Học tập đạo đức HCM

Cam Khe Mây - đặc sản chưa được mang thương hiệu

Thứ năm - 08/03/2012 23:41
Quả đúng như tên gọi của mình, Khe Mây - vùng đất được khai phá chưa lâu tọa lạc chót vót chạm mây trời bên cạnh những địa danh nghe rợn người như Khe Hầu, Vực Rông, Động Dài… ở phía tây xã Hương Đô (Hương Khê). Bù lại, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này một phẩm vật ít nơi sánh được, đó là đặc sản cam bù mang tên Khe Mây.
 

Chân dung ông tổ cam Khe Mây

Thoạt nhìn, ít ai có thể hình dung được người đối diện mình là một “chúa đất” nắm trong tay dăm chục ha đất rừng, trong đó có hơn chục ha cam đặc sản. Dáng người to đậm; nói năng nhỏ nhẹ với nụ cười hiền từ; duy có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát…, trông ông Đinh Văn Oánh có vẻ như một lão nông tri điền hơn là một tỷ phú trang trại với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Cam Khe Mây - đặc sản chưa được mang thương hiệu

Ông Oánh bên gốc cam 2 năm tuổi của mình

Năm 1992, chính là cột mốc thời gian cho sự khai sinh vùng đất “vàng” Khe Mây vốn bao đời ngủ vùi nơi được coi là thâm sơn cùng cốc này. Và cũng từ đây, cái tên ông Oánh cũng được biết đến cùng với hương vị đậm đà của đặc sản cam Khe Mây không lẫn được với bất cứ loại sản phẩm nào khác.

Bên ấm nước chè xanh thoang thoảng hương rừng, được nếm những múi cam ngọt đậm đà từ bàn tay chai sạn nhưng ấm nồng tình mến khách của gia chủ, chúng tôi như quên hết những phút bươn bả, trầy trật với mấy cây số đường rừng trong mưa phùn, rét buốt. Khi chủ và khách đã đạt đến độ tâm giao, ông chủ say sưa trút hết những tâm sự cuộc đời mình, kể cả sẻ chia những “bí quyết” làm nên cái tên cam Khe Mây nổi tiếng…

Trong nét cười đôn hậu, ông nói đùa như phân bua: “Các anh chị là may nhất. Đây là lần đầu tiên mình phá lệ, bộc bạch hết cả chuyện riêng tư với người lạ. Nhớ đừng đưa hết thông tin lên báo, chứ không là mình bị cạnh tranh đến thất nghiệp đấy!”. Nói vui là vậy, chứ qua những người dân trong vùng, chúng tôi được biết, chính ông Oánh là người tiên phong, và cũng là người vẽ đường chỉ lối, cầm tay chỉ việc cho các gia đình tham gia trồng cam khi mới chân ướt chân ráo lên vùng đất này lập nghiệp.

Còn bản thân ông, ngày mới lên đây theo chủ trương lập làng kinh tế mới của xã, chỉ mấy túp lều liêu xiêu giữa bốn bề núi rừng ngút ngát, ông và những người tiên phong khai khẩn vùng đất này cũng phải trải qua những thời khắc tưởng chừng khó có thể vượt qua. Và thực tế, nhiều hộ gia đình đã bỏ cuộc giữa chừng và sớm “hồi hương” khi đầu tư nhiều công sức nhưng không mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, ông Oánh đang âm thầm với kế hoạch làm giàu của mình; vừa chỉ đạo cả gia đình khai phá đất đai, vừa tẩn mẫn nghiên cứu loại giống cây trồng phù hợp. Và rồi, những rừng cam bù mênh mông lần lượt ra đời thế chỗ cho những cánh rừng tạp thâm u.

Ngày đó, rất nhiều người, kể cả một số cán bộ địa phương đã ái ngại với lựa chọn của ông vì cho rằng đất đai ở đây không hợp với cây cam. Nhiều người đã gọi ông Oánh là một gã hâm không hơn không kém.

Có vị lãnh đạo địa phương, cũng vì lo cho ông mà đã cá cược một cách đầy “cảnh báo” rằng, nếu sự nghiệp trồng cam thành công, sẽ đúc luôn cả tượng đồng cho ông! Và chắc chắn, vị này sẽ không thể hình dung được chỉ ít năm sau, khi chưa kịp xây tượng đồng thì, chính ông Oánh đã tự xây cho mình một bức tượng niềm tin trong lòng bà con và khách hàng gần xa bằng mồ hôi, nước mắt và những kiến thức uyên thâm trong phát triển kinh tế vườn của mình.

Tiềm năng đã được đánh thức

Tin vườn cam ông Oánh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng ngay từ vụ đầu tiên, đã lan đi nhanh chóng và làm thay đổi quan điểm của nhiều người dân ở xã Hương Đô.

Sau những ngày tất tả thu hoạch, chỉnh trang, chăm sóc lại vườn cam, ông Oánh không được nghỉ ngơi mà phải liên tục gặp gỡ, tiếp đón và hướng dẫn, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cam cho bà con trong và ngoài xã. Những người từng đã bỏ vùng đất hứa Khe Mây đã lục tục kéo nhau trở lại tiếp tục khai phá đất đai để trồng cam.

Cây cam phát triển mạnh mẽ đã đưa vùng đất Khe Mây hoang vu thuở nào trở thành vùng kinh tế mới trù phú, sinh động, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Đặc biệt, nhiều sinh viên tốt nghệp đại học, đã tự nguyện ở nhà cùng gia đình chăm lo phát triển cây cam.

Cam Khe Mây - đặc sản chưa được mang thương hiệu

Cây cam đã đưa vùng đất Khe Mây hoang vu trở thành vùng kinh tế mới trù phú

Diện tích cam ở Khe Mây không ngừng tăng cao với hàng chục hộ tham gia với quy mô lớn. Ngoài trang trại “khủng” của ông Oánh với gần 50 ha đất, trong đó có 10 ha cam, cho thu nhập gần tỷ đồng/năm, nhiều trang trại khác cũng có vài ha cam trở lên, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như anh Trần Minh Dũng, Đinh Văn Dũng... Cùng với cây cam là chủ lực, nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cũng ra đời đem lại hiệu quả kinh tế lớn trên vùng đất Khe Mây.

Một điều lạ mà cả những người làm vườn và nhiều nhà khoa học từng đến đây vẫn chưa thể giải thích được, với kiểu đất nhìn qua có vẻ không phù hợp để trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây cam bởi tỷ lệ cát pha lớn, hơi bạc màu, cây cối cằn cỗi… nhưng đất Khe Mây đã tạo nên một sản phẩm cam không lẫn với bất cứ nơi nào kể cả hình thức và chất lượng. Quả cam bù Khe Mây to mọng, khi chín hết có màu đỏ tươi và đều, vỏ dòn bở, phía trong phớt hồng, cuống và lá dai… Vị cam ngọt đậm đà đượm chút vị chua, thơm; đặc biệt múi cam to dày và hầu như không có hạt, đây chính là ưu điểm vượt trội nhất của đặc sản cam Khe Mây. Với những đặc trưng đó, cam Khe Mây luôn có một vị trí riêng trên thị trường.

Cần có một thương hiệu

Với những ưu điểm vượt trội của mình, cam Khe Mây đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng gần xa. Tuy nhiên, điều làm nhiều người đến với xứ đặc sản của địa phương không khỏi trăn trở, đó là cam Khe Mây hầu như chỉ mới phát triển một cách tự phát bằng sự say mê và chịu khó của những ông chủ vườn rừng. Điều dễ nhận thấy là, “kho vàng” vô giá này hoàn toàn chưa được sự quan tâm song hành của địa phương khi con đường lên đây còn quá nhiều gập ghềnh khổ ải; khi trong quá trình sản xuất, bà con chưa có sự động viên, định hướng và hỗ trợ phần nào… Và vì vậy, thương hiệu cam Khe Mây sẽ vẫn còn là viễn cảnh nếu thiếu bàn tay hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thiết nghĩ, trong định hướng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới, tỉnh đang xác định các loại sản phẩm chủ lực, cây trồng đặc sản, thì sản phẩm cam Khe Mây xứng đáng được tôn vinh như một bưởi Phúc Trạch, một cam bù Hương Sơn... Theo đó, cần kịp thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời phát triển vùng cam Khe Mây lên một tầm cao mới, để không bỏ công những con người đã dày công khai phá, vun trồng cho vùng đất nơi thâm sơn này luôn đầy hoa thơm, quả ngọt.

TIẾN THÀNH
Đài phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập314
  • Hôm nay69,565
  • Tháng hiện tại728,892
  • Tổng lượt truy cập93,106,556
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây