Làng văn hóa Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam SXNN
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Cam Ranh, cho biết: Mặc dù là đô thị nhưng Cam Ranh vẫn còn 6 xã vùng nông thôn. Trong đó có 3 xã được chọn làm điểm ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng NTM gồm: Cam Thành Nam, Cam Bình, Cam Thịnh Đông.
Để từng bước hoàn thành các tiêu chí, từ đầu năm 2011 đến nay TP. Cam Ranh thông qua nguồn vốn lồng ghép các Chương trình MTQG tập trung đầu tư cho khu vực nông thôn trên địa bàn với nguồn kinh phí gần 679 tỷ đồng, trong đó vốn huy động của người dân là 183 tỷ đồng, chiếm 27,1%.
Đặc biệt, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, trong 3 năm qua đã có 295 tỷ đồng được đầu tư cho sản xuất nông nghiệp (SXNN), nhờ vậy đã có nhiều mô hình SX, các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất và hiệu quả cao được đưa vào SX như: Lúa đạt năng suất bình quân 65 tạ/ha tăng 16,4 tạ so với năm 2010; mía đạt năng suất 52 tấn/ha...
Ngoài ra, người dân còn cải tạo 65% vườn tạp bằng cách trồng các giống xoài có hiệu quả kinh tế cao như xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, Tứ Quý...
Một số xã mạnh dạn chuyển đổi nhiều mô hình SX mới, chuyên nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao như xã Cam Thành Nam có mô hình trồng kiệu, táo với thu nhập 200 triệu/ha hay nuôi tôm hùm bằng lồng, bè nổi tại xã Cam Bình.
Ngoài ra TP. Cam Ranh đã thành lập 20 tổ liên kết SX như: Tổ SX lúa giống và tổ SX rau tại Cam Phước Đông, tổ liên kết SX mía giống và tổ liên kết SX xoài Cam Thành Nam, tổ nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường xã Cam Bình…
Các mô hình, tổ liên kết SX bước đầu mang lại hiệu quả cao, tạo đầu ra ổn định, thông tin cho nhau biết về thị trường tiêu thụ, trao đổi khoa học kỹ thuật mới, kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ vậy, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên và đã xuất hiện nhiều nông dân SX giỏi với thu nhập vài trăm triệu đồng một năm như hộ các anh Nguyễn Văn Thao, Ngô Văn Nhạ, Lê Văn Tuấn, Trần Văn Ân ở xã Cam Thành Nam. Những gương SX giỏi này là động lực để bà con nông dân hăng hái tham gia SX, nâng cao đời sống.
Theo ông Sơn, do đặc thù các xã có diện tích trải dài và rộng, dân cư thưa nên việc đầu tư xây dựng tiêu chí giao thông tốn kém hơn so với các tỉnh miền Bắc. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn luôn chiếm nguồn vốn lớn trong khi ngân sách địa phương có hạn.
Tuy nhiên, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay TP đã đầu tư xây dựng mới hơn 57 km đường bê tông. Trong đó, xã Cam Bình đã hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn; còn các xã khác cơ bản đã hoàn thành bê tông hóa đường liên xã, liên thôn.
Sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay TP.Cam Ranh đã có 2 xã Cam Thành Nam và Cam Bình đạt trên 15 tiêu chí; 2 xã Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông đạt từ 11-14 tiêu chí; 2 xã còn lại là Cam Lập và Cam Thịnh Tây đạt từ 6-9 tiêu chí. |
Sắp tới TP sẽ chỉ đạo toàn diện, tập trung hỗ trợ đầu tư hoàn thành một số nội dung của các tiêu chí giao thông, thủy lợi, chợ, nhà ở dân cư cho 2 xã Cam Thành Nam và Cam Bình, với mục tiêu quyết tâm đưa 2 xã Cam Thành Nam và Cam Bình hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2014, còn Cam Thịnh Đông sẽ phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015.
Vẫn lo
Chúng tôi về xã Cam Thành Nam, dọc hai bên đường là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những ngôi nhà tầng kiên cố mới được người dân xây dựng xong chưa lâu, những con đường liên thôn đã được đổ bê tông kiên cố.
Ông Phạm Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Cam Thành Nam, phấn khởi cho biết: "Sau 3 năm xây dựng NTM, đến nay chúng tôi đã hoàn thành 16 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, chợ, hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đối với tiêu chí giao thông nội đồng hiện chúng tôi đang gấp rút xây dựng 5 công trình, và dự kiến đến cuối năm 2014 xã sẽ hoàn thành tiêu chí này.
Về tiêu chí chợ, hiện tại mặt bằng chợ đã xây dựng xong và đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng theo chuẩn của chợ loại 3. Còn đối với tiêu chí hệ thống chính trị, xã đang cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực".
Theo ông Thu, một số tiêu chí của xã đã đạt như thủy lợi, tỷ lệ hộ nghèo nhưng địa phương vẫn lo ngại. Mặc dù hệ thống kênh mương đã được đầu tư nhưng do thiếu nước nên nhiều diện tích cây trồng vẫn không có nước tưới, như trong đợt nắng hạn vừa qua nhiều diện tích mía, mì của xã đã bị khô cháy.
Bên cạnh đó, dù tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 4,63% nhưng nhiều hộ dân mặc dù đã thoát nghèo song do thu nhập không ổn định nên chỉ cần mất mùa hay dịch bệnh là có thể tái nghèo.
nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;