Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: Năm 2016, toàn huyện gieo cấy đạt 11.000 ha lúa, trong đó, vụ xuân gieo cấy 6.427 ha, vụ hè thu 4.575 ha. Đối với vụ xuân, huyện áp dụng 100% giống xuân muộn mà chủ yếu là P6 và nếp; còn vụ hè thu, huyện cũng chỉ đạo xây dựng một bộ giống cho năng suất và chất lượng cao đó là BT7.
Bà con nhân dân xã Đức Long bón thúc cho lúa xuân.
Nét mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đức Thọ những năm gần đây mà đặc biệt là sau khi quy hoạch thành công các cánh đồng mẫu đó là đã khâu nối được sự liên kết của các doanh nghiệp với bà con nông dân cả đầu vào và đầu ra. Theo đó, huyện đã đứng ra kêu gọi các công ty giống cây trồng có uy tín như: Công ty Giống cây trồng Trung ương - Chi nhánh Bắc Trung Bộ, Công ty Giống cây trồng Hà Tĩnh, Công ty Sa Lung và Công ty TNHH Giống cây trồng Mitraco trực tiếp cung ứng giống chất lượng cao, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với hướng dẫn bà con quy trình, kỹ thuật chăm sóc. Đối với việc tiêu thụ sản phẩm, huyện đã thành lập HTX thu mua chế biến nông sản Đức Lâm, với công suất 30.000 tấn lúa/năm. Đầu vào được cung ứng đầy đủ, đầu ra được đảm bảo, do đó, người dân an tâm tập trung sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Châu - Giám đốc HTX Thu mua chế biến nông sản Đức Lâm cho biết: “Giống lúa P6 và BT7 mà huyện Đức Thọ cơ cấu trong sản xuất cho 2 vụ trong năm 2016 có chất lượng rất cao, gạo thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ đó, sản phẩm gạo của HTX chúng tôi chế biến ra không đủ để phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Ngoài HTX Thu mua chế biến nông sản Đức Lâm, trên địa bàn hầu hết các xã đều hình thành HTX hoặc là tổ hợp tác thu mua lúa gạo cho bà con, với công suất ít nhất là 10.000 tấn/năm, vì thế, đầu ra cho sản phẩm lúa gạo của nông dân Đức Thọ hoàn toàn ổn định. Giờ đây, sản phẩm lúa gạo Đức Thọ không còn cảnh “được mùa, rớt giá” như trước đây. Việc sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu đã tạo ra chuỗi giá trị lúa hàng hóa cao, tác động lớn đến nhận thức và hành vi của người nông dân, tạo lợi nhuận bền vững.
Ông Nguyễn Văn Ái (HTX Đại An, xã Đức An) không giấu được niềm vui, chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi sản xuất hơn một mẫu ruộng, sau khi tham gia cánh đồng mẫu thì năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Trước đây, năng suất chỉ đạt 2,3-2,5 tạ/sào, hạt lép nhiều, chất lượng hạt gạo không đảm bảo nên giá thành thấp và rất khó tiêu thụ, lời lãi chẳng đáng là bao, thậm chí, có mùa còn lỗ. Nhưng từ khi tham gia vào sản xuất trong cánh đồng mẫu không chỉ năng suất đạt trên 3 tạ/sào, mà chất lượng hạt gạo được nâng lên rất nhiều. Theo đó, giá thành lúa thương phẩm được nâng lên từ 6.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg, đưa lợi nhuận tăng từ 370.000- 400.000 đồng/sào”.
Còn ông Đinh Phúc Sâm (thôn Hạ Thủy, xã Đức Thủy) cho biết: “Gia đình tôi sản xuất 3 mẫu ruộng tại cánh đồng mẫu của xã và chỉ làm 1 loại giống lúa P6. Vụ xuân 2016, năng suất đạt trên 3 tạ/sào, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 30 triệu đồng. Điều đáng mừng là sản xuất theo hướng tập trung này đã hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên chất lượng gạo rất ngon, dễ tiêu thụ, chúng tôi càng yên tâm sản xuất”. Niềm vui của 2 nông dân xã Đức An và Đức Thủy cũng chính là niềm vui của tất cả những người dân Đức Thọ đang tham gia sản xuất trên những cánh đồng mẫu được chính quyền các cấp quy hoạch, đưa vào sản xuất trong những năm qua.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức cho biết: “Việc xây dựng thành công hàng loạt cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn chính là thắng lợi lớn nhất của huyện trong thời gian qua, góp phần đưa thương hiệu lúa gạo chất lượng cao của Đức Thọ đến với thị trường trong và ngoài tỉnh”.
“Đức Thọ gạo trắng nước trong/Ai về Đức Thọ thong dong con người” - câu ca có tự ngàn xưa, đến bây giờ, thêm một lần nữa khẳng định Đức Thọ không chỉ là vùng “địa linh, nhân kiệt” mà còn là mảnh đất mà người nông dân đã cần cù, chịu khó, dãi nắng, dầm mưa để cho những vụ mùa bội thu, cây lúa chắc hạt, nẩy bông, hạt gạo thơm ngon nức tiếng gần xa.
Tác giả bài viết: Đức Thiện - Baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã