Học tập đạo đức HCM

Lúa Hè Thu được mùa, được giá, nông dân phấn khởi

Chủ nhật - 17/09/2023 23:55
Vụ lúa Hè Thu 2023 được đánh giá được mùa, niềm vui đó trọn vẹn hơn khi giá lúa năm nay tăng cao hơn so với trước. Bà con nông dân Hà Tĩnh hết sức phấn khởi
h4thu hoach lua

Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu (đạt 98,2%), và được xem là “về đích” an toàn trước thời điểm bất lợi nhất của thời tiết. Năng suất vụ lúa này ở Hà Tĩnh đạt trên 50,28 tạ/ha, tương đương vụ hè thu năm 2022. Điều đáng nói, năm nay giá lúa thu mua của thương lái cao hơn vụ Hè Thu trước tới 20%, đã giúp nông dân phấn khởi tập trung thu hoạch nhanh gọn, quyết tâm giành thắng lợi trọn vẹn.
h1 lanh dao tinh kiem tra lua he thu 2023 tai huyen thach ha
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác kiểm tra tình hình thu hoạch lúa tại huyện Thạch Hà
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, có nhiều yếu tố giúp vụ hè thu năm nay tiếp tục giữ vững về năng suất. Mặc dù năm  2023, là năm nắng nóng kỷ lục, nguy cơ hạn hán, thiếu nước được cảnh báo từ đầu vụ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời cùng nhiều giải pháp linh hoạt, các địa phương đã làm tốt công tác điều tiết nước hợp lý, giúp cây lúa đảm bảo sinh trưởng phát triển thuận lợi. Cùng với đó, các địa phương đã tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống; chủ động trong công tác phòng chống sâu bệnh. Đồng thời, tập trung mở rộng hình thức sản xuất theo mô hình phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã tạo sự đồng đều, tập trung cao cho đồng ruộng.
Dẫn đầu năng suất vẫn là huyện Cẩm Xuyên với mức đạt 54,34 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân chung toàn tỉnh 4,14 tạ/ha. Ở một số vùng lúa trọng điểm như: Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Duệ… năng suất còn đạt 55 - 57 tạ/ha.
Ông Trần Hữu Duyên ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Vụ Hè Thu này, gia đình tôi làm 1 mẫu lúa bằng giống Khang Dân 18 và nếp 98. Do tuân thủ đúng lịch thời vụ và quy trình chăm sóc nên năng suất đạt 2,8-3 tạ/sào, gia đình thu về gần 6 tấn lúa. Với vụ Hè Thu, năng suất đạt như vậy coi như đã thắng lợi rồi.”.
h2nong dan phan khoi duoc mua
                   Nông dân Cẩm Xuyên phấn khởi trước vụ lúa được mùa, được giá
Ngoài yếu tố thời tiết, việc cơ cấu  giống lúa cũng là yếu tố tạo nên sự thắng lợi trên các cánh đồng huyện Cẩm Xuyên. Bên cạnh cơ cấu các giống chủ lực, đối với từng vùng, huyện đã chỉ đạo cơ cấu các giống lúa phù hợp. Với vùng đồng bằng, có điều kiện thâm canh thì sử dụng các loại giống có triển vọng như: VNR10, ADI 168, BQ; vùng trà sơn ven đồi, các vùng chủ động nước tưới, có điều kiện thâm canh bố trí các giống như: HD11, ĐB6; vùng ven biển, cơ cấu các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn bố trí các giống như: TH3-3, HN6.
Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Vụ hè thu năm 2023, Cẩm Xuyên gieo cấy trên 9.082 ha lúa, là địa phương có diện tích gieo cấy lúa hè thu lớn nhất tỉnh. Các địa phương đã hình thành được những cánh đồng mẫu lớn tạo thuận lợi khi áp dụng cơ giới hóa, đồng nhất một loại giống nhằm tăng giá trị hàng hóa và thay đổi tập quán sản xuất của bà con. Đồng thời, huyện cũng đã áp dụng triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vừa tạo sản phẩm an toàn, tăng giá trị lúa gạo trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường sinh thái đồng rộng".
Ngoài Cẩm Xuyên, một số địa phương cũng đạt mức năng suất vụ lúa hè thu nằm trong “top” 4 địa phương cao của tỉnh như Can Lộc bình quân khoảng 53,38 tạ/ha, huyện Kỳ Anh đạt 52,41 tạ/ha, Thạch Hà 52 tạ/ha, Nghi Xuân 50,1 tạ/ha. Những địa phương không có nhiều lợi thế sản xuất vụ hè thu như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Lộc Hà, năng suất bình quân ở vào khoảng 35 - 47 tạ/ha. Dù sự chênh lệch khá lớn với những huyện trọng điểm sản xuất lúa, song với sự quyết liệt chỉ đạo triển khai đúng thời vụ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời  đã giúp những địa phương này bảo toàn được năng suất cho bà con nông dân.
Đối với Hà Tĩnh, sản xuất lúa gạo thực hiện 2 nhiệm vụ chính: an ninh lương thực và hàng hóa. Trong đó, vụ xuân thường số lượng gạo tích trữ, dự phòng an ninh lương thực, còn vụ hè thu lâu nay bà con nông dân vẫn “ngầm” mặc định là mùa làm hàng hóa. Các loại giống sản xuất chủ yếu là: KD18, XM12, Nếp 98, DT39…Vì thế, khi vụ  hè thu 2023, lúa được các thương lái mua tại chân ruộng với giá cao hơn so với nhiều năm gần đây đã mang đến cho bà con nông dân một vụ mùa thắng lợi trọn vẹn hơn.
h3 thu mua lua 1 1
                           Hoạt động thu mua lúa ở xã Khánh Vĩnh Yên khá nhộn nhịp
Vụ Hè Thu này, gia đình ông Phan Đăng Hải (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) gieo cấy gần 1 mẫu ruộng. Thu hoạch xong, toàn bộ lúa của gia đình được thương lái đến thu mua ngay tại chân ruộng với giá cao nên ông rất phấn khởi.
Ông Hải chia sẻ: “Vụ hè thu, gia đình tôi chủ yếu sản xuất giống Khang Dân 18. Lúa đẹp, hạt mẩy nên năng suất cao, đạt hơn 3 tạ/sào. Tôi thu hoạch xong là có thương lái hỏi mua 2,5 tấn lúa tươi tại chân ruộng luôn. Giá lúa Khang Dân 18 đang bán với giá 6.300 đồng/kg, khá cao so với nhiều năm trước"..
Tại huyện Can Lộc, các xã trọng điểm sản xuất lúa như: Thanh Lộc, Xuân Lộc, Quang Lộc, Khánh Vĩnh Yên...., nhờ chấp hành đúng lịch thời vụ và cơ cấu các giống chủ lực tại địa phương như: Khang Dân đột biến, Nếp 98, Nếp 87...nên nông dân đã thu hoạch xong sớm và được giá nên bà con cũng bán lúa tươi ngay tại ruộng thay vì đem về nhà trau phơi.
Ông Nguyễn Văn Tý (xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Hoạt động thu mua lúa năm nay tấp nập hơn hẳn so với vụ hè 2022. Riêng cánh đồng của thôn chúng tôi, mỗi ngày, có hơn 4 thương lái cùng với xe tải vào tận ruộng gom hàng. Tôi thu hoạch xong 7 sào Nếp 98, sản lượng được gần 2,1 tấn đều bán hết với giá 5.800 - 6.000 đồng/kg. Đáng mừng hơn là chúng tôi không phải tìm người để bán, thu hoạch xong là có người hỏi mua liền. Tính ra, ngay sau thu hoạch, tôi thu về gần 12 triệu đồng”.
Việc thu mua lúa vụ hè thu này diễn ra khá thuận lợi. Không chỉ các thương lái trong tỉnh, nhiều chuyến xe ngoại tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An cũng vào ra liên tục để thu mua, cung ứng cho thị trường miền Bắc. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp và thương lái, giá lúa vụ hè thu này ở mức tương đối tốt, đồng đều ở các giống. Tuỳ theo từng giống lúa và chất lượng, lúa khô vụ này được thu mua ở mức 7.000-8.000 đồng/kg, lúa tươi 5.800 - 6.300 đồng/kg. Mức giá này cao hơn trước nên bà con hết sức phấn khởi.
Vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh gieo cấy hơn 44.500 ha lúa. Thực hiện Nghị quyết 06 -NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, tạo nên các vùng sản xuất quy mô lớn. Ngoài việc cải tạo đồng ruộng thì tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa đang ngày càng rõ nét trên cánh đồng. Cùng với đó, nhiều địa phương đã chú trọng đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tăng giá trị lúa gạo, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Chính những yếu tố đó đã góp phần tạo nên một vụ mùa thắng lợi trọn vẹn. Đây sẽ là động lực để bà con tích cực đầu tư sản xuất nông nghiệp trong những mùa vụ tiếp theo./.
                                                                                                     Nguyễn Hoàn
Trung Tâm khuyến nông Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập450
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm449
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại221,180
  • Tổng lượt truy cập90,284,573
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây