Học tập đạo đức HCM

Bài học nông thôn mới

Chủ nhật - 03/12/2017 22:27
Gần đây, câu chuyện nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới lại một lần nữa khiến dư luận băn khoăn. Đầu tư xây dựng nông thôn nhằm phát triển khu vực này, rút ngắn khoảng cách nông thôn-thành thị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; trong đó có việc xây dựng nông thôn mới.

Nhưng, cùng với kết quả đạt được thì cũng cho thấy nhiều bất cập, trong đó có những món nợ “khủng” khó có nguồn trả.

Sau 3 năm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã Nguyệt Đức (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) mới xây dựng được cổng Trung tâm văn hóa xã do thiếu kinh phí (Nguồn: Chuyên trang xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc).

Đầu tháng 10 năm trước, trong một phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, con số nợ đọng xây dựng NTM là hơn 15.000 tỷ đồng.

Bộ này cũng không quên điểm mặt một vài tỉnh nợ đọng lớn, như Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng...

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt vấn đề, cả nước nợ hơn 15.000 tỷ đồng. Hơn 3.600 xã có nợ, trong đó 147 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì phải xử lý thế nào?

“Nếu kiến nghị ngân sách nhà nước có nguồn trái phiếu hay nguồn cho đầu tư công lại ưu tiên giải quyết trả nợ thì sẽ bất công với những xã khác. Nếu thế thì sẽ thành phong trào cứ vay nợ để đầu tư rồi sẽ được ưu tiên giải quyết nợ”- Chủ tịch Quốc hội nói. 

Đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM là cần thiết, nhưng cốt lõi của NTM không phải nằm ở chỗ các tiêu chí (19 tiêu chí), mà sâu hơn phải là tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Nếu được công nhận NTM mà huy động quá sức dân, để dân ta thán, xã nợ mà dân cũng nợ chỉ vì NTM thì cũng không ích gì.

Có nơi, để cố gắng phấn đấu cho được danh hiệu NTM, và rồi sau khi nhận bằng thì lại tìm nguồn tiền trả nợ nên đã “bổ đầu người” theo kiểu bình quân, huy động từ đứa trẻ mới sinh, người tàn tật, người cô đơn… cũng phải “nộp”, đó là những chuyện rất không nên.

Như vậy, trong việc xây dựng NTM tồn tại cả việc vay nợ và trả nợ. Vay (hay là nợ trước với doanh nghiệp xây dựng một số hạng mục công trình) để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM. Còn trả, tức là ai trả? Lấy nguồn kinh phí đâu để trả? Hay lại “huy động sức dân”? 

Nói như ông Vũ Hồng Thanh- chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì “rất băn khoăn làm sao giải quyết được khoản nợ hơn 15.000 tỷ đồng”.

Đáng chú ý, tại Báo cáo giám sát có đề nghị từ thời điểm đó đến 2017 phải giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, với trên 40% số xã nợ xây dựng cơ bản, bình quân mỗi xã nợ 4,2 tỷ, có những xã nợ 30-40 tỷ đồng.

Cho đến tháng 9 năm nay, cả nước đã có 2.813 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 31,5%  (hết năm 2016 là 24%). Điều đó tốt nhưng vẫn còn đó canh cánh nỗi lo trả nợ.

Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu năm 2018 là cả nước có ít nhất 37% số xã (khoảng 3.302 xã) đạt chuẩn NTM, tăng khoảng 6% so với năm 2017.

Cùng đó là có ít nhất 48 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017.

Nhưng, cho tới nay, nhiều địa phương xử lý nợ xây dựng NTM rất chậm. Tính đến nay vẫn còn gần 9.000 tỷ đồng nợ, cả nước chỉ có 18 tỉnh không có nợ.

Thời điểm đầu năm, một số tỉnh có tổng mức nợ lớn trong xây dựng NTM là Thái Bình 1.204 tỷ đồng, Hải Dương 776 tỷ đồng, Hà Nam 598,7 tỷ đồng…

Một vấn đề nữa cũng rất đáng chú ý là việc nhiều xã “rớt chuẩn” NTM nếu tính theo bộ tiêu chí mới (giai đoạn 2016-2020), trong khi vẫn nợ đầm đìa.

Thực tế đó diễn ra ở nhiều nơi, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khá rõ. Như xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Long An đón nhận danh hiệu NTM (năm 2014) nhưng tới nay áp vào bộ tiêu chí mới thì chỉ có 12/19 tiêu chí đạt chuẩn.

Còn nhìn chung ở tỉnh này, qua rà soát của Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM, 6 tháng đầu năm hầu hết các xã đạt chuẩn đều giảm về tiêu chí.

Toàn tỉnh có 57 xã được công nhận xã NTM nhưng nay rà soát lại chỉ còn 2 xã đạt theo tiêu chí mới. Hay như tại An Giang, trong tổng số 21 xã NTM thì theo  bộ tiêu chí mới chỉ có 5 xã là đạt, còn lại 16 xã “rớt”.

Tiêu chí được nâng lên là cần thiết để đích đến thực chất hơn. Nhưng cũng từ đó cho thấy phong trào xây dựng NTM trước đây ở nhiều nơi khá hình thức.

Căn bệnh thành tích là nguyên nhân cơ bản dẫn đến điều này. Có thể nêu ra nhiều dẫn chứng về điều đó, nhưng chỉ cần nhìn vào việc để đạt tỉ lệ 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế, có xã đã vay tiền để mua bảo hiểm y tế cho dân, chỉ là để đạt chỉ tiêu.

Sau khi được công nhận NTM, người dân lại không có bảo hiểm y tế, điều đó thật không ích lợi gì.

Trong làm đường nông thôn, khoảng 20% là vốn đối ứng huy động từ người dân, nhưng đường mới đi vài ba năm đã hư hỏng do chất lượng tồi, trong khi món nợ lại rất lớn.

Cùng với nguồn kinh phí nhà nước, việc xã hội hóa, huy động sức dân xây dựng NTM là đương nhiên. Vì xét cho cùng đối tượng thụ hưởng cũng chính là người dân.

Nhưng vì bệnh thành tích, huy động quá sức dân, nợ nần chồng chất nên ở nhiều nơi xây dựng NTM đã thành gánh nặng, việc huy động đóng góp của người dân trở nên khó khăn.

Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ngày 30/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh các địa phương không được yêu cầu dân đóng góp quá sức, nhất là đối với người nghèo.

“NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Phải là nông thôn của một thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có tinh thần doanh nghiệp”- Thủ tướng nêu rõ.

Với tinh thần đó, NTM phải thực chất chứ không chỉ là một danh hiệu. Càng không thể chỉ vì danh hiệu đó mà để lại những món nợ chồng chất, làm khổ người dân, khiến người ta “sợ” NTM.

Chủ trương xây dựng NTM vẫn tiếp tục triển khai, vì thế những tồn tại của giai đoạn trước phải được nhìn nhận rõ ràng, phải được rút kinh nghiệm một cách sâu sắc.

Trong đó cần phải kết luận và xử lý trách nhiệm những địa phương nợ đọng số tiền lớn khi chạy đua danh hiệu NTM.

Nam Việt/daidoanket.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập541
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại840,037
  • Tổng lượt truy cập92,013,766
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây