Học tập đạo đức HCM

Vụ muối 2013: Được giá bởi… mất mùa?

Thứ hai - 02/09/2013 22:22
Năng suất, sản phẩm giảm sút và sự chuyển biến về giá, vụ muối năm nay đang được coi là hiệu ứng của vòng luẩn quẩn: “được mùa – rớt giá, được giá - mất mùa”! Không chỉ với diêm dân, mà doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến muối cũng đang phải lao đao vật lộn và cầm cự trước những khó khăn chồng chất.

Diêm dân thất thu

Thời tiết phập phù và những đợt mưa liên tiếp trong những tháng hè đã làm những cánh đồng muối trên toàn tỉnh vắng bóng diêm dân. Trên cánh đồng mênh mông, ngổn ngang những ô nề ở xã Thạch Bàn (Thạch Hà) những ngày cuối tháng 8 chỉ lác đác vài bóng người tranh thủ chút nắng yếu ớt, cặm cụi săn se những mẻ nước còn sót lại trong chạt lọc… Một vụ sản xuất muối nhiều khó khăn đã sớm khép lại mang theo không ít nỗi lo toan đến với bà con diêm dân cũng như lãnh đạo địa phương.

Vụ muối 2013: Được giá bởi… mất mùa!
Diêm dân xã Kỳ Hà tận dụng những ngày nắng để tăng sản lượng.

Ông Nguyễn Thành Lê - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bàn bộc bạch: “Làm ra được hạt muối cực nhọc trăm đường, nhưng chưa bao giờ diêm dân chúng tôi có được nụ cười mãn nguyện mỗi khi được mùa, bởi lẽ như một quy luật đã định sẵn: được mùa muối luôn đồng nghĩa với việc mất giá và mất mùa thì giá lại… được”.

Vụ sản xuất 2013, được coi là thất bại lớn nhất từ trước đến nay. Theo bà con diêm dân ở đây, trung bình mỗi vụ sản xuất muối thường có 100 - 120 ngày nắng, nhưng vụ muối năm nay đang khép lại với tròm trèm khoảng 40 - 50 ngày nắng. Toàn xã Thạch Bàn có trên 70 ha đất làm muối nhưng hàng năm chỉ sản xuất được trên 30 ha. Những năm trước, bình quân mỗi vụ thu được khoảng 3.000 tấn, nhưng năm nay chỉ đạt xấp xỉ 1.400 tấn.

Là địa phương có truyền thống sản xuất muối nhưng những năm qua, do không sống được với muối, phần lớn diêm dân xã Hộ Độ (Lộc Hà) phải quay lưng với nghề truyền thống, bươn chải đi làm ăn xa. Những năm gần đây, lực lượng sản xuất muối của xã chủ yếu là những lao động nữ, người già yếu không đủ sức để ra đồng. Nghề muối vốn dĩ đã long đong, vụ sản xuất nhiều ngày mưa này lại càng sa sút thê thảm. Sản lượng muối cả năm của địa phương vốn nổi tiếng trong “làng muối” của tỉnh chỉ chưa đầy 500 tấn.

Ông Phan Đình Hinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Về lâu dài, địa phương vẫn có chủ trương ổn định và khôi phục nghề muối truyền thống gắn với thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM với một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích diêm dân. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng sản xuất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống kênh dẫn nước tạm bợ, ô nhiễm, trong khi đó kinh phí của xã không cho phép để đầu tư nâng cấp, vì vậy, không đủ để khuyến khích diêm dân yên tâm bám trụ với nghề. Để đạt được mục tiêu khôi phục nghề muối, địa phương đang trông chờ vào một chính sách tầm vĩ mô từ phía Nhà nước”.

Đối với vựa muối xã Kỳ Hà (Kỳ Anh), nhờ được đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng đồng muối nên trong khó khăn chung, diêm dân ở đây vẫn cố gắng tranh thủ tối đa lượng nắng trong năm để sản xuất. Những ngày cuối vụ, giá muối lên cao, bà con tập trung tận dụng từng giờ nắng để sản xuất, nhờ đó, dự kiến sản lượng muối của xã sẽ về đích xấp xỉ 90% kế hoạch; đạt gần 10 ngàn tấn sản phẩm ở vụ muối 2013.

Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu

Không chỉ diêm dân gặp khó khăn, khi sản phẩm muối ít, DN sản xuất muối cũng phải lao đao để cầm cự. Năm nay, Công ty CP Muối và Thương mại Hà Tĩnh chỉ thu mua được 30% lượng muối trên địa bàn tỉnh so với mọi năm. Theo ông Lê Minh Thành - Giám đốc Công ty thì năm nay, lượng muối sản xuất ra trên địa bàn đã ít, phần lớn người dân lại muốn lưu kho, ghìm hàng để chờ giá lên, vì vậy, việc thu mua sản phẩm của bà con diêm dân trong tỉnh là hết sức hạn chế. Để đảm bảo nhịp độ sản xuất, chế biến, Công ty phải tăng cao mức nhập hàng nguyên liệu từ các tỉnh bạn.

“Trong khi phần lớn diêm dân tích trữ muối để chờ giá thì một số hộ lại có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để trang trải cuộc sống nhưng do việc tiêu thụ nhỏ lẻ, DN không thể tiếp cận được, theo đó vừa không mua được sản phẩm tại chỗ, lại vừa mang tiếng là không hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân” - ông Thành cho biết thêm.

Vụ muối 2013: Được giá bởi… mất mùa!
Diêm dân tỉnh ta vẫn chưa thực sự sống được với nghề muối

Một khó khăn không nhỏ của Công ty, đó là hàng năm vào đầu vụ, khi giá muối nguyên liệu chỉ trên dưới 1.400 đồng/kg, đơn vị ký hợp đồng bán sản phẩm sau chế biến cho các bạn hàng với giá thỏa thuận dựa trên sự chênh lệch mức giá thu mua nguyên liệu. Nhưng đến cuối vụ, giá muối nguyên liệu tăng vọt lên 2.100 - 2.200 đồng/kg, thì Công ty vẫn phải giữ giá các loại sản phẩm sau chế biến đối với các bạn hàng lớn cũng như giữ mức giá bán lẻ trên thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, việc thiếu nguyên liệu và giá đầu vào sản phẩm cao thực sự là thách thức đối với DN trong mùa sản xuất năm nay.

Là địa phương có tiềm năng sản xuất muối dồi dào nhưng trong nhiều năm qua, diêm dân tỉnh ta vẫn chưa thực sự sống được với nghề muối; còn DN cũng chưa có nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định và đảm bảo để mở rộng SXKD và giảm giá thành sản phẩm. Nguyên nhân cơ bản của nghịch lý này, bên cạnh điều kiện thời tiết không thuận lợi, thì còn thiếu đi một quy hoạch tổng thể từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một hệ thống chính sách xứng đáng và một cơ chế phân phối sản phẩm phù hợp.

VŨ DŨNG
theo baohatinh

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập257
  • Hôm nay40,334
  • Tháng hiện tại815,612
  • Tổng lượt truy cập91,989,341
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây