Theo đó, trong mấy năm trở lại đây vấn đề vệ sinh môi trường được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường không chỉ được cải thiện đáng kể mà còn hình thành được ý thức thu gom, phân loại rác thải cũng như giữ gìn vệ sinh chung của đông đảo nhân dân. Trong đó, công đầu có lẽ phải kể đến sự đóng góp của các HTX môi trường tại cơ sở, đơn vị chủ chốt trong công tác bảo vệ, xây dựng nông thôn xanh- sạch- đẹp.
Được hình thành từ tháng 11/2011, HTX Điện& môi trường xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn. Theo đề án của xã, nguồn rác thải sẽ được xử lý, tận dụng làm phân vi sinh trong sản xuất nông nghiệp. Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, mô hình mới mẻ này đã khẳng định những hiệu quả bước đầu, góp phần thiết thực trong việc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Cẩm Bình. Bên cạnh đó, mô hình cũng giải quyết việc làm cho một số bộ phận người dân, nâng cao thu nhập. Ông Trác Hoàng Quế, Chủ nhiệm HTX Điện& môi trường xã Cẩm Bình cho biết: “HTX gồm 12 xã viên, trong đó có 9 xã viên làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải tại các hộ gia đình. Ban đầu HTX do Đoàn thanh niên quản lý, về sau mở rộng ra cả Hội LHPN xã nhằm tăng hiệu quả của công tác tuyên truyền đến tận các hộ gia đình. Mỗi tháng 2 đợt, sau khi thu gom rác ở các thôn, chúng tôi hợp đồng với xe môi trường Thị trấn Cẩm Xuyên để chở rác về nơi quy định. Hiện nay, chúng tôi đang làm thủ tục để đầu tư xe chở rác chuyên dụng, nhằm chủ động hơn trong công việc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là kinh phí hoạt động hạn hẹp trong khi ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận dân cư chưa cao”. Để đảm bảo kinh phí chi trả cho các hoạt động, mỗi tháng HTX thu phí thu gom rác của mỗi gia đình 7.000 đồng. Song, trong số 1.300 hộ dân thì chỉ 70%- 80% chấp hành nghiêm túc việc đóng phí môi trường, còn lại vì lý do này lý do khác, các hộ dân vẫn chây ỳ với điệp khúc “gia đình có khả năng chôn lấp rác trong vườn nhà” hoặc “trước nay không có việc thu gom cũng có sao đâu”. Ông Quế tiếp lời: “Tính ra, mỗi tháng HTX thu về khoảng 7- 8 triệu đồng, riêng tiền thuê xe chuyên chở cũng đã “ngốn” trên 5 triệu đồng rồi, chưa kể tiền lương cho công nhân, dụng cụ bảo hộ…” Thế cho nên, đã hai tháng nay những xã viên trong HTX môi trường xã Cẩm Bình đành “vác tù và hàng tổng” vì bị nợ tiền lương! Bác Trác Thị Lan, tổ trưởng tổ thu gom gạt mồ hôi sau chuyến rác từ các thôn về địa điểm tập kết tâm sự: “Phần lớn người dân trong xã đã có thói quen gom trữ rác thải gia đình theo đúng quy định, tuy nhiên vẫn có những hộ gia đình gần như phó mặc cho đội thu gom, thậm chí cả xác động vật chết cũng không chôn cất mà vứt theo rác sinh hoạt, bốc mùi rất khó chịu. Thực tế với số tiền thù lao khoảng 400 nghìn đồng mỗi tháng thì chẳng thấm tháp gì so với công sức và độc hại chúng tôi phải chịu. Song, vì trách nhiệm với cộng đồng chúng tôi vẫn quyết tâm làm tốt nhiệm vụ của mình”. Dưới cái nắng gay gắt buổi chiều, khuôn mặt các chị đỏ rần, những giọt mồ hôi lũ lượt lăn dài trên má vẫn miệt mài bốc xếp những chuyến rác cồng kềnh về bãi tập kết chờ chuyến xe vào sáng sớm ngày mai.
Trên thực tế, những khó khăn của HTX Điện& môi trường xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cũng là khó khăn chung của các mô hình thu gom rác thải nông thôn hiện nay. Phần lớn do thiếu kinh phí nên các HXT chọn giải pháp tình thế, chờ đống rác đủ một lượng “kha khá” thì mới bốc đi. Dẫu gì điều đó cũng gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường nông thôn. Và điều quan trọng nhất chính là trách nhiệm, hành vi của cả cộng đồng đối với thu gom rác nông thôn. Người tiến bộ ủng hộ cách làm hay đã đành, một số hộ dân đưa ra nhiều lý do khiến công tác vận động trở nên khó trăm bề! Đặc biệt là khi chế tài quản lý còn lỏng lẻo càng tạo điều kiện cho họ chây ỳ, ỷ lại khiến người tích cực cũng muốn nản lòng, so bì, trăn trở. Tỷ lệ người đóng góp ít, không ít đề án đang đi vào ngõ cụt.
Đi dọc trục đường chính của một số xã, nhiều thùng rác công cộng được dựng lên bên cạnh các trụ sở và công trình công cộng như một nét đẹp văn hóa mới. Cảnh quan môi trường nông thôn đang ngày càng sạch hơn, văn minh hơn. Thiết nghĩ, vấn đề thu gom rác đang trở nên quan trọng không chỉ vì đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, quá trình đô thị hóa và dân số cơ học nông thôn tăng nhanh đặt ra chiến lược dài hơi cho mỗi địa phương về thu gom, xử lý rác thải. Nên chăng, chính quyền xã Cẩm Bình nói riêng và các địa phương có mô hình HTX môi trường cần có một chế tài rõ ràng, nghiêm minh hơn, nhằm quản lý, xử lý hành vi vi phạm, đồng thời phát huy trách nhiệm của cộng đồng.
NGUYỄN OANH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;