Học tập đạo đức HCM

KTNT ngày càng sát thực và thiết thực hơn

Thứ sáu - 01/07/2016 23:39
Đó là khẳng định của GS.TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam, khi trao đổi với chúng tôi về định hướng công tác Hội thời gian tới, đó là nhân rộng mô hình vườn mẫu Hà Tĩnh ra toàn quốc và đóng góp của Báo Kinh tế nông thôn trong xây dựng tổ chức Hội, thúc đẩy phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).

 

Ông Ngô Thế Dân (thứ hai từ trái sang) thăm vườn mẫu ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Trà Giang.

Cần nhân rộng mô hình vườn mẫu

Trung ương Hội vừa có cuộc khảo sát sơ bộ mô hình vườn mẫu (VAC) tại 7 xã/5 huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Xin ông cho biết một số kết quả ban đầu và hiệu quả kinh tế của mô hình này?    

Tháng 5/2016, đoàn công tác chúng tôi phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại, Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh, đi khảo sát sơ bộ 7 mô hình vườn mẫu tại các xã Hương Trà, Hương Trạch, Phúc Trạch (Hương Khê); Tượng Sơn (Thạch Hà); Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); Sơn Kim 1 (Hương Sơn); Tùng Ảnh (Đức Thọ). Chúng tôi đã đến các đơn vị trên và làm việc với cán bộ huyện, xã; trao đổi trực tiếp với chủ hộ xây dựng vườn mẫu. 

Những gia đình được lựa chọn xây dựng vườn mẫu đều có bản vẽ thiết kế, quy hoạch bằng công nghệ 3D, 2D, theo mô hình Israel. Có tiêu chí, kế hoạch và văn bản hướng dẫn cụ thể (chi phí 0,7-1,2 triệu đồng/bản thiết kế). Tùy theo diện tích, khuôn viên hộ gia đình để bố trí, sắp xếp các hạng mục công trình cho phù hợp, tiện lợi như: vườn, ao, chuồng, nhà vệ sinh; nhà ủ phân, mương rãnh thoát nước, hệ thống tưới tiêu; hàng rào xanh quanh vườn; giàn trên không để trồng các loại cây dây leo.

Sản xuất VAC ở vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng. Sử dụng phân chuồng ủ bằng chế phẩm vi sinh; thuốc trừ sâu sinh học và bẫy côn trùng… để tạo ra các sản phẩm an toàn, hiệu quả. Hầu hết các hộ đều chọn cây trồng chủ lực là rau ăn lá; mướp hương, mướp đắng; các loại bầu, bí; cam và bưởi Phúc Trạch. Hàng rào quanh nhà hoặc giàn cao trên lối đi từ cổng vào sân đều trồng cây dây leo xanh. Chuồng trại chăn nuôi hươu, gà,... sử dụng đệm lót sinh học (có nhà ủ phân), sử dụng chất khử mùi là chế phẩm vi sinh (Balasa No1, Hatimic…).

Nhìn chung, sản xuất VAC ở vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ có cơ sở để chứng minh là sản phẩm an toàn. Xét về mặt kinh tế, sản xuất VAC ở vườn mẫu với nhiều tầng canh tác: mặt đất, mặt nước, giàn trên cao, giàn đứng trên hàng rào; kết hợp với chăn nuôi nhỏ đa dạng và thả cá, các chủ hộ đều cho rằng thu nhập từ vườn mẫu cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa; có thể chiếm 60 - 70% thu nhập cả năm của hộ gia đình, bình quân 27 triệu đồng/1.000m2. Những hộ trồng cam, bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê; trồng rau, cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi ở Cẩm Xuyên cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm.

Ông có thể cho biết tính khả thi của mô hình như thế nào và một số đánh giá bước đầu của Hội?

Mô hình vườn mẫu ở Hà Tĩnh được thí điểm từ năm 2014 -2015, do HLV & Trang trại Hà Tĩnh phối hợp với Văn phòng nông thôn mới của tỉnh triển khai thực hiện. Được Hội đồng Khoa học Công nghệ của tỉnh đánh giá cao; từ 7 mô hình ban đầu, nay nâng lên thành 460 vườn và đang tiếp tục mở rộng ở nhiều xã trong tỉnh. Đây là mô hình mang tính khả thi cao, không chỉ triển khai ở khuôn viên vườn mà lan ra cả ngoài đồng như xã Tượng Sơn (Thạch Hà). Tại cánh đồng lúa năng suất thấp, bà con đã tự đào ao tôn đất làm vườn, canh tác theo nhiều tầng cho thu nhập gấp 7-10 lần so trồng lúa. Hiện, nông dân vùng bưởi Phúc Trạch đã đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cho chuyển đổi một số diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch, loại bưởi đặc sản của địa phương.

Sau khi khảo sát thực tế, Hội đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh: Vườn mẫu triển khai như vậy là phù hợp; đã khai thác triệt để các nguồn lực ở nông thôn như: lao động, đất đai, phân bón, kinh nghiệm sản xuất để tăng thu nhập cho hộ nông dân. Đặc biệt là, khác hẳn với công việc cải tạo vườn tạp trước đây, chỉ đơn thuần là chặt bỏ cây cũ, trồng cây mới. Xây dựng vườn mẫu không những tăng thêm thu nhập mà còn gắn liền với xây dựng nông thôn mới ở phạm vi hộ gia đình. Khiến bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện hơn, khuôn viên hộ gia đình xanh, sạch, đẹp hơn; môi trường sống của người dân tốt hơn. Vì vậy, Hà Tĩnh đã đặt mô hình vườn mẫu vào tiêu chí thứ 20 trong việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và có chính sách hỗ trợ ngay khi bắt tay thực hiện. Theo đó, mỗi xã xây dựng 5 vườn mẫu, được hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn; hiện, tỉnh đã cho phép tiếp tục xây dựng vườn mẫu ở các xã nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.

Đây còn là mô hình được nông dân Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng do vườn mẫu đã thực sự góp phần xây dựng nông thôn mới; tăng thu nhập cho người dân. Bà con thấy được hiệu quả rõ rệt nên đã bỏ thêm tiền đầu tư cải tạo lại khuôn viên gia đình mình. Làm đổi thay bộ mặt nông thôn, nhất là những vùng chuyên canh hàng hóa như bưởi Phúc Trạch.

Theo ông,  vườn mẫu của Hà Tĩnh có thể nhân rộng ra toàn quốc?      

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể được, sau chuyến công tác, chúng tôi đã đề xuất Hà Tĩnh tạo điều kiện giúp đỡ để HLV các tỉnh bạn đến tham quan học tập, áp dụng vào địa phương mình. Mặt khác, Hội cũng đề nghị Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nghiên cứu, xem xét, có ý kiến bằng văn bản, đưa nhiệm vụ xây dựng vườn mẫu vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các địa phương sau khi tham quan mô hình Hà Tĩnh sẽ phối hợp chặt chẽ với HLV Việt Nam để tổ chức làm thử. Đề nghị nghiên cứu tổng kết kết quả thực hiện mô hình vườn mẫu nông nghiệp hữu cơ ở Hà Tĩnh. Tổ chức cuộc hội thảo với các địa phương trong cả nước về kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu của Hà Tĩnh.

Làm vườn phải gắn với XDNTM

Mô hình VAC ở 2 miền Bắc - Nam có gì khác nhau, nhất là khi ngập mặn sâu và rộng ở ĐBSCL?  

Mô hình VAC ở 2 miền đúng là có khác nhau. Miền Bắc thiên về cải tạo ao hoang, vườn tạp để tăng dinh dưỡng trong bữa ăn, sau đó phát triển thành xóa đói giảm nghèo và nay là làm giàu. Hiện, những địa phương làm ăn không hiệu quả đã  tập trung ruộng đất để cho thuê. Trước đây, ruộng đất manh mún khó làm ăn lớn; nay  có doanh nghiệp đã được thuê 40 - 50 ha để phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao (Bắc Ninh).

Miền Nam cải tạo vườn theo 2 vùng, thành thị và nông thôn. Theo đó, ở nông thôn hình thành các vườn thâm canh, chuyên canh như: bưởi, xoài, mãng cầu xiêm, thanh long… Thành lập tổ hợp tác, HTX quy mô nhỏ và vừa giúp bà con chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu và tiêu thụ sản phẩm. Ở thành thị phát triển theo hướng vườn sinh thái kết hợp du lịch. Vào dịp nghỉ lễ, người dân đi chơi trong các miệt vườn thỏa thuê ăn trái cây, lúc ra về thanh toán tiền. Để giữ chân du khách, nhà vườn còn tổ chức ăn uống, câu cá, kết hợp vui chơi giải trí…   Tuy nhiên, các miệt vườn ở đây còn lộn xộn, chưa có quy hoạch, chưa thâm canh cắt tỉa, tạo tán; chưa đưa ra được tiêu chí như Hà Tĩnh.   

Hiện, ĐBSCL đang bị mặn xâm nhập sâu, làm đảo lộn thói quen canh tác hàng trăm năm nay của bà con. Trước mắt, nên chuyển hướng sang làm VAC, giữ nước ngọt, đào ao thả cá, nuôi trồng thủy sản; xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả. Làm hồ đập vừa và nhỏ tích trữ nước ngọt để chủ động tưới tiêu, nhưng phải quy hoạch và nghiên cứu kỹ trước khi tiến hành.

Có một thực tế nữa là, hiện nay đồng ruộng miền Nam do bón nhiều phân vô cơ, dẫn đến chai đất, ngộ độc đất và cây, vì vậy, nên phát triển cân đối trồng trọt và chăn nuôi để có phân hữu cơ cải tạo đất. Làm vườn phải gắn với xây dựng nông thôn mới, nay nhiều gia đình nông thôn nhà sạch, nhưng sân vườn, khu chăn nuôi còn mất vệ sinh (do chưa có khu ủ phân).

Theo tôi, các địa phương dù ở miền nào trên cả nước cũng nên có quy hoạch VAC theo mô hình Hà Tĩnh. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hết sức cần thiết, nhờ đó mới có sản phẩm chất lượng cao và an toàn.

Hội đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy trình nông nghiệp hữu cơ để phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Hiệp hội Phân bón hữu cơ cũng cho rằng, do chưa được cấp chứng chỉ, chưa có thương hiệu nên chưa bán được sản phẩm ra thị trường…         

Báo đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt

Ông có thể đánh giá đôi nét về đóng góp của Báo Kinh tế nông thôn đối với xây dựng tổ chức Hội và thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại thời gian qua?

Hoan nghênh Báo Kinh tế nông thôn đã vượt khó đi lên. Mặc dù nguồn hỗ trợ hạn hẹp, nhưng báo đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt, biết khai thác, huy động mọi nguồn lực để tổ chức hoạt động tốt. Nhất là các văn phòng đại diện ở miền Trung, miền Nam đã tự lo liệu, trang trải được một phần kinh phí, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động theo đúng điều lệ, tôn chỉ, mục đích, giữ vững đạo đức của của người làm báo.

Điều đáng ghi nhận nữa là chất lượng tờ báo ngày càng được nâng lên, nội dung phong phú, toàn diện hơn. Mặt khác, thời gian gần đây, trang báo dành riêng cho công tác Hội cũng đi vào chiều sâu và hấp dẫn hơn. Các nhà báo cũng năng nổ hơn trong việc đưa những gương điển hình VAC không chỉ ở đồng bằng, mà cả ở vùng xa, vùng khó khăn. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc các đồng chí tâm sáng, bản lĩnh và ngày càng chiếm được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dương An Như (thực hiện)/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập805
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại771,038
  • Tổng lượt truy cập93,148,702
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây