Học tập đạo đức HCM

Đội quân xóa đói, giảm nghèo

Thứ ba - 01/04/2014 20:41
Năm 2014, LLVT Quân khu 5 tiếp tục giúp các hộ nghèo trên địa bàn và cách giúp cũng khác hơn. Theo Đại tá Trần Văn Hải, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu, các cơ quan, đơn vị đã linh hoạt kết hợp hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện “Hũ gạo vì người nghèo” với triển khai kế hoạch về phân công địa bàn làm công tác dân vận ở các xã đặc biệt khó khăn.

Từ kinh nghiệm những năm trước, các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương để thống nhất xét chọn đối tượng giúp đỡ. Phương thức giúp phù hợp với tập quán sản xuất, nguyện vọng, hoàn cảnh của gia đình và điều kiện của cơ quan, đơn vị; khắc phục tình trạng chỉ giải quyết khó khăn nhất thời, trước mắt mà lấy tính căn bản, hiệu quả lâu dài làm định hướng phát triển, hướng tới thoát nghèo bền vững, nhất là chú trọng tuyên truyền, động viên, phát huy sự cố gắng, nỗ lực tự thân của gia đình để vươn lên; tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Nhiều nơi, bộ đội không chỉ tranh thủ được sự ủng hộ về chủ trương, mà còn thuyết phục, lôi cuốn chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương thực sự vào cuộc, tạo hiệu ứng xã hội tốt.
 
Ban CHQS huyện Sơn Tịnh (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi) vận động các đoàn thể địa phương hỗ trợ máy cày để anh Nguyễn Đình Vũ, ở xã Tịnh Hiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2013, LLVT Quân khu 5 tham gia “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” với nhiều cách làm giàu sáng tạo và thắm đượm tình quân dân. 11 hộ nghèo ở Quảng Nam và 18 gia đình khó khăn ở Đăk Lăk được tặng xe bán nước mía, trâu, bò, lợn, gia cầm, giống cây trồng, phân bón, giúp ngày công lao động. 29 hộ được Bộ CHQS tỉnh Bình Định tặng gia súc, máy may, máy vắt sổ, xe gắn máy để đi thồ hàng, hỗ trợ vốn chăn nuôi, buôn bán nhỏ, trồng rừng… 12 hộ gia đình ở Gia Lai được tặng bò, lợn, cá giống, giúp cải tạo vườn tạp, làm lúa nước, trồng cao su, bời lời, hồ tiêu; hỗ trợ phân bón và hàng trăm ngày công lao động. Nhiều gia đình ngư dân ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận được tặng thuyền thúng, lưới, hỗ trợ tiền sửa chữa ghe thuyền đánh bắt thủy sản, được bảo lãnh vay vốn ngân hàng không lãi suất để hùn hạp đi biển…

Đón nhận sự giúp đỡ của bộ đội, hầu hết trong số các gia đình nghèo đã nắm bắt cơ hội vươn lên thoát nghèo. Các hộ gia đình Y Hoen (buôn U Sa Rông, xã Đăk Rông, huyện Cư Jút), Thào A Vàng, Vàng Thị Xúa (bản Ninh Hòa, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức), H’Dzôm (buôn Đăk R’la, xã Đăk Ndrót, huyện Đăk Mil) ở Đăk Nông và 11 hộ dân khác ở tỉnh Kon Tum được hướng dẫn làm ăn, sản xuất. Ông H’Dzôm cho biết: “Bộ đội không chỉ giúp cái ăn, mà còn hướng dẫn vợ chồng mình cách trồng rẫy sắn, nuôi con heo, con gà…”.

Các đơn vị bộ đội tập trung “tiếp sức” cho đồng bào nghèo nơi đóng quân, địa bàn công tác, địa phương kết nghĩa theo cách riêng. Sư đoàn 2 nhận giúp 26 hộ giảm nghèo với hơn 1.200 ngày công lao động sản xuất, ủng hộ 4 sổ tiết kiệm; tặng con vật nuôi, phân bón, giống cây trồng, vật liệu làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo đất, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Sư đoàn 315 giúp các hộ ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) thức ăn chăn nuôi, con giống gia cầm, đào ao thả cá, ngày công, vật liệu làm chuồng trại nuôi trâu, bò, vịt… Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ 2 hộ nghèo ở thị xã An Khê (Gia Lai) ngày công, máy bơm nước, phân bón, bình phun thuốc trừ sâu, bạt phủ gieo hạt, giống rau, củ, quả để sản xuất rau thương phẩm. Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574 giúp 3 hộ ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Bộ Tham mưu Quân khu giúp gần chục gia đình ở Bình Định, Đà Nẵng, Gia Lai. Cục Kỹ thuật Quân khu giúp 7 hộ ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định. Bộ CHQS Đà Nẵng không chỉ giúp 12 hộ nghèo ở 3 xã phía tây thành phố mà còn chuyển bò giống trao tận tay 4 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng tặng bò giống giúp hộ nghèo ở Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Các cơ quan quân sự huyện, thành phố thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Định cùng lúc nhận giúp nhiều hộ giảm nghèo. Kho K54 (Cục Kỹ thuật) giúp hộ ông Nguyễn Văn Công (thôn 2, xã Trà Đa, thành phố Pleicu, tỉnh Gia Lai) phát dọn, thuê máy cày xới khôi phục 1 sào đất bỏ hoang để trồng mì, bắp, đồng thời phối hợp với MTTQ xã Trà Đa hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phương pháp chăm sóc cây trồng. Ban CHQS huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp với các hội, đoàn thể trong huyện vận động Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ máy cày để gia đình anh Nguyễn Đình Vũ (thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp) làm ăn. Từ chiếc máy cày trị giá hơn 30 triệu đồng cộng với sự động viên, định hướng của Ban CHQS huyện, anh Vũ (là bộ đội xuất ngũ) nắm bắt cơ hội vươn lên đổi đời. Ngoài 4 sào ruộng ban đầu, gia đình anh mạnh dạn thuê thêm 30 sào đất lúa để canh tác, mua 2 héc-ta rừng trồng 5.500 cây keo lai... mỗi năm lãi ròng hàng chục triệu đồng. Làm giàu cho mình và tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm để 3 gia đình khác trong thôn cũng sắm máy cày làm ăn, anh Nguyễn Đình Vũ ba lần được báo cáo điển hình về nông dân sản xuất giỏi của huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi.

Ban CHQS huyện Sông Hinh vận động cán bộ, chiến sĩ mỗi năm đóng góp được 3 triệu đồng; trong ba năm (từ 2011 đến 2013) quyên góp được 9 triệu đồng, giúp gia đình ông Lê Mô Y Sai ở buôn Hai Klốc (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) mua phân bón, giống, thuê máy cày làm 2,7 héc-ta ruộng, rẫy. Bộ đội và dân quân huyện Sông Hinh còn hỗ trợ ông Lê Mô Y Sai 50 ngày công. Anh em vừa trực tiếp lao động, vừa hướng dẫn cách thức sản xuất theo lịch thời vụ, kỹ thuật chọn giống cây trồng, chăm bón, làm cỏ, rải phân... thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Kết quả mỗi năm, bình quân 2ha sắn của gia đình ông Lê Mô Y Sai cho thu hoạch hơn 60 tấn, tương đương khoảng 90 triệu đồng và 0,7ha lúa nước thu nhập gần 15 triệu đồng. Sắn, lúa được mùa, gia đình ông có điều kiện phát triển chăn nuôi. Đàn bò, heo, gà mỗi ngày thêm đông đúc, cho nguồn thu trước mắt khoảng 20 triệu đồng/năm. Thoát nghèo, gia đình ông Lê Mô Y Sai cất được ngôi nhà sàn bằng gỗ rộng 60m2, lợp ngói thay cho căn nhà tre nứa tạm bợ trước đây.

Từ chân đèo Hải Vân vào cực Nam Trung Bộ, lên các buôn làng Tây Nguyên, ra tuyến ven biển, đảo, phong trào giúp nhân dân “xóa hộ đói, giảm hộ nghèo” của LLVT Quân khu 5 có sức lan tỏa bởi hiệu quả thiết thực và tính nhân văn. Năm 2013, LLVT Quân khu đã đem đến cơ hội đổi đời cho 264 gia đình đói, nghèo, góp một dấu ấn vào bức tranh toàn cảnh trong ba năm (2011-2013), LLVT Quân khu đã giúp 478 hộ xóa đói giảm nghèo (bằng 566% chỉ tiêu đề ra), trong đó đã có 237 hộ được các địa phương công nhận thoát nghèo bền vững và 29 hộ sau khi làm ăn có lãi đã hoàn trả vốn trợ giúp ban đầu để chuyển sang giúp các hộ khác.

Giúp được một hộ đồng bào thoát khỏi đói nghèo là một cuộc vật lộn với vô vàn gian khó. Bằng việc làm cụ thể, thiết thực, LLVT Quân khu 5 thể hiện sâu sắc, sinh động hình ảnh đội quân chiến đấu, đội quân công tác, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong cuộc chiến đấu chống đói nghèo, góp một nét tươi mới vào phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, đẩy mạnh công tác dân vận ở các xã đặc biệt khó khăn.
 
Bài và ảnh: 
NGUYỄN VIẾT PHÚC
Nguồn qdnd.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập401
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm391
  • Hôm nay23,100
  • Tháng hiện tại201,667
  • Tổng lượt truy cập90,265,060
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây