Thực trạng hoạt động nhiều khó khăn của các điểm BĐVHX những năm gần đây khiến cho không ít người băn khoăn về việc liệu có nên tiếp tục duy trì mô hình BĐVHX. Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ TT&TT về vấn đề này?
Trước hết, cần khẳng định rằng, sau 13 năm hoạt động, mô hình điểm BĐVHX đã thực sự mang lại nhiều kết quả to lớn. Thành công lớn nhất của hệ thống điểm BĐVHX là đã góp phần giúp cho ngành TT&TT thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phổ cập các dịch vụ bưu chính, viễn thông (BCVT) cho người dân. Thực tế, năm 1998, thời điểm ngành Bưu điện bắt đầu xây dựng mô hình điểm BĐVHX, cả nước mới chỉ có khoảng 3.000 bưu cục trong tổng số 9.000 xã phường và bình quân 25.000 người mới có 1 bưu cục phục vụ. Việc xây dựng, đưa vào hoạt động hơn 8.000 điểm BĐVHX trong thời gian qua đã đưa tổng số bưu cục trên toàn quốc lên 16.500 điểm, bán kính phục được thu hẹp lại, nhờ đó nhiều người dân có điều kiện tiếp cận, sử dụng các dịch vụ BCVT một cách dễ dàng. Mặt khác, việc triển khai cung cấp các dịch vụ BCVT cơ bản và tổ chức để người dân được đọc sách, báo miễn phí tại các điểm BĐVHX đã giúp cho đông đảo người dân, nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có điều kiện tiếp cận được với nguồn thông tin, giảm thiểu khoảng cách thụ hưởng thông tin của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các vùng thành thị; đồng thời góp phần giúp Chính phủ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Có thể nói, qua 13 năm hoạt động, hơn 8.000 điểm BĐVHX đã trở thành hệ thống điểm phục vụ quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển thông tin truyền thông. Đặc biệt, tới đây, khi chúng ta thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, xây dựng nông thôn mới, hệ thống điểm BĐVHX sẽ đóng vai trò làm “điểm tựa” giúp chúng ta có thể thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia này. Chính vì vậy, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, thời gian tới, các điểm BĐVHX vẫn sẽ tiếp tục được duy trì, đổi mới để thực hiện được các mục tiêu Chính phủ, ngành TT&TT hướng tới trong các chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về định hướng chiến lược cũng như những giải pháp, cách thức sẽ được nghiên cứu triển khai nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống điểm BĐVHX trong giai đoạn tới?
Chiến lược của ngành TT&TT đối với mô hình điểm BĐVHX trong thời gian tới là tiếp tục xác định vai trò quan trọng của hệ thống điểm BĐVHX trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và xây dựng nông thôn mới; đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động của mô hình điểm BĐVHX thông qua sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp (DN).
Tôi có thể khẳng định, chắc chắn sắp tới chúng ta sẽ phải có sự nhìn nhận, đánh giá lại hiện trạng của hệ thống hơn 8.000 điểm BĐVHX đang hoạt động hiện nay. Sau 13 năm hoạt động, có 2 vấn đề cơ bản của hệ thống điểm BĐVHX cần phải được xem xét, thay đổi để phù hợp với điều kiện mới. Vấn đề đầu tiên cần thay đổi chính là phải xem xét, cơ cấu lại các điểm BĐVHX như thế nào cho phù hợp. Thực tế hiện nay, nhiều BĐVHX được xây dựng ở những vùng điều kiện KT-XH đã phát triển, đời sống người dân đã được nâng cao so với trước, do đó việc triển khai cung cấp dịch vụ BCVT cơ bản ở những vùng này có còn cần thiết nữa hay không cũng là một vấn đề mà chúng ta phải tính toán, xem xét lại. Bên cạnh đó, một vấn đề nữa cũng cần thiết phải có sự thay đổi và tính toán lại là phương thức, cách thức cung cấp thông tin cho người dân tại các điểm BĐVHX. Cụ thể, ở đây tôi muốn đề cập đến việc triển khai cung cấp dịch vụ Internet băng rộng tại các điểm BĐVHX nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với xu thế phát triển của VT-CNTT thời gian tới.
Ngoài 2 vấn đề chính cần phải thay đổi nêu trên, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ tại điểm BĐVHX phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và xây dựng chương trình nông thôn mới, còn có một loạt các vấn đề khác nữa cần phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận như: vấn đề phối kết hợp giữa các Bộ ngành trung ương, các địa phương và doanh nghiệp; sự nỗ lực của VietnamPost - DN được giao quản lý, vận hành hệ thống điểm BĐVHX; hay vấn đề phải làm sao để đổi mới được các cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề đãi ngộ đối người lao động làm việc tại điểm BĐVHX…
Như vậy phải chăng tới đây sẽ không có một mô hình chung thống nhất cho tất cả các điểm BĐVHX trên toàn quốc, thưa Thứ trưởng?
Một mô hình chung “bất di bất dịch”, không thay đổi đối với các điểm BĐVHX chính là mô hình kết hợp giữa Nhà nước với DN. Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng sau 13 năm hoạt động, đến nay nên chăng chúng ta cần tìm cách chuyển đổi mô hình này. Song Bộ TT&TT nhận thấy, cho đến nay điểm BĐVHX vẫn là một mô hình hoạt động hiệu quả; và Nhà nước nên cung cấp, thực hiện nhiệm vụ công ích phục vụ người dân thông qua các hoạt động của DN. Có như vậy, Nhà nước mới có thể giảm bớt được chi phí hỗ trợ thực hiện các hoạt động xã hội. Nhưng mặt khác, cũng là để cho các DN bên cạnh việc triển khai các hoạt động SXKD thì cũng cần phải tăng cường vai trò hoạt động xã hội. Tôi cho rằng, một mô hình kết hợp “công - tư” mới đảm bảo cho mô hình cung cấp dịch vụ tại hệ thống các điểm BĐVHX đạt được hiệu quả trong thời gian tới.
Vấn đề mà các địa phương, đội ngũ nhân viên BĐVHX tập trung đề xuất thời gian qua là việc xem xét điều chỉnh mức thu nhập, chế độ chính sách đãi ngộ đối với người lao động làm tại điểm BĐVHX. Xin Thứ trưởng cho biết, vấn đề này sẽ được Bộ TT&TT và VietnamPost giải quyết như thế nào?
Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều cơ bản để giải quyết được vướng mắc về lương, thu nhập của người lao động tại điểm BĐVHX chính là phải làm sao để phối hợp thực hiện tốt mô hình kết hợp hoạt động giữa Nhà nước với DN. Cụ thể, bên cạnh việc Nhà nước đưa ra các tiêu chí, yêu cầu, điều kiện đối với DN khi thực hiện nhiệm vụ công ích Nhà nước giao; Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để DN đẩy mạnh SXKD nhằm tăng doanh thu. Mối quan hệ hữu cơ này giúp cho DN có đủ điều kiện để thực hiện các cơ chế đãi ngộ với nhân viên các điểm BĐVHX.
Có thể nói, trong những vấn đề sẽ được đưa ra bàn tại Hội nghị toàn quốc về điểm BĐVHX, vấn đề chế độ đãi ngộ đối với người lao động tại điểm BĐVHX chính là vấn đề khó khăn nhất.
Tại Hội nghị toàn quốc về điểm BĐVHX sắp tới, Bộ TT&TT đặt mục tiêu, kỳ vọng Hội nghị này sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản gì?
Mong muốn của Bộ TT&TT là phải làm sao để hệ thống các điểm BĐVHX là một hệ thống cấu thành, gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của chúng tôi là tiến hành tổ chức Hội nghị toàn quốc về điểm BĐVHX song song, đồng thời với việc chúng tôi triển khai thực hiện các tiêu chí về BC, VT và Internet tại các vùng nông thôn mới. Đến nay, hai nội dung công việc này đang được Bộ TT&TT triển khai song song với nhau để đảm bảo rằng vẫn cải tổ, đổi mới được hoạt động của hệ thống điểm BĐVHX; nhưng mặt khác cũng gắn kết được hoạt động của hệ thống điểm BĐVHX với các chương trình mục tiêu quốc gia của Nhà nước. Mong muốn cao hơn cả là hệ thống điểm BĐVHX sẽ là “điểm tựa” vững chắc để thực hiện thành công chương trình đưa thông tin về cơ sở và xây dựng nông thôn mới.
Cảm ơn Thứ trưởng!
Minh Tú
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;