn có nhà thờ Phan Huy Chú ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Ông Phan Huy Anh đưa cho tôi xem một tập ảnh và lưu bút của ông Ban Ki-moon – Tổng Thư ký Liên hiệp quốc khi ông sang Việt Nam để nhận tổ tiên đã tìm về thăm nhà thờ Phan Huy Chú. Không biết có mối liên hệ nào giữa dòng họ Phan Huy với ông Ban Ki- moon ở Hàn Quốc không. Và gần đây nhất, Giáo sử sử học Phan Huy Lê đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh do Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trao tặng về các công trình nghiên cứu lịch sử của mình…

Mạch nguồn văn hóa của quá khứ và hôm nay được khơi dậy, phát huy sẽ là điểm tựa, đòn bẩy cho các hoạt động KT-XH. “Thu hoạch” ở Thạch Châu bắt đầu từ nguồn mạch nguồn trong trẻo, tinh khiết ấy…


Theo: Nguyễn Ngọc Phú/baohatinh.vn

 Tags: hoạch, làng thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập581
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại737,159
  • Tổng lượt truy cập93,114,823
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây