Học tập đạo đức HCM

Tiếp sức để thoát nghèo ở Hà Tĩnh

Thứ bảy - 12/05/2018 10:39
Những đồng vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), chi nhánh Hà Tĩnh, đang ngày đêm âm thầm góp sức vào việc xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển KT - XH địa phương…

“Cứu cánh” cho người nghèo

Được ví như “chảo lửa, túi mưa”, gồng gánh những khắc nghiệt từ thiên nhiên, thế nên dù đã có nhiều nỗ lực, song Hà Tĩnh vẫn là một địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở dải đất miền Trung. Trên mảnh đất này, những đồng vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), chi nhánh Hà Tĩnh, đang ngày đêm âm thầm góp sức vào việc xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển KT - XH địa phương…

Mô hình chăn nuôi bò từ vốn chính sách ở huyện Lộc Hà

Từ TP. Hà Tĩnh xuôi về phía đông bắc, chúng tôi đến huyện Lộc Hà, một địa phương được tách ra từ 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà từ tháng 3/2007. Đây là huyện khá độc đáo khi chưa có thị trấn mà mới chỉ có 13 xã trực thuộc. Nhìn chung, đời sống của bà con địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các xã bãi ngang như Thạch Bằng hay Mai Phú...

Cũng tại đây, những đồng vốn tín dụng ưu đãi đã và đang giúp nhiều gia đình trong huyện giảm nghèo bền vững và không ít hộ vươn lên khá giả... Khi đến thăm gia đình ông Phan Văn Chung ở xã Tân Lộc, nhiều người khá bất ngờ với nỗ lực vượt qua nghèo của gia đình.

Theo lời ông Chung, lập gia đình vào năm 1997, thời điểm đó hai vợ chồng ông rơi vào cảnh hết sức vất vả, thuộc diện nghèo “thâm niên” của xã. Bữa sáng chưa qua, đã lo bữa trưa, giật gấu vá vai nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Không cam chịu nghèo khó, được sự động viên của bà con xung quanh, gia đình ông quyết tâm vay vốn ngân hàng để làm ăn. Món vay đầu tiên của gia đình tại VBSP được ông đầu tư vào nuôi bò.

Thời điểm ban đầu chỉ nuôi một vài con, sau đó đàn bò của gia đình ngày càng được nhân lên. Thời kỳ cao điểm lên đến 15 con với giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn lại có thêm nguồn vốn vay ưu đãi, đến năm 2014 gia đình đã thoát nghèo bền vững. Từ chăn nuôi bò, sản xuất nông nghiệp đến nay gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, 4 người con được ăn học đầy đủ.

Bà Ngô Thị Hồng Thuận, Tổ trưởng tổ vay vốn ở xã Tân Lộc cho biết thêm, ở trong xã còn có rất nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo như gia đình ông Phan Văn Chung. Mỗi gia đình, mỗi cách làm riêng để thoát khỏi nghèo, thậm chí là khá giả. Nhưng, điểm chung của họ là bắt nguồn từ những nguồn vốn vay ưu đãi, cùng những nỗ lực chăm chỉ làm ăn sớm khuya...

Theo ông Trần Văn Bé, Giám đốc VBSP huyện Lộc Hà, trong quá trình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đoàn thanh niên đưa vốn đến từng hộ dân... Tích cực góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện để bà con từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo...

Tiếp tục mục sở thị hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Hà Tĩnh, đi ngược về phía nam chúng tôi đến với huyện Cẩm Xuyên. Tại gia đình chị Võ Thị Tình, ở xã Cẩm Bình một trong những tấm gương thoát nghèo điển hình ở địa phương.

Chị Tình chia sẻ, những năm trước đây, dù có ruộng vườn nhưng gia đình vẫn loay hoay với cái nghèo, cái khó cũng bởi không biết xoay xở đồng vốn đâu ra để mở rộng canh tác, chăn nuôi. Cuộc sống của gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau, khi nào cũng nằm trong danh sách hộ nghèo hoặc cận nghèo của Cẩm Bình...

Thế nhưng, từ nguồn vốn của VBSP huyện Cẩm Xuyên, với số tiền 50 triệu đồng, gia đình đã đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn. Có vốn trong tay, gia đình chị đã đầu tư mua bò nái, rồi đào ao thả cá và mua một số giống cây ăn quả. Nhờ cần mẫn chăn nuôi, tích cực học hỏi, đến nay gia đình đã cơ bản thoát khỏi cảnh đói nghèo. Cuộc sống gia đình từng bước ổn định, con cái được học hành, nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Nhớ lại hành trình thoát nghèo của mình chị Võ Thị Tình tâm sự, trong lúc bế tắc, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi thực sự là “cứu cánh” để gia đình tôi vượt qua khó khăn, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Bà con trong xóm, ai cũng mừng cho hành trình thoát nghèo của gia đình.

Góp phần phát triển KT - XH

Trong những năm gần đây, VBSP xã hội, chi nhánh Hà Tĩnh, đã trở thành địa chỉ tin cậy, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu ở địa phương.

15 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Vốn từ VBSP đã góp phần tạo việc làm cho gần 113 nghìn lao động; gần 102 nghìn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, hơn 41 nghìn hộ cải thiện đời sống; hơn 125 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; góp sức khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống ở địa phương, như chế biến nước mắm tại Lộc Hà, phát triển nghề mộc ở Đức Thọ, rèn đúc ở thị xã Hồng Lĩnh…

Bên cạnh đó, vốn từ VBSP cũng đã xây dựng hơn 155 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 10 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 800 ngôi nhà cho hộ nghèo tránh lũ... Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Hà Tĩnh từ 20,5% năm 2002 xuống 8,56% đầu năm 2017...

Ông Nguyễn Tiến Thức, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, VBSP Hà Tĩnh cho biết thêm, không chỉ trao “cần câu”, để giúp người dân địa phương thoát nghèo một cách bền vững, thông qua các việc tham gia sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, các cán bộ tín dụng của chi nhánh còn tư vấn, hỗ trợ để bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bởi vậy, trên địa bàn toàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình từ hộ nghèo làm ăn nhỏ, đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương...

Bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên khẳng định với phóng viên Thời báo Ngân hàng, các chương trình tín dụng ưu đãi từ VBSP, chi nhánh Hà Tĩnh đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình ở Cẩm Xuyên bớt đi cảnh nghèo khó, vươn lên khá giả.

Đặc biệt, tín dụng ưu đãi không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy KT - XH ở địa phương phát triển, mà còn hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm, góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới tại các vùng quê, làm cho Hà Tĩnh đã và đang trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Có thể khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc VBSP, chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thành công. Song, trước hết cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định, việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Từ đó, trực tiếp chỉ đạo, phối hợp tích cực trong suốt quá trình đầu tư nguồn vốn đến công đoạn thu hồi nợ. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của VBSP. Công tác bình xét, xác nhận đối tượng vay chính xác, hạn chế cho vay sai đối tượng.

Nhờ có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, chính trị xã hội nhận ủy thác... hoạt động của VBSP trên địa bàn không ngừng được mở rộng, nâng cao chất lượng, góp phần vào sự phát triển KT - XH ở địa phương.

Với mục tiêu đến năm 2020, bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện có nhu cầu đều được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của VBSP, nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt chỉ tiêu huy động vốn... ông Lưu Văn Minh chia sẻ, từ cán bộ xuống tận những nhân viên của VBSP Hà Tĩnh sẽ không bằng lòng những gì đã làm được cho bà con, mà vẫn luôn cố gắng từng ngày để những đồng vốn ưu đãi ngày càng đến được với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... để Hà Tĩnh mình thương ngày càng giàu đẹp.


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập321
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm318
  • Hôm nay21,444
  • Tháng hiện tại200,011
  • Tổng lượt truy cập90,263,404
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây