Học tập đạo đức HCM

Hà Nam chủ động gỡ khó để xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 04/10/2013 08:57
Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Hà Nam đã xác định đây là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình hợp lý, tiến hành từng bước, ưu tiên khâu dễ làm trước, khó làm sau, phấn đấu dứt điểm từng tiêu chí.

Ban chỉ đạo của tỉnh đã phối hợp các địa phương chủ động rà soát, lựa chọn 28 xã, trong tổng số 103 xã toàn tỉnh có nhiều "tiềm năng" để tập trung đầu tư, phấn đấu đưa các xã này đạt chuẩn giai đoạn 2011 - 2015. Ðến nay đã có 22 xã đạt từ 11 tiêu chí trở lên, trong đó có hai xã đạt 16 tiêu chí là Lam Hạ và Phù Vân, xã Thi Sơn đạt 15 tiêu chí, các xã Tràng An, Vụ Bản đạt 14 tiêu chí...

Mặc dù đạt được kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng NTM của các xã còn chậm, kết quả thực hiện các tiêu chí đăng ký hoàn thành năm 2013 còn chậm so với kế hoạch. Bảy tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có xã Hoàng Ðông đạt thêm ba tiêu chí, trong khi nhiều xã chưa đạt thêm tiêu chí nào.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về xây dựng NTM chưa đầy đủ, một số Ban chỉ đạo ở cơ sở còn lúng túng trong cách làm, nhất là ở địa bàn thôn, xóm, chưa phát huy tốt vai trò trách nhiệm tính chủ động tích cực của cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể, còn tư tưởng trông chờ. Việc chọn nội dung, tiêu chí cụ thể, xác định việc nào làm trước, việc nào làm sau, nội dung nào cần thực hiện ngay sau khi đề án được phê duyệt chưa được xác định rõ.

Qua kiểm tra đánh giá, phần lớn các xã không xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung công việc, nên khó huy động nguồn lực. Chủ yếu các xã lựa chọn tiêu chí hoàn thành trong năm theo đề án nên không sát với khả năng, điều kiện thực tế. Việc lựa chọn, đăng ký và tập trung chỉ đạo để hoàn thành tiêu chí đăng ký của các xã lại chưa thật sự quyết liệt, còn mang tính hình thức. Công tác tổng hợp tình hình, thống kê, đánh giá kết quả, mức độ hoàn thành các tiêu chí tại nhiều Ban chỉ đạo cơ sở chưa đầy đủ, sát với thực tế và không thống nhất. Nhiều địa phương chưa chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Trong khi tiêu chí về môi trường mới có mười xã đạt chuẩn, trong đó có năm trong số 28 xã phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015.

Một khó khăn nữa của Hà Nam là nguồn lực thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn đã đầu tư cho xây dựng NTM của tỉnh là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó năm 2011 hơn 456 tỷ đồng, năm 2012 có 1.026 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm nay huy động được hơn 525 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 460 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là vốn lồng ghép các chương trình, mục tiêu quốc gia khác. Ðiều đáng suy nghĩ là trong lúc người dân không tiếc công, tiếc của, hiến đất làm đường giao thông nông thôn thì vốn huy động từ các doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn. Xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm có 65 hộ hiến gần 1.900 m2 đất trị giá hơn 750 triệu đồng. Vợ chồng ông Trương Trọng Sứ ở xóm 1A, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân tự nguyện hiến 380 m2 đất vườn trồng nhãn và đóng góp 60 triệu đồng; Gia đình ông Trần Hữu Quyến và bà Trần Thị Xuân ở thôn Ðồng Quê, xã Vụ Bản, huyện Bình Lục đã đập bỏ cổng nhà, chặt 21 cây ăn quả đang cho thu hoạch với tổng diện tích hơn 120 m2 để mở rộng đường liên thôn... Qua phát động, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đăng ký hỗ trợ với số tiền khoảng 25 tỷ đồng, hiện vật là 20 nghìn viên gạch, 3.000 m3 đá làm đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, tuy nhiên trên thực tế, số tiền chuyển về tài khoản mới được hơn hai tỷ đồng.

Ðặc biệt công tác thực hiện dồn điền, đổi thửa còn chậm, triển khai không đồng đều. Ðến hết tháng 7, mới có 64/103 xã đã phê duyệt đề án dồn đổi ruộng đất, số thôn đã phê duyệt xong kế hoạch là 453 thôn, với diện tích hơn 13 nghìn ha, bình quân mỗi hộ có từ 1,1 đến 1,7 thửa. Thậm chí ngay cả các xã được chọn hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 đến nay mới có 21 xã đã phê duyệt được đề án và mới có 20 xã đang triển khai chia ruộng ngoài thực địa với diện tích đạt hơn 7.600 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có ít nhất 22 xã đạt chuẩn NTM, 30% số xã đạt 50% và số xã còn lại đạt 30% tiêu chí trở lên theo Bộ tiêu chí quốc gia, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đang tiến hành rà soát, đánh giá lại mức độ hoàn thành các tiêu chí của 28 xã trong giai đoạn 2011-2015, qua đó giao chỉ tiêu cụ thể phải hoàn thành trong năm 2013 và từng năm tiếp theo cho các xã. Ðối với các tiêu chí cần ít kinh phí và các tiêu chí sắp hoàn thành thì tập trung thực hiện hoàn thành ngay trong năm nay. Tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ vận động nhân dân hiến đất, góp đất; lồng ghép các chương trình, mục tiêu để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thôn, xóm, nhà văn hóa, trường học, đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xử lý rác thải, môi trường,... Ðặc biệt, tỉnh sẽ sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ của địa phương ưu tiên cho 28 xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, trong đó chú trọng sáu xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm nay.

Thực hiện dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, phấn đấu 28 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 hoàn thành vào năm 2013, các xã còn lại cơ bản hoàn thành vào năm 2014 để tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm thâm canh, giảm chi phí, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích. Ðồng thời tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất mới, như chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, trồng nấm ăn, phát triển cây trồng hàng hóa vụ đông, lúa gieo thẳng, phát triển chăn nuôi bò sữa,... góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông sản hàng hóa theo hợp đồng sản xuất, tiêu thụ, chế biến; tiến tới hợp đồng khép kín trong các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa người dân với ngân hàng và các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng khẳng định, chỉ có thúc đẩy sản xuất phát triển mới tạo thêm nguồn lực cho xây dựng NTM, bởi "có thực mới vực được đạo".

LƯU NGUYỄN và DIỆU LINH
Nguồn nhandan.org.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập473
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại842,565
  • Tổng lượt truy cập92,016,294
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây