Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên từ ngày 6/10/2020 đến nay, tại các khu vực miền Trung liên tiếp có mưa to đến rất to. Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, khả năng phổ biến ở mức 300 - 500mm, có nơi trên 500mm; nguy cơ ngập lũ lưu vực trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La, xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng vùng trũng.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT do ông Vũ Xuân Thành - Phó Chánh văn phòng thường trực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại xã Phương Điền, huyện Hương Khê. Ảnh Văn Đức
Để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đồng chí trưởng đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tại địa phương, cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Kịp thời quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ- TTg, ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung; Công điện số 20/CĐ-UBND, ngày 07/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ứng phó với tình hình mưa lũ lớn trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống mưa lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chuẩn bị đầy đủ và chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho người, tài sản của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân.
2. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, động viên bà con nông dân, huy động lực lượng thu hoạch các loại cây ăn quả, các loại rau màu, thủy sản, hải sản đã đến kỳ thu hoạch; có phương án đảm bảo an toàn các cơ sở nuôi trồng thủy sản, hải sản, nhất là ở các vùng ven biển và hạ du các cống tiêu thoát lũ lớn.
3. Tuyên truyền, hướng dẫn cho Nhân dân chủ động di dời tài sản, gia súc, gia cầm tránh ngập; chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Rà soát các vùng dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng thấp trũng để kịp thời thông báo, hướng dẫn Nhân dân chủ động ứng phó; chủ động lực lượng sẵn sàng di dời các hộ dân tại những khu vực nguy hiểm; thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân đi lại trong khi có mưa lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông; không để người dân vớt củi, đánh cá ở khu vực nguy hiểm... nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Địa phương để xảy ra tắc trách, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Mưa lớn gây ngập cục bộ ở Hương Khê. Ảnh: Đức Quyền
4. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo:
Ngành NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, triển khai ngay các biện pháp gia cố, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức vận hành an toàn công trình các hồ đập theo quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước; đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập.
Ngành Công thương phối hợp chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, kịp thời cập nhật thông tin vận hành hồ chứa về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đề xuất phương án vận hành khi xảy ra lũ lớn. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống điện; chỉ đạo đảm bảo cung ứng nguồn hàng hóa trong trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp.
5 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở GTVT chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị và Quân khu 4 sẵn sàng ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với Tỉnh đoàn tham gia giúp Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
6 Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin về tình hình, diễn biến mưa lũ để các địa phương, các ngành và Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp và báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo, xử lý.
7 Các đồng chí trưởng đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các thành viên thường xuyên bám nắm địa bàn, đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung trên; đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh trật tự; chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo P.V/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã