Họp Ban chỉ đạo TƯ Chương trình hôm nay, nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng có thể phê bình, nhưng không nên chê trách những tỉnh "trắng" xã nông thôn mới, vì có thể tiêu chí chung chưa thực sự phù hợp với thực tiễn từng nơi.
Nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ |
"Tiêu chí có tác dụng rất lớn trong chỉ đạo, càng đi vào thực tiễn thì càng khẳng định, nhưng dù là 19 tiêu chí hay bao nhiêu, cũng không thể phù hợp với tất cả văn hóa của các dân tộc. Hay như các vùng thủy sản bãi ngang, hầu như không có quy hoạch, 19 tiêu chí đối với họ chỉ được 13 vì làm gì có thủy lợi, đường nội đồng, mà chủ yếu với họ là ngư dân, ngư trường, ngư nghiệp, gọi là tam ngư, thì không ai quy hoạch", ông Ngọ phân tích.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra một số tiêu chí khó thực hiện và khó đánh giá: nhà văn hóa ở vùng cao nếu làm ba gian hai chái như đồng bằng thì không ai đến, chợ dân sinh làm cho xã này nhưng người dân cứ theo thói quen đi chợ cũ ở xã bên...
Do đó, theo ông Lê Huy Ngọ, các tiêu chí nông thôn mới không cần thay đổi, mà cần được hướng dẫn cụ thể hơn hoặc bổ sung cho phù hợp các vùng, vận dụng cho phù hợp với văn hóa mỗi dân tộc.
"Cần kiên trì với tiêu chí "ít nhất có 1-3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới" để củng cố về mô hình, chỉ đạo và lòng tin của người dân. Chứ 5 năm rồi mà một tỉnh chẳng có xã nông thôn mới nào thì làm sao có căn cứ để nói nông thôn mới là đúng. Nên giữ tiêu chí đó và tập trung hỗ trợ họ, để dân thấy rõ là có nông thôn mới thật chứ không phải 'nông thôn mới trên giấy"'.
Chính vì vậy, ông Ngọ cho rằng nên phân cấp mạnh hơn cho địa phương: "Tôi có niềm tin là nhiều bí thư, chủ tịch say sưa với nông thôn mới, chủ động, sâu sát và sáng tạo lắm, hãy tin vào họ".
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo, cũng thấy vấn đề lo ngại là làm sao để nông thôn mới bền vững, lâu dài, ổn định.
"Hiện vẫn còn những tỉnh chưa có xã nông thôn mới nào để làm mô hình nhân rộng, để người dân tin tưởng nông thôn mới là hiện thực", Phó Thủ tướng chia sẻ với nhận định của ông Ngọ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh |
Bên cạnh việc xem xét lại tiêu chí để có những đặc thù cho vùng khó khăn, ông Vũ Văn Ninh nhấn mạnh vấn đề nguồn lực: Vốn ngân sách, vốn trái phiếu CP, vốn có được từ lồng ghép các chương trình khác, dứt khoát tới đây sẽ tập trung phân bổ cho các vùng nghèo, vùng khó khăn.
"Gấp 3-4 lần tôi cũng đồng ý. Vì những nơi đó rất khó khăn, càng làm về sau càng khó, làm trường khó, làm đường khó, xây gì cũng khó, đòi hỏi nguồn lực cao hơn, tập trung nhiều hơn", Phó Thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu cuối năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vì theo ông, nông thôn mới thực sự có tác dụng, "không phải nói phóng đại lên":
"Những vùng mà ngàn đời nay không có cầu, không có đường, nay làm được rồi, người dân tự làm, tự chăm lo, tự bảo vệ như của chính mình. Chứ Nhà nước làm bảo người ta ra bảo vệ thì khó. Điều đó cũng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, củng cố mặt trận nông thôn".
Chung Hoàng
Theo vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;