Học tập đạo đức HCM

Mùa xuân ở những xã nông thôn mới

Thứ tư - 04/03/2015 20:17
Gió những ngày đầu năm se se lạnh. Đi về một số vùng nông thôn trong tỉnh Long An vào thời gian này, ngoài sắc xuân của đất trời, chúng tôi còn cảm nhận được một mùa xuân khác đang hiện diện nơi đây.

Nông thôn đã mới

Ba năm xây dựng nông thôn mới là thời gian không dài nhưng sự đổi mới ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước (tỉnh Long An), đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Những dấu tích của chiến tranh đã không còn. Giờ đây, dáng dấp của một vùng nông thôn hiện đại nhưng vẫn giữ được cho mình nét truyền thống xưa đang hiện lên trong từng ngôi nhà ngói với cổng rào xanh, từng con đường được trải nhựa, từng tiếng đờn của các tài tử thảy lên dìu dặt trong buổi sinh hoạt hằng đêm... Bà Nguyễn Thị Trinh, Bí thư xã Tân Lân cho biết, nếu năm 2012, toàn xã có 122 hộ nghèo thì đến hết năm 2014, số hộ nghèo chỉ là 51 hộ. Xã đang phát triển mạnh về nghề chăn nuôi, gắn với bao tiêu sản phẩm, vì thế thu nhập của người dân ngày càng ổn định và được nâng lên. Dù là một trong những xã có số đàn gà nhiều nhất huyện, nhưng môi trường trên địa bàn xã vẫn được bảo đảm. Đây là bài toán khó đòi hỏi chính quyền và nhân dân Tân Lân cần có nhiều giải pháp để phát huy và duy trì trong thời gian tới.

Cũng là một vùng nông thôn đang "thay da đổi thịt", xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An bây giờ không còn là một nơi nổi tiếng vì tệ nạn hay những "con đường đau khổ" vào những ngày mưa. Cách đây chừng 3, 4 năm, khi đi công tác ở Hòa Phú, chúng tôi thường ái ngại với những con đường thường xuyên đọng nước, gập ghềnh, bởi những quán xá luôn ẩn chứa nhiều "hiểm nguy" bất kể ngày hay đêm. Vậy mà khi trở lại trong những ngày đầu năm 2015, Hòa Phú như một vùng đất khác, hiện đại hơn và an toàn hơn. Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Hòn lý giải, Hòa Phú có được như hôm nay, mỗi cán bộ, người dân trong xã phải nỗ lực gấp hai, ba lần. Chúng tôi tin điều đó. Trước khi xây dựng nông thôn mới, xã có xuất phát điểm thấp, chỉ có 2 km đường đan giao thông nông thôn. Và để có những đổi thay bất ngờ như hôm nay, tập thể cán bộ và nhân dân Hòa Phú phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: vừa xây dựng xã văn hóa, vừa xây dựng xã nông thôn mới. Bằng những nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị như lời của Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Hòn "cán bộ đi xuống ấp nhiều hơn ở cơ quan", Hòa Phú đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Sau ba năm, xã đã hoàn tất các tiêu chí về xã nông thôn mới lẫn văn hóa. Những điểm tệ nạn đã được quét sạch, hộ nghèo từ 32 hộ nay chỉ còn năm hộ và đường đan đã được trải dài đến 25 km. Hỏi đồng chí Hòn nguyên nhân do đâu, anh chỉ đưa ra con số đầu tư xây dựng nông thôn mới của huyện là 113 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 65 tỷ đồng. Nguồn lực trong dân, sự đồng tình lớn của người dân chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để Hòa Phú về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới như hôm nay.

Khi lòng dân đã thuận Hôm đến xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, một xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, đang gấp rút hoàn thành những chỉ tiêu cuối cùng về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Mỗi câu chuyện tưởng chừng như bình thường, nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao trong công tác dân vận, trong việc đi tìm sự đồng thuận của dân. Chủ tịch UBND xã Tân Tây Lê Văn Lợi (huyện Thạnh Hóa) cho biết, khi huyện chọn Tân Tây làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2013 - 2015) không chỉ vì lợi thế về tự nhiên mà chủ yếu là công tác vận động quần chúng tại địa phương luôn được đánh giá cao. Có lẽ truyền thống làm tốt công tác vận động quần chúng có được từ những ngày đầu Tân Tây ra đời khi được tách ra từ hai xã Tân Đông và Thủy Đông vào năm 1989.

Với bộn bề khó khăn, đảng, chính quyền, và nhân dân Tân Tây phải từng bước tháo gỡ từng cái khó một để xây dựng xã nhà đi lên. Từ không có đường bộ, xã vận động người dân đào kênh lấy đất làm đường, rồi để đường dễ đi, xã kêu gọi nhân dân cùng chính quyền san bằng, rải đá. Khó đến đâu, nhân dân ủng hộ đến đó, nên hệ thống giao thông nông thôn ở Tân Tây đã từng bước hình thành.

Khi được chọn là xã điểm của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2015, Tân Tây chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Do xuất phát điểm khá thấp, cấp ủy xã xác định mỗi cán bộ phải nỗ lực gấp nhiều lần, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thành công xã nông thôn mới. Với địa bàn khá nhiều kênh rạch, những con đường dẫn đến năm ấp trong xã còn nhỏ hẹp nên hầu hết người dân đều ủng hộ các chủ trương của xã để hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng giao thông nông thôn. Chị Võ Thị Kim Chi, ấp 1, xã Tân Tây, chỉ tay về phía con lộ đan thẳng tắp nối liền ấp 1 đến ấp 2 vừa mới hoàn thành. Chị cho biết, trước đây con đường liên ấp này chỉ là đường đất sình lầy nhỏ hẹp, nằm cạnh con rạch Cá Ràng. Do nhà chị nằm cạnh con đường nên khi xã phát động mở rộng lộ để giao thông thuận lợi, gia đình chị đồng ý ngay dù mất hơn ba công đất. Giờ đây, con đường khang trang đã hình thành, xe qua lại tấp nập, khiến nhiều lúc chị Chi và nhiều người dân không nghĩ đó là sự thật. "Trước đây, tôi không nghĩ ở xã có con lộ liên ấy rộng rãi và chắc chắn như vậy đâu. Có con đường đàng hoàng, con em đi học thuận tiện, người dân buôn bán cũng dễ dàng hơn nên chúng tôi sẵn sàng hiến đất" - chị Chi cho biết.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây Lê Văn Lợi cho biết, hầu hết người dân đều đồng tình với chủ trương của xã, nhưng vẫn còn một vài hộ chưa hiểu hết được ý nghĩa của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với những trường hợp này, đòi hỏi công tác dân vận của các cán bộ phải thật khéo. Đồng chí Lợi nhớ lại một trường hợp ở ấp 1 không đồng tình hiến đất để làm con đường liên xã Thủy Tân. Xã đã tổ chức đoàn đi vận động nhiều lần nhưng đều thất bại. Đến khi đồng chí Lợi đến vận động thì mọi việc lại được giải quyết êm đẹp và hộ dân ấy đồng ý hiến hơn hai công đất để làm đường. "Khi vận động, chúng ta phải đề cao vai trò của người dân, phải để người dân thấy được chương trình xây dựng nông thôn mới là vì người dân và do nhân dân làm chủ, do đó mỗi sự đóng góp của họ là vô cùng có ý nghĩa. Khi vận động được hộ dân cuối cùng này, tôi mừng lắm. Ông ấy cũng mừng và tổ chức liền bữa tiệc nhỏ. Dù bị đau bao tử, nhưng hôm ấy có lẽ vì quá vui mà tôi cảm thấy cơn đau cũng nhẹ hều à" - đồng chí Lê Văn Lợi nhớ lại. Hiện tại, Tân Tây cơ bản đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và nhiều khả năng là xã đầu tiên của Thạnh Hóa đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm nay.

Một mùa xuân nữa lại đến. Trong buổi chiều đầu năm mới, chúng tôi đến thăm ấp 5, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, khi ra về, trên con lộ đan rộng gần bốn mét, trẻ em nơi đây đã ùa lên con đường, có lẽ con đường ấy chỉ từng hiện hữu trong giấc mơ của ba mẹ các em, để chơi cầu lông, nhảy dây. Dưới cái nắng chiều lây rây, cùng những cơn gió mùa xuân thổi nhẹ, không khí buổi chiều trên khu dân cư bỗng nhộn nhịp, rộn ràng hẳn lên. Và từ đây, sẽ có thêm nhiều buổi chiều ấm cúng, sôi động như thế trên khắp miền quê Long An - những miền quê của nông thôn mới.

 

BÀI, ẢNH: VÕ MẠNH HẢO
nguồn: nhandan.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập428
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm427
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại857,450
  • Tổng lượt truy cập92,031,179
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây