Sau 3 năm, mô hình này đã trở thành cuộc “cách mạng xanh” ở Hà Tĩnh.
Người dân tận dụng trồng bí, gấc trên kênh mương thủy lợi |
“Tiêu chí thứ 20”, tiêu chí riêng của Hà Tĩnh đã khẳng định được “thương hiệu” trong và ngoài tỉnh. Trong đó quy định hàng rào xanh phải đạt 70%, thế nhưng người dân thường chọn cách bê tông hóa thay vì trồng cây xanh. Cách làm này giúp công trình kiên cố và sạch sẽ hơn, tuy nhiên nó lại làm mất đi “bản chất” nông thôn ở mỗi làng quê. Từ đó, Hà Tĩnh đã sáng tạo ra hàng rào xanh kinh tế, nghĩa là vừa đảm bảo tiêu chí hàng rào xanh vừa thành nơi “hái” ra tiền.
Mô hình được triển khai đầu tiên ở 58 hộ dân thuộc thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên). Tại đây, các hộ dân được hướng dân phá bỏ hàng rào “chết”, dựng lên hàng rào xanh tại các điểm như nệp vườn, lối vào nhà, trên mặt hồ, kênh mương thủy lợi và cả những nơi có không gian phía trên. Kết cấu của hàng rào làm bằng sắt, thép hoặc tre nứa, rồi trồng các loại cây như mướp, bí, hoa thiên lý, chanh leo...
Là hộ được chọn thực hiện thí điểm, chị Nguyễn Thị Thuận (thôn Yên Mỹ) rất phấn khởi khi khu vườn mang lại một nguồn thu đáng kể cho gia đình. Với diện tích gần 2.000m2, chị dành 1.500m2 trồng cây cam, số diện tích còn lại trồng rau màu các loại.
Chị chia sẻ: “Trước đây, vườn tược và hàng rào nhà tôi đều trồng những loại cây tre tro, dâm bụt và các loại cây hỗn tạp. Được cán bộ về hướng dẫn mới có được khu vườn “giá trị” như thế này. Giờ trong vườn có đủ các loại cây, phía dưới đất trồng rau màu, phía trên làm giàn trồng mướp đắng, bí, mướp… Kể cả hàng rào quanh vườn, mặt ao hồ cũng được trồng hoa thiên lý, mướp đắng, chanh leo… Mỗi năm thu nhập trên 80 triệu đồng, trong đó hàng rào đem lại mỗi tháng ít nhất 2 triệu đồng”.
Làm giàn vòm từ ngõ vào nhà, vừa mát lại có thêm thu nhập |
Thí điểm thành công, trong vòng 2 năm mô hình hàng rào xanh kinh tế được nhân rộng khắp nơi trên toàn tỉnh. Nhiều địa phương 100% hộ dân đều xây dựng hàng rào xanh kinh tế. Việc này vừa cải thiện cảnh quan môi trường, vừa tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn hộ.
Đi dọc con đường làng thôn Bình Minh (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên), chúng tôi thực sự mãn nhãn bởi các kênh mương thủy lợi cũng được người dân tận dụng làm giàn trồng các loại giúp mang lại thu nhập. Ông Nguyễn Đình Dũng (trưởng thôn Bình Minh) phấn khởi: “Chỗ nào tận dụng được đều phải tận dụng làm cả. Kể cả tường rào nhà văn hóa thôn cũng trồng cây “kinh tế” đấy. Sau khi thu hoạch sẽ bán lấy tiền đóng vào quỹ thôn. Như thế thôn vừa có tiền, lại không lãng phí đất đai”.
Tại nhà anh Võ Văn Ý, những giàn mướp các loại được trồng phủ kín từ ngoài cổng vào tận sân, vườn nhà, hàng rào quanh vườn được phủ xanh đủ các loại giống cây hoa màu. Từ khu vườn này, mỗi năm gia đình anh thu về 70 – 80 triệu đồng.
Anh Ý vui mừng: “Không chỉ trong vườn mà đường đi nội vườn, lối vào nhà tôi đều làm giàn vòm phía trên trồng các loại cây phủ lên vừa bóng mát lại có tiền nữa. Việc trồng cây phải căn theo mùa vụ cho phù hợp, mùa này trồng cây này, khi sắp tàn thì phải “dắm” cây khác xen vào. Mọi diện tích từ vườn ra ngõ đều phải được tận dụng triệt để, không để lãng phí mét đất nào".
Diện tích mặt nước ao hồ, hàng rào đều được tận dụng triệt để |
Chia sẻ về việc “lên đời” cho tiêu chí 20, ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi đi “thị sát” 7 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2013, tôi trở về với một nỗi băn khoăn về nguy cơ bê tông hóa toàn phần, vừa lãng phí lại không phù hợp với “chất” đồng quê vốn có. Trước đây, người dân có tập quán dùng các loại cây xanh làm hàng rào rồi, như vậy người dân đã có ý thức xây dựng hàng rào xanh. Thế nhưng, chưa ai nghĩ đến chuyện hàng rào xanh nhưng mang lại lợi nhuận kinh tế.
Sau nhiều cuộc họp bàn, mô hình hàng rào xanh kinh tế ra đời. Tôi cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu trồng các loại hoa quả quanh năm. Đối với hệ thống hàng rào cũng phải sử dụng các loại cây leo kinh tế bốn mùa, vừa bảo đảm màu xanh, vừa “hái” ra tiền. Việc này vừa giảm được chi phí xây dựng hàng rào, vừa cho thu nhập lại đẹp cảnh quan. Người dân phản hồi rất tốt và liên tục nhân rộng ra nhiều địa phương khác”.
Điều đặc biệt, sản phẩm của các hàng rào kinh tế ở Hà Tĩnh là những sản phẩm sạch, không hề sử dụng hóa chất, thuốc BVTV gây hại cho sức khỏe của nguời tiêu dùng. Để diệt trừ sâu bọ, người dân “chế” ra các loại “thuốc” bằng phương pháp vi sinh, hòa lẫn các loại thực phẩm như tỏi, ớt, rượu, lá cây thuốc lào phun lên rau, củ, quả. Hoặc trồng các loại hoa dẫn dụ như hoa cúc, hướng dương… lẫn trong vườn để dẫn dụ sâu bọ, bướm gây hại tập trung tại đó để diệt trừ. Nhà này học hỏi nhà kia, xóm này học hỏi xóm kia, cứ thế đến nay mô hình đã trở thành cuộc “cách mạng xanh” ở Hà Tĩnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;