Học tập đạo đức HCM

Từ mạch nguồn văn hóa nghìn năm

Chủ nhật - 29/11/2015 10:11
Nhìn từ bản đồ vệ tinh, Thạch Hà như một đám mây nhỏ bồng bềnh với đường nét gợi nhiều liên tưởng. Ấy thế mà, ẩn trong dáng vẻ mềm mại đó lại là những mạch nguồn bền chắc kiến tạo nên lịch sử 1.010 năm của miền quê này. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Thạch Hà thuộc nhiều châu, phủ, tỉnh khác nhau và có nhiều thay đổi về địa giới hành chính, tuy vậy, những giá trị văn hóa lịch sử cổ xưa nhất, bền sâu nhất thì vẫn ở lại với người dân bản xứ

Mỗi lần ngang qua sông Cày, ngắm con nước đang lặng lẽ trôi về Cửa Sót, tôi không sao thoát ra khỏi những ý nghĩ về tên gọi Thạch Hà - đá giữa lòng sông. Thạch Hà là cái tên chính thức trên địa giới hành chính đất nước đã 1.010 năm nay nhưng sự sống ở miền đất này thì đã có trước đó gấp 4-5 lần. Những di chỉ khảo cổ học ngày càng được phát hiện nhiều nơi như: Cồn Sò (Thạch Lạc), Rú Điệp (Thạch Đài), cồn Lôi Mốt (Thạch Vĩnh), bãi Diền Diền (Thạch Tiến), Phái Nam, Phái Đông (Thạch Lâm)… đã khẳng định dấu tích đời sống của người nguyên thủy thuộc hậu kỳ đá mới cách ngày nay khoảng 4.000-5.000 năm.

Từ mạch nguồn văn hóa nghìn năm

Sông Cày - nơi kiến tạo và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống bền sâu của Thạch Hà.

Vào thời kỳ này, con người đã biết chế tạo, sử dụng công cụ lao động để tác động vào tự nhiên, tạo ra của cải vật chất để duy trì cuộc sống. Đặc biệt, những bộ hài cốt khai quật được ở một số di chỉ phản ánh đời sống tinh thần, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, đồng thời, phản ánh trình độ thẩm mỹ tương đối phong phú của con người hậu kỳ đá mới. Những giá trị sơ khai đó đã được ức triệu thế hệ nối tiếp và phát triển, để trong giai đoạn nào của lịch sử, Thạch Hà cũng ghi dấu ấn đậm nét trong dòng chảy văn hóa Hà Tĩnh và Việt Nam.

Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, nhờ “hào kiệt thời nào cũng có”, Thạch Hà đã đóng góp cho đất nước rất nhiều anh tài. Tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương Hà Tĩnh, từ những ngôi làng bình dị đã xuất hiện một số dòng họ nổi tiếng với nhiều người học rộng, đỗ đạt cao. Làng Hà Hoàng (Thạch Hạ ngày nay) là quê hương của dòng họ Võ Tá nổi tiếng đời nhà Hậu Lê với các danh tướng: Võ Tá Đức, Võ Tá Kiên, Võ Tá Sắt, Võ Tá Lý... Làng Phong Phú (Thạch Khê ngày nay) có dòng họ Trương Quốc nổi tiếng với Đông cung tùy giảng thị nội Trương Quốc Kỳ, Thị độc học sĩ Trương Quốc Bảo, Cử nhân quan chủ sự Trương Quốc Quán, Tiến sỹ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Trương Quốc Dụng.

Ngoài ra, còn có Tiến sĩ Thừa hoa sứ Nguyễn Tôn Tây, Phó bảng Bùi Thố, võ tướng Dương Khuông... Thạch Hà cũng là quê hương của Thượng thư Bộ binh kiêm Hàn lâm viện Học sĩ Nguyễn Hộc (1412-?), Giám sát Ngự sử Trần Sảnh (1431-?); anh hùng Lý Tự Trọng và nhiều chí sỹ cách mạng nổi tiếng trong các cao trào, phong trào cách mạng của Đảng như Nguyễn Thiếp, Mai Kính...

Trong thời kỳ mới, Thạch Hà cũng đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nổi bật như: Trung tướng Phạm Văn Long - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng, PGS. TS Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội…

Từ mạch nguồn văn hóa nghìn năm

Tuổi trẻ trên quê hương anh hùng Lý Tự Trọng nêu cao ý thức giữ gìn truyền thống, phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa Thạch Hà phát triển vững mạnh.

Bên cạnh những nhân tài hào kiệt, các thế hệ nông dân trên các miền đất trà sơn, duyên hải, đồng bằng phù sa màu mỡ của Thạch Hà cũng đã khắc dấu trí tuệ của mình thông qua việc sáng tạo nên những nghề thủ công truyền thống và những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Vào ngày phiên ở chợ tỉnh, tiếng trống Bắc Thai (Thạch Hội) lại vang lên rộn rã một góc chợ; lặng lẽ và duyên dáng hơn là những hàng nón lá Phù Việt được các mẹ, các chị trong toàn tỉnh tìm mua. Ngoài ra, trong quá khứ, Thạch Hà còn nổi tiếng với nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác như đan lát, nấu rượu… Tất cả phản ánh một đời sống lao động sản xuất với sự sáng tạo phong phú của người dân bản địa.

Khắc họa đời sống tinh thần phong phú lẫn trí sáng tạo tài hoa của người nông dân chính là những làn điệu dân ca truyền thống. Các tài liệu nghiên cứu của nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh cho thấy, Thạch Hà chính là mảnh đất cổ xưa nhất của ca trù trên quê hương Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, từ trong lao động, sản xuất và chiến đấu, những người nông dân chân lấm, tay bùn từ các miền quê ven biển đến chân núi Trà Sơn đã sáng tạo ra nhiều câu hò, điệu ví bay bổng, đằm sâu, chan chứa nghĩa tình và hừng hực khí thế.

Những ai đã từng sống trong thời chiến chắc hẳn không thể quên được những câu hò Nam Khê (Thạch Khê) nổi tiếng, bài giặm “Thần Sấm ngã” của người nông dân Thạch Ngọc Lê Thanh Bình. Những ai đã sống ở Hà Tĩnh những năm đầu sau đổi mới, hẳn cũng không quên được sự có mặt của nghệ sỹ Xuân Năm trong các buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Từ mạch nguồn văn hóa nghìn năm

Di chỉ khảo cổ học Rú Điệp và Thạch Lạc tại phòng trưng bày hiện vật cổ nhân kỷ niệm 1.010 năm danh xưng Thạch Hà. Ảnh: Phan Trâm

Sự đặc sắc của hò Thạch Khê, giặm Thạch Ngọc, ví làng nón Phù Việt… đã trở thành tư liệu quý trong công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nổi tiếng, đặc biệt là trong hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại cho hình thức sinh hoạt dân gian dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ngày nay, tại các làng quê, các CLB dân ca ví, giặm, những nghệ nhân đang nối tiếp thế hệ cha anh tiếp tục cất lên những điệu hát của làng quê mình, làm cho đời sống tinh thần của người dân thêm phần phong phú.

Với vị trí địa lý đặc biệt và địa hình đủ cả 3 vùng trà sơn, duyên hải, đồng bằng, Thạch Hà có tiềm năng, lợi thế để chuyển mình mạnh mẽ hơn trong tương lai. Những mục tiêu trước mắt và lâu dài đã được hoạch định cụ thể với chiến lược rõ ràng. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực đã khẳng định những bước đi vững chắc trong hành trình đi tới của huyện.

Thời gian tới, với truyền thống 1.010 năm và những cơ hội mới, Thạch Hà sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế. Bên cạnh đó là đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, quy hoạch, chỉnh trang thị trấn và các điểm đô thị vùng, để mỗi trái tim người dân Thạch Hà, mỗi ngôi làng trên mọi miền quê lại vang lên muôn câu hát trong những lễ hội văn hóa đặc sắc…

Theo Anh Hoài/baohatinh.vn

 Tags: lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập376
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại852,416
  • Tổng lượt truy cập92,026,145
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây