Học tập đạo đức HCM

Nhạo Sơn, “bức tranh” đa sắc

Thứ tư - 12/12/2012 19:14
Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27/12/2006 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân được ví như “đòn bẩy” giúp xã Nhạo Sơn (Sông Lô) triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Và những nỗ lực của địa phương đã được hỗ trợ thêm sức mạnh khi vừa qua, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc ký hợp tác liên tịch với UBND xã Nhạo Sơn nhằm thúc đẩy quá trình XDNTM tại đây.

Ông Đường Văn Toán (phải) tặng bản tin khoa học và nông thôn mới cho xã Nhạo Sơn.

Dấu ấn...

Là xã miền núi của huyện Sông Lô với địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra các hiện tượng bất thường của thời tiết như mưa kéo dài, sương muối… nên sản xuất nông nghiệp ở Nhạo Sơn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó và quyết tâm thay đổi diện mạo làng quê của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây, sau hơn 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Nhạo Sơn đã ghi được nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể; hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ; diện mạo nông thôn ngày một khang trang hơn, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Dẫn chúng tôi đi thăm thôn Cửa Ngòi, ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Nhạo Sơn cho biết: Từ khi có Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã quán triệt tinh thần và tuyên truyền vận động nhân dân triển khai. Sau một thời gian thực hiện, xã đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu như trong công tác xây dựng hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xã đã cứng hoá được 4,4km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 2 hồ thuỷ lợi phục vụ tưới cho 115ha lúa và hoa màu; bê-tông hoá 10,6km đường giao thông nông thôn…

Về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và dạy nghề cho nông dân, xã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, cơ quan chuyên môn cấp trên mở 1 lớp trung cấp; 2 lớp sơ cấp nghề và 16 lớp dạy nghề ngắn hạn (chủ yếu là các nghề trồng trọt và chăn nuôi) với 656 người tham dự; xây dựng 12 mô hình trình diễn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tạo ra phong trào thi đua sản xuất sôi nổi trong nông dân…

“Đặc biệt, trong quá trình XDNTM, được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, xã đã tổ chức 8 hội nghị và 2 hội thảo về chương trình. Nếu như cuối năm 2010, xã mới đạt 5/19 tiêu chí NTM thì đến nay chúng tôi đã đạt 9/19 tiêu chí như giáo dục, chợ nông thôn, xóa nhà tạm, dột nát…”, ông Lượng nói.

Để đạt được kết quả trên, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp sức của nhiều cơ quan, ban ngành, theo ông Lượng, còn phải kể đến sự chia sẻ, hỗ trợ của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân tỉnh thông qua việc mở các lớp tập huấn về XDNTM. Theo đó, đã có gần 500 lượt người được truyền đạt những nội dung cơ bản của chương trình, từ đó, nhân dân nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của mình trong XDNTM. Đặc biệt là, sau khi được tập huấn, đa phần bà con đều có nhu cầu tham gia các lớp đào tạo, tập huấn khác để việc thực hiện XDNTM đạt kết quả tốt hơn.

Bài học từ thôn điểm

Mặc dù Nhạo Sơn không phải là xã điểm của huyện Sông Lô nhưng lại được coi là điểm sáng trong phong trào XDNTM, được lãnh đạo huyện đánh giá cao.

Ông Lê Thanh Tĩnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Để đạt được thành tích đó, chúng tôi đã chỉ đạo, tổ chức và triển khai chương trình XDNTM đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với nhiều giải pháp, cách làm cụ thể như giao cho Ban Phát triển nông thôn của từng thôn điều tra, chấm điểm cụ thể các công trình của từng hộ so với tiêu chí NTM, sau đó thông báo các tiêu chí đã đạt và chưa đạt để các hộ có hướng phấn đấu; chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong XDNTM, cụ thể là cán bộ trong Ban chấp hành Đảng uỷ, trưởng ban ngành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phải hoàn thành bê-tông hoá đường từ hộ nhà mình cho đến đường trục xóm trong năm 2012.

Tuy nhiên, theo ông Tĩnh, điểm đột phá trong XDNTM của Nhạo Sơn là bắt đầu từ thôn điểm Cửa Ngòi. Ngay từ những ngày đầu thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, thôn Cửa Ngòi đã thành lập Tiểu ban vận động xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá; xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hoá mới và phổ biến rộng rãi để nhân dân cùng bàn bạc, thống nhất thực hiện. 

Ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch 
UBND xã Nhạo Sơn.

Ban công tác Mặt trận thôn cũng xây dựng các nội dung thi đua cụ thể để bà con thực hiện như: toàn dân đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm lo sức khoẻ ban đầu; thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình; đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, không có trẻ bỏ học, trẻ mắc các tệ nạn xã hội; học sinh nghèo được giúp đỡ, học sinh giỏi được khuyến khích; 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ… tổ chức theo đúng hương ước của thôn…

Với những biện pháp tích cực trên, cộng với sự đoàn kết, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, đến nay, thôn Cửa Ngòi đã đạt được những thành tích đáng nể, số hộ được công nhận gia đình văn hoá hàng năm đều tăng. Thôn hiện có 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá; số hộ nghèo còn 11% (giảm 9% so với năm 2004); số hộ khá, giàu chiếm trên 30%.

Để tiếp sức cho Cửa Ngòi sớm hoàn thành mục tiêu XDNTM, vừa qua, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng UBND xã Nhạo Sơn ký hợp tác liên tịch xây dựng mô hình điểm NTM. Theo đó, hai bên cùng thống nhất 10 nội dung, giải pháp để thực hiện như xây dựng bản tin khoa học kỹ thuật và NTM tại thôn; mời chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn cho người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; mở lớp cho 100% người dân có nhu cầu nâng cao kiến thức, ở vùng dự án sẽ mở các lớp chuyên sâu về từng tiêu chí XDNTM…

Ông Lê Đình Phùng, Trưởng thôn Cửa Ngòi cho biết: Thôn chúng tôi có lợi thế về đất đai, vị trí địa lí, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, lực lượng lao động khá dồi dào nhưng lại thiếu kiến thức kỹ thuật, trình độ sản xuất còn hạn chế nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng. Do đó, việc được Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ vừa là vinh dự cho thôn, vừa giúp chúng tôi có thêm động lực để đẩy nhanh quá trình XDNTM. Hiện, thôn đang lựa chọn các hộ gia đình để triển khai mô hình điểm như nuôi dúi, gà, trồng thanh long, bưởi Diễn… Đặc biệt, chương trình “tiếng trống học bài” đã đi vào cuộc sống của người dân. Theo đó, các hộ đều xây dựng góc học tập cho các cháu, bắt đầu từ 19 giờ từ chủ nhật đến thứ 6 hằng tuần, tiếng trống được dóng lên nhắc các cháu ngồi vào bàn học bài, nhắc các hộ cho nhỏ ti vi, đài, giữ yên tĩnh cho các cháu học. Điều này được người dân trong thôn ủng hộ nhiệt tình.

“Với những nội dung và giải pháp thiết thực, hy vọng chương trình XDNTM ở thôn điểm Cửa Ngòi sẽ sớm thành công, góp phần giúp người dân trong thôn nói riêng và xã Nhạo Sơn nói chung có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, thực sự là bức tranh nông thôn mới đa sắc màu”, ông Đường Văn Toán, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ hy vọng.

Trâm Anh

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập319
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại875,207
  • Tổng lượt truy cập92,048,936
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây