Sự thay đổi đáng tự hào
Bí thư Đảng ủy xã Cao Văn Thơ cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi rất lo việc thực hiện những công trình cần nhiều tiền bạc như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa. Thế nhưng, vào thực tế, những công việc khó nhất lại chính là những việc như bảo vệ môi trường trong sản xuất và sinh hoạt".
Đại Thành bây giờ đường đi lối lại phong quang, bên đường cây xanh và hoa tươi tốt, đặc biệt không còn rác vương vãi. Nhiều con đường liên ấp đã được đặt thùng đựng rác, có xe gom rác hàng ngày. Chủ tịch UBND xã Đại Thành Dương Văn Giang giới thiệu, những tuyến đường chưa có xe gom rác thì vận động người dân phân loại rác, thứ đốt, thứ chôn lấp mà không còn đổ xuống kinh rạch. "Mỗi ấp còn bố trí một bồn đựng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. Trạm y tế xã cũng có lò đốt rác đúng quy định", ông Giang nói.
Để thay đổi thói quen lạc hậu, phải kiên trì vận động và để có kết quả phải phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể. Chẳng hạn, Hội Phụ nữ lo sạch từ nhà ra ruộng; Hội Nông dân lo vận động tham gia bảo hiểm y tế; Đoàn Thanh niên trồng cây xanh và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lê Hoàng Nam cho biết, đầu năm 2013, đoàn viên thanh niên đã trồng được 1.772 cây dầu, 500 cây hoàng hậu ở các tuyến đường liên ấp. Giữa năm, dặm lại những cây bị chết và nay tất cả đang xanh tốt. Lề các con đường còn được trồng nhiều loại hoa rất đẹp. Việc tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngoài duy trì các dịp lễ tết, Đoàn Thanh niên còn phối hợp với Nhà văn hóa Thiếu nhi thị xã Ngã Bảy tổ chức sinh hoạt hàng tháng, ở các ấp như ấp Ba Ngàn A đã có câu lạc bộ với 35 trẻ em tham gia.
Đường hướng phát triển bền vững
Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, ông Trịnh Quang Hưng, cho biết nguyên nhân chính để xã Đại Thành sớm đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM là tập trung phát triển sản xuất. Thị xã đã phát triển 13 mô hình làm ăn có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân, trong đó có mô hình "Trồng cam sành cải tạo vườn tạp" ở xã Đại Thành.
Cam sành phù hợp với thổ nhưỡng Đại Thành, cành chiết trồng một năm đã cho trái. Nên cam ở Đại Thành đã được trồng khắp nơi: bên đường đi, quanh sân nhà, chen với cây khác, mới ngang ống chân đã lúc lỉu trái, càng cao trái càng nhiều, có cây ra trái từ cành sát đất lên tới ngọn.
Ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp Sơn Phú, 72 tuổi, cả đời làm nông với 2,2 ha đất. Trước đây, ông làm lúa rồi trồng xoài, mỗi năm thu hoạch lúc khá nhất cũng chỉ hơn trăm triệu đồng nên nuôi 6 người con vất vả. Mấy năm nay ông chuyển sang trồng cam sành, thu hoạch gấp chục lần.
Ông Nguyễn Văn Sáu trong vườn cam sành trĩu quả
Chủ tịch UBND xã Dương Văn Giang tính toán, mỗi héc-ta trồng 3.000 cây cam sành, đến năm thứ 4 cho sản lượng khoảng 100 tấn. Giá cam sành vài năm qua, thấp nhất 6.000 đồng/kg, cao nhất 25.000 đồng/kg, mỗi héc-ta mỗi năm cho tiền lời hàng trăm triệu đồng. "Lúa ở Đại Thành trước đây có 2.000 ha, nay chỉ còn 156 ha vì chuyển sang trồng cam sành, các loại cây trái khác và nuôi cá. Diện tích cam sành hiện là 1.325 ha. Xã có 2.805 hộ, thống kê năm nay, có 18 hộ thu nhập một hộ từ 1 tỷ đồng trở lên, 110 hộ thu nhập một hộ từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng và 450 hộ thu nhập một hộ từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng", Chủ tịch Giang cho biết.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL đang rất khó khăn, nhưng xã Đại Thành có Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Đại Thắng vẫn thu lời. Chủ nhiệm Nguyễn Tấn Phong giới thiệu, hợp tác xã có 18 xã viên với 8 ha nuôi cá tra, năm 2012 bán 2.500 tấn, năm 2013 đã bán 1.000 tấn. "Chúng tôi đổi mới các hoạt động dịch vụ, phục vụ tốt việc nuôi cá với giá thành hạ nên dù tình hình khó khăn chung, các xã viên nuôi cá năm ngoái không lỗ, năm nay có lời. Hoạt động dịch vụ thì luôn có lời, năm nay chia cổ tức 20%, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động, còn lao động thời vụ hàng trăm người", Chủ nhiệm Phong phấn khởi.
Còn nhiều thách thức
Dù đã có nhiều đổi thay thì Đại Thành cũng đang đứng trước thách thức gay gắt: Lao động thiếu việc làm và người rời xã đi làm thuê vẫn nhiều. Chủ tịch Giang buồn bã: "Cả xã vẫn còn hơn 2.000 lao động phải đi làm thuê ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh". Điều này cho thấy, đa dạng sinh kế cho người dân ở xã Đại Thành bước đầu mở ra nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu rộng lớn.
Mặt khác, các doanh nghiệp nói chung và nhất là doanh nghiệp tiêu thụ nông sản chưa về với Đại Thành nên giá trị gia tăng của nông sản chưa nâng lên được nhiều, hướng làm giàu của nông dân chưa vững chắc. Theo ông Lê Văn Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, thời gian qua mới có một doanh nghiệp về Đại Thành tính đầu tư xây dựng cơ sở thu mua nông sản, nhưng đến nay còn dừng lại ở việc xem xét mặt bằng. Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, ông Nguyễn Đăng Hải, nói: "Việc mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án ở xã nông thôn mới còn gặp rất nhiều khó khăn". Cũng có nghĩa, đang rất cần cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa.
>> Trong 3 năm (2011 - 2013), tổng vốn đầu tư cho NTM ở xã Đại Thành trên 320 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của dân chiếm 29,3%, tương đương vốn ngân sách; vốn tín dụng gần 34%; vốn doanh nghiệp và huy động 7,6%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 7,7%, nay chỉ còn 3,9%. Hiện, toàn xã có 99,34% tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;