Theo đó, 2 giải pháp quan trọng đang được huyện đẩy mạnh thực hiện là huy động sức dân và nhân rộng các mô hình sản xuất.
Sau hơn 3 năm xây dựng NTM, huyện Đạ Huoai đã xây dựng được gần 13km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 4,2 tỷ đồng, hiến 25.600m2 đất và tham gia 12.650 ngày công lao động. Ngoài ra, Đạ Huoai còn triển khai xây dựng 1 nhà văn hóa xã, 18 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, trong đó nhân dân tham gia đóng góp hơn 5 tỷ đồng. Cũng nhờ huy động tốt nguồn lực trong dân mà địa phương đã có điều kiện để triển khai xây dựng 2 công trình thủy lợi quan trọng là Đạ Kon Boss (xã Đạ Ploa) và hồ Đạ Đăk (xã Phước Lộc), với tổng kinh phí hơn 105 tỷ đồng.
Ngoài huy động tốt sức dân, huyện Đạ Huoai cũng đặc biệt chú trọng việc xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, huyện đã chuyển đổi và cải tạo được 2.600ha cây trồng các loại, trong đó có 650ha sầu riêng, 228ha măng cụt, 1.001ha cao su, 51ha mít nghệ, 464ha ca cao, 178ha keo lai và 22ha chôm chôm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như trồng sầu riêng ghép chất lượng cao, cho thu nhập 250 - 420 triệu đồng/ha; trồng dâu nuôi tằm, cao su tiểu điền... UBND huyện Đạ Huoai cho biết, để khống chế cỏ dại, hạn chế xói mòn đất tại các khu vực có địa hình dốc nhưng có khả năng tưới nước vào mùa khô, cây chè đã được người dân đưa vào trồng xen dưới tán cây lâu năm, nhờ đó các hộ có thêm thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm/ha.