Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND Đặng Ngọc Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích rừng hiện có của cả nước khoảng 14.377.682 ha. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2017 ước đạt 7,6-7,8 tỷ USD; dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.
9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.257 ha.
Từ năm 2017, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả đơn vị đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế.
Trong 3 năm (từ 2014-2016), Nhà nước đã hỗ trợ 199.111 triệu đồng cho hoạt động bảo vệ rừng để thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Số kinh phí này cao hơn so với lợi nhuận thu được từ khai thác gỗ của các công ty được cấp phép đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo báo cáo, thời gian qua, một số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm; việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án ở một số địa phương không được điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng quy hoạch luôn bị phá vỡ; nhiều dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và đánh giá tác động môi trường. Tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn phức tạp, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm phát hiện, xử lý.
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để nghe ý kiến của các địa phương và các bộ ngành liên quan đánh giá thực trạng công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua, nhận định bối cảnh, tình hình năm 2018 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó, tập trung vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc để tìm hướng đi, biện pháp khả thi nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế rừng…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, bảo đảm QP-AN, phòng hộ, môi trường sinh thái... Chính vì vậy, bảo vệ, phát triển rừng phải là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Thủ tướng cho rằng, vẫn còn tình trạng phá rừng chậm được phát hiện; một số địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nhưng trái quy định; công trình thủy điện ảnh hưởng đến rừng; chủ rừng buông lỏng quản lý, địa phương thiếu kiên quyết xử lý vi phạm…
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; coi phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng; các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng phải khẩn trương hoàn thành trách nhiệm trồng rừng thay thế; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng ngập mặn… Những địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng lớn phải xử lý nghiêm những vi phạm, người quản lý trực tiếp.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tạo nguồn thu từ bán quyền phát thải các-bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên.
Điểm cầu Hà Tĩnh
Bộ Công thương rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc; dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Bộ TN&MT chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật mà có. Các lực lượng bảo vệ rừng phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm những tổ chức, người đứng đầu để xảy ra vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp; không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học; kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển; không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trên cơ sở đó, nghiên cứu, bổ sung vào các đề án bảo vệ, phát triển rừng. Các địa phương phải coi nhiệm vụ bảo bảo vệ rừng là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, không được chủ quan, lơ là. Các cấp, ngành cần có sự phối hợp tốt hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các địa phương khẩn trương lập và gửi danh sách hộ dân, mức độ thiệt hại sau cơn bão số 10 để tỉnh tiến hành hỗ trợ trên cơ sở nguồn tiền ủng hộ. Các địa phương nắm chắc tình hình, chủ động các phương án ứng phó với con bão số 11 sắp tới; bám sát diễn biến của thời tiết tập trung triển khai sản xuất vụ đông. |
Dương Chiến
http://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã