Học tập đạo đức HCM

Về vùng “đồng xanh, đường đẹp, xóm vui”

Thứ ba - 08/07/2014 00:03
Từ một vùng đất “chiêm khê, mùa thối”, đường dọc, lối ngang lầy lội, cuộc sống người dân bần hàn, túng thiếu triền miên, sau nhiều năm đổi mới, Khánh Lộc (Can Lộc) đã trở thành mẫu hình “đồng xanh, đường đẹp, xóm vui”. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng những hành động thiết thực và hiệu quả, Khánh Lộc đã khơi dậy được sức mạnh nội lực của nhân dân để sớm về đích.

Đồng xanh dưới trời mây trắng

“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc”, tôi trở lại vùng đất Can Lộc, đi ngược về phía Nghèn để tới xã Khánh Lộc. Trong cuộc đời làm báo của tôi đã thấm bao nhiêu mưa, nắng, nhưng chưa đợt nắng nào khủng khiếp như đợt nắng tháng 6 năm nay. Nắng càng nồng, càng đượm bao nhiêu, những cánh đồng vùng đất Khánh Lộc càng phô diễn màu xanh bấy nhiêu.

Về vùng “đồng xanh, đường đẹp, xóm vui”
Khánh Lộc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. (Ảnh tư liệu)

Dưới bầu trời cao xanh lồng lộng và những bông mây trắng nõn kia, làng quê Khánh Lộc dường như đa sắc hơn giữa khắc nghiệt của thời tiết. Một cơn gió từ dưới ruộng mang theo hơi nước làm dịu đi sức nắng hanh khô đang đu mình trên bờ tre, ngọn lá. Từ xa, tôi đã nhìn thấy bác nông dân đang thư thả dắt 3 con bò vàng mộng, gặm cỏ ngon lành bên bờ ruộng... Khi lúa đã xanh thì, ngọn cỏ cũng được xanh lây, bởi sống chung trên những cánh đồng no nước.

“Nắng ra ri hay to hơn nữa, vụ lúa hè thu, nhà tui cũng yên tâm rồi, bởi ruộng tui chưa khi mô thiếu nước chú à” - một người cao tuổi hơn trong nhóm chị em phụ nữ đầu chít khăn, chân đi ủng, tay đeo găng “mốt thời trang của nhà nông thời mới” vừa lom khom nhổ cỏ lúa, vừa nói vọng lên đường cho tôi nghe. Lân la bắt chuyện, chị cho biết: “Tui tên là Minh, ở xóm Lương Hội, gia đình có 5 miệng ăn, vụ đông xuân vừa rồi, cấy 3 sào, thu hoạch hơn 4 tấn thóc. Nhờ dư thóc, dư cám, rau trong vườn nhiều nên tui nuôi 20 con lợn, nếu không có ruộng tốt thì nghĩ chi tới chăn nuôi”.

Ruộng tốt có nghĩa là mọi thứ phát triển bắt đầu từ hạt thóc, chủ trương của Đảng và chính sách nhà nước “đưa chăn nuôi cân đối với trồng trọt” ra đời gần 3 thập kỷ qua, bây giờ đối với vùng đất Khánh Lộc vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng để có hạt thóc kết nên mùa vàng, xã Khánh Lộc dựa vào đội ngũ cán bộ địa phương thực sự là “công bộc” của dân. Họ dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy, xóa bỏ “lối mòn” tư tưởng. Điều khiến không ít người ngạc nhiên, vùng đất được mệnh danh là “Xã Lội” (vì đường sá thường xuyên lầy lội), “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt” thời nay đã tạo được bước “nhảy vọt” từ thủy lợi để rồi chủ động được nước về mùa khô, thoát nỗi buồn khi nhìn ruộng nẻ chân chim và lúa đỏ đuôi.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”

Ông Mai Khắc Tám - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc cho biết: “Khánh Lộc từ xưa tới nay vẫn là xã thuần nông, 333 ha đất trồng lúa, địa bàn khá rộng nhưng dân cư phân bố không đều. Trước đây 14 xóm, hiện tại sáp nhập thành 9 xóm, dân số 4.465 người. Bây giờ nếu đi thị sát từ xóm Đông Hòa đến Vân Cửu, đâu đâu cũng thấy nhà lúa chất đầy sập, đầy chum, không ít xóm, mỗi vụ gặt, nhiều gia đình thu hoạch tới 7-8 tấn thóc. Trong các khâu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, người dân vẫn lo nhất là “khâu nước”. Vậy muốn có nguồn nước dồi dào, cán bộ và dân phải lo làm tốt công tác thủy lợi, không phải bây giờ xây dựng NTM, xã mới hoạch định chiến lược để hoàn thành tiêu chí mà ngay từ năm 2003, khi tỉnh khơi dậy phong trào “kênh mương cứng nội đồng” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Khánh Lộc đã tiên phong vào cuộc. Năm đầu, Khánh Lộc làm được 1 km, đến năm 2014, hệ thống kênh mương cứng nội đồng đã đạt tới 17 km, không những thế, xã còn làm được 19 cầu cống tưới tiêu”.

Về vùng “đồng xanh, đường đẹp, xóm vui”
Phụ nữ Khánh Lộc phát triển các ngành nghề, tham gia xây dựng NTM

Ông Tám giải thích thêm: “Nguồn nước phục vụ bà con sản xuất chủ yếu dựa vào sông La (trạm bơm Linh Cảm), nhưng xã vẫn phòng xa những lúc hạn hán nhất, tập trung mọi nguồn lực khai thác triệt để các hồ đập tự nhiên trong vùng. Nhờ vậy, những lúc chang chang nắng vẫn có trạm bơm ứng cứu kịp thời”.

Nhờ lăn lộn từ thực tiễn và đi sâu, đi sát bà con nông dân, nên cuộc “cách mạng” về xây dựng NTM xã đã hình thành đội ngũ cán bộ là những người biết “cầm tay chỉ việc”. Trong lộ trình đi tới đích, không phải tiêu chí nào cũng dễ dàng để “áp” dân được. Cán bộ xã Khánh Lộc luôn tâm niệm: “Không biết phải hỏi, không giỏi phải học” như cha ông ta đã khuyên: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Ngay từ lúc tuyên truyền bà con trong xã “chung sức xây dựng NTM”, Khánh Lộc đã tổ chức một đoàn cán bộ xã gồm các thành viên hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh ra tận huyện Kiến Xương (Thái Bình) để học tập. Đến quê lúa Kiến Xương, được xem tận mắt, được nghe tận tai và cái “cẩm nang” những mẫu hình NTM ở đây được mọi người lĩnh hội đó là thái độ nghiêm túc trong thực hiện chủ trương, trên dưới một lòng đoàn kết; đó là sự dân chủ khi hành động phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đó là sự khôn khéo trong công tác ngoại giao, tranh thủ sức mạnh của cộng đồng.

Một cán bộ phụ trách nông nghiệp xã tâm sự: “Nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM, Khánh Lộc đã thực sự “thay da, đổi thịt” về nhiều mặt. Không chỉ có hoàn thiện tốt về kết cấu cơ sở hạ tầng, làm nhà hội quán ở các thôn mà xã đã chỉ đạo quyết liệt đưa giống mới vào đồng ruộng. Năm 2013, xã tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu chất lượng cao, với diện tích 164 ha. Vụ xuân 2014, thực hiện sản xuất lúa giống trên 2 cánh đồng mẫu ở thôn Vân Cửu và Kiều Mộc, với tổng diện tích 8 ha giống lúa hoa khôi 4”.

Anh cán bộ xã bộc bạch thêm: “Khi bắt tay xây dựng NTM ở Khánh Lộc, không ít người tỏ ra lúng túng nhưng sau một thời gian huấn luyện, họ đã nhập cuộc được. Xã đã tổ chức các lớp học nghề: chăn nuôi, thú y, trồng nấm, sản xuất lúa hữu cơ, thu hút 350 người tham dự. Rồi tập huấn cho dân cách sử dụng men vi sinh, hầm biogas trong chăn nuôi. Những lớp học tuy ngắn ngày nhưng hiệu quả rất thiết thực, kiến thức được người dân áp dụng ngay vào đời sống hàng ngày. Khi nhân dân đồng hành chính là đòn bẩy kích thích cán bộ gần dân hơn”.

“Cách mạng” giao thông và môi trường

Về Khánh Lộc, từ đường liên thôn đến liên xã, đâu đâu cũng thấy đường được bê tông hóa phẳng phiu, men theo đồng lúa, vòng qua những hàng cây dài đan kín những lộc xanh. Nét quê vẫn thanh bình, dân dã giống như bao miền quê khác: con trâu đủng đỉnh qua đường, con gà cũng táo tác trong vườn. Tôi dừng lại khá lâu trên một cung đường có treo biển đoàn thanh niên tham gia tự quản, tuy chưa gặp cán bộ đoàn xã để biết ngọn ngành nhưng tôi hiểu ý thức xây dựng đường giao thông và bảo vệ môi trường đã gieo vào tuổi trẻ một nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày.

Về vùng “đồng xanh, đường đẹp, xóm vui”
Các phong trào, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trên địa bàn xã luôn diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trong buổi chiều làm việc tại trụ sở, ông Nguyễn Thế Ước - Phó Chủ tịch HĐND xã kể say sưa cho tôi nghe chuyện Khánh Lộc cán đích 19 tiêu chí về xây dựng NTM trong năm 2014. Điều ông Ước tâm đắc nhất: một tiêu chí gặp không ít khó khăn và trở ngại nhưng địa phương đã “làm ngon” là tiêu chí môi trường.

Ông Ước chỉ về phía trước cổng trụ sở ủy ban bảo: “Nhà máy nước sạch của Khánh Lộc được đầu tư xây dựng gần 9 tỷ đồng. Tuy chỉ mới hoạt động được một vài năm nhưng đã giúp hàng trăm hộ dân có nước sạch, thoát khỏi cảnh dùng chum, vại hứng nước mưa dự trữ”. Xây dựng được nhà máy nước, dĩ nhiên, Khánh Lộc thành lập ngay HTX vệ sinh môi trường. 11 người trong bộ máy HTX, mỗi người mỗi việc: người vận hành máy để điều hành nguồn nước cung cấp tới các hộ, người lặng thầm thu gom rác về tập trung tại đồng Nhà Tai. Tại bãi tập kết này, họ lặng lẽ nhặt nhạnh, lặng lẽ chất từng khối rác lên xe. Rồi kiên nhẫn dùng cuốc, dùng cào phân định từng loại: thứ nào đào hố đem chôn, thứ nào đốt, thứ nào tái chế để làm phân bón.

Tôi hỏi ông Ước: - Thế xã Khánh Lộc đã có xe ô tô chở rác chưa? Ông Ước cho biết: - Có rồi anh ạ, ngoài ô tô tải rác, bộ phận dịch vụ còn đóng thêm 5 chiếc xe cải tiến để thu gom rác ở các thôn.

Ông Ước vừa dứt lời thì một chiếc xe chở rác nổ máy băng qua ngã tư đường trục chính hướng thẳng về phía đồng Nhà Tai. Tôi nhìn rõ từ trong buồng lái, cậu lái xe còn trẻ, người nhễ nhại mồ hôi, nhưng vẫn cười tươi trong chiều nắng đượm.

Tháng 7/2014
Phan Thế Cải
Nguồn baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập249
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại218,763
  • Tổng lượt truy cập90,282,156
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây