Rác thải chất đống và được đốt bốc khói mù mịt ngay bên cạnh trục đường chính đi vào thôn Nam Phú (xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh). Ảnh chụp chiều ngày 12/5/2020
Rác thải sinh hoạt – vấn đề không của riêng ai
Theo số liệu thống kê từ các địa phương về chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) trong 2 năm gần đây cho thấy: năm 2018, tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh là 239.185 tấn (tương đương 655 tấn/ngày); năm 2019, lượng rác phát sinh khoảng 245.572 tấn (tương đương 673 tấn/ngày). Trong khi đó, lượng rác này mới được thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 68 - 72%.
Rác thải phát sinh ngày càng lớn trong khi công tác thu gom, xử lý chưa đáp ứng đã gây nhiều hệ lụy về môi trường, thậm chí gây mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Đặc biệt là ở một số thị trấn, thị tứ mỗi năm có ít nhất 1-2 đợt rác thải dồn ứ, chất đống, “bao vây” khu đô thị gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan trầm trọng nhưng không thể đem đi xử lý.
Một bãi tập kết rác thải "lộ thiên" ngay cạnh khu dân cư phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh). Ảnh chụp chiều ngày 12/5/2020
Đã có không ít vụ việc “nổi cộm” xuất phát từ rác thải, phương án xử lý rác thải, dẫn đến xô xát giữa người dân và đơn vị dịch vụ môi trường như ở xã Xuân Thành (Nghi Xuân), xã Hòa Lạc (Đức Thọ), thị trấn Hương Khê (Hương Khê), xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh)…
Trong một hội nghị xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực du lịch năm 2019, có doanh nghiệp tư khi tìm hiểu về biển Xuân Thành đã bày tỏ quan ngại vì địa phương này chưa có nhà máy xử lý rác thải thực sự đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư lâu dài của họ.
Giải bài toán thu gom, xử lý rác
Khu thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt Loshio tại xã Cương Gián (Nghi Xuân) do HTX Tân Phát làm chủ đầu tư bước đầu giải bài toán môi trường cho một số xã vùng biển ngang Nghi Xuân.
“Thu gom, xử lý rác thải là vấn đề cấp bách, đặc biệt là trong điều kiện các địa phương đang phấn đấu hoàn thành xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và tỉnh NTM vào năm 2025. Muốn đạt các mục tiêu đó, một trong những nội dung quan trọng là giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt. “Bài toán” này đang được Sở TN&MT cụ thể hóa bằng Đề án vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” – Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành cho biết.
Rác thải phát sinh với tốc độ nhanh, khối lượng lớn, nên những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung công tác tuyên truyền phân loại, xử lý rác tại nguồn. Nhờ đó, lượng rác thải phải đem đi xử lý đã được “giảm tải”, chuyển sang phân loại cho tái chế, chế biến phân hữu cơ. Với cách làm như vậy, dự báo đến năm 2022, lượng rác sau phân loại được thu gom, xử lý khoảng 609 tấn/ngày, đến năm 2025 khoảng 683 tấn/ngày và đến năm 2030 khoảng 828 tấn/ngày.
Nhà máy xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp Phú Hà, tại xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) có tổng công suất xử lý 1.560 tấn rác thải/ngày đêm, góp phần xử lý môi trường cho huyện và TX Kỳ Anh.
Để xử lý lượng rác thải này, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đầu tư các khu xử lý tập trung theo công nghệ hiện đại và quy mô xử lý liên huyện. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp (2020 - 2022), khi các khu xử lý tập trung đang trong giai đoạn xây dựng, chưa đi vào hoạt động thì tiếp tục duy trì các khu xử lý hiện có trên địa bàn và chỉ đạo xử lý rác thải ở các địa phương theo hướng phát huy được công suất tối đa của các cơ sở xử lý hiện có.
Theo dự thảo đề án, có 3 phương án xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại, công suất 600 - 700 tấn/ngày tại 3 địa điểm: xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), xã Hồng Lộc (Lộc Hà) và phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh). Việc lựa chọn xây dựng 1 nhà máy tập trung hay chia đều ra 3 vùng, nếu xây dựng 1 nhà máy tập trung thì nên chọn ở địa điểm nào đang được các ngành chức năng tiếp tục phân tích, lựa chọn.
Lò xử lý rác thải sinh hoạt ở thôn Phượng Thành, xã Hòa Lạc (Đức Thọ) bị người dân địa phương phản đối vì chưa đảm bảo khoảng cách với khu dân cư. Ảnh chụp chiều 12/5/2020
Tuy nhiên, dù đặt ở đâu, là 1 hay nhiều nhà máy thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo về yếu tố công nghệ, đặc biệt là không ảnh hưởng đến người dân xung quanh nhà máy. Vì vậy, cần có tư duy chiến lược, vừa trước mắt vừa lâu dài, gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.
Một yếu tố quan trọng để rác thải được xử lý “đúng chỗ”, đó là việc kiện toàn tổ chức, duy trì và phát triển mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Một yếu tố quan trọng để rác thải được xử lý “đúng chỗ”, đó là việc kiện toàn tổ chức, duy trì và phát triển mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các khu dân cư. Đầu tư bổ sung phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải phù hợp cho các tổ đội vệ sinh môi trường, HTX môi trường đảm bảo việc thu gom, vận chuyển rác thải. Phương tiện thu gom, vận chuyển phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đồng bộ với trang thiết bị thu gom và với hệ thống xử lý ở các khu xử lý tập trung.
Theo Bá Tân/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã