Để phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM" không trừu tượng, đi vào đời sống thanh niên nông thôn, Thành đoàn Hà Nội đã khảo sát, nắm bắt cơ sở và triển khai mô hình điểm "Chi đoàn NTM" tại 6 xã gồm: Thụy Hương (Chương Mỹ), Đại Áng (Thanh Trì), Song Phượng (Đan Phượng), Mai Đình (Sóc Sơn), Võng Xuyên (Phúc Thọ), Tây Tựu (Từ Liêm). Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi, diễn đàn xây dựng tiêu chí cho mô hình điểm và ban hành hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện. Có thể nói, 10 tiêu chí xây dựng "chi đoàn NTM" Thành đoàn Hà Nội ban hành đều bám sát với các tiêu chí của TƯ về xây dựng NTM gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội.
Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, một trong những địa phương xây dựng mô hình điểm “Chi đoàn nông thôn mới”. Ảnh: Tào Ngọc |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, bộ tiêu chí đã bộc lộ một số điểm khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Tại hội nghị đánh giá kết quả bước đầu triển khai mô hình này, nhiều cơ sở cho rằng một số tiêu chí cần điều chỉnh, bổ sung cho sát với thực tiễn, cơ sở dễ thực hiện. Theo Bí thư Đoàn xã Thụy Hương Nguyễn Thị Duyên, tiêu chí "Một chi đoàn NTM cần có địa điểm sinh hoạt, có tủ sách thanh niên, được trang bị máy tính nối mạng internet, có hòm thư điện tử phục vụ cho liên lạc nắm bắt thông tin" cần điều chỉnh, bởi cơ sở vật chất như nội dung của tiêu chí thì ngay Đoàn cơ sở cấp xã cũng chưa thể có, chưa kể đến cấp chi đoàn. Thêm nữa, tiêu chí "100% đoàn viên trong chi đoàn tổ chức cưới hỏi bảo đảm tiết kiệm, lành mạnh, văn minh; không có cưới tảo hôn; không sinh con thứ 3 trở lên" cũng đang làm khó cho nhiều thanh niên địa phương nếu thực hiện ngay, bởi vấn đề cỗ cưới ở nông thôn đa phần bố mẹ cô dâu, chú rể quyết định, cần phải tuyên truyền vận động từng bước. Bí thư Đoàn xã Tây Tựu Phan Thị Thu Giang băn khoăn ở tiêu chí "Mỗi chi đoàn có ít nhất một mô hình kinh tế hàng năm có doanh thu từ 200 triệu đồng trở lên" là vượt sức cấp chi đoàn. Bởi trong bối cảnh tình hình kinh tế như hiện nay, sản xuất, kinh doanh ngừng trệ, chăn nuôi khó khăn. Có nơi, các ngành, đoàn thể hỗ trợ cho vay vốn sản xuất cũng khó xoay xở làm ăn đạt doanh thu 200 triệu đồng, huống chi tự hộ gia đình thanh niên làm kinh tế đạt mức thu nhập như tiêu chí đưa ra. Ngoài ra, theo Bí thư Đoàn xã Tây Tựu, tiêu chí "100% hộ gia đình đoàn viên thanh niên có công trình vệ sinh, hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh" cũng cần điều chỉnh, vì nông thôn hộ gia đình nào cũng chăn nuôi từ quy mô nhỏ đến lớn; hệ thống chuồng trại không phải nơi nào cũng được đầu tư quy mô, đồng bộ, nên tiêu chí này dù nghe qua có thể dễ, song không phải đâu cũng làm được.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết, đây là mô hình điểm, nên trong quá trình triển khai còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Hiện nay, ngoài nghiên cứu, xem xét hỗ trợ cho 6 mô hình điểm, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn thanh niên các huyện có mô hình điểm "Chi đoàn NTM" tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở và kêu gọi xã hội hóa nhằm tạo nguồn lực cho mỗi chi đoàn, nhất là việc trang bị cơ sở vật chất cho chi đoàn hoạt động, sinh hoạt. Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Ban thanh niên nông thôn thường xuyên dự sinh hoạt với các chi đoàn điểm, từ đó rút ra những ưu điểm, hạn chế, tích cực tham mưu với Thành đoàn triển khai nhân rộng mô hình này trong năm 2013. Nhận thấy sự cần thiết trong điều chỉnh các tiêu chí và đồng ý các đề xuất, kiến nghị của cơ sở, chỉ sau ba ngày hội nghị rút kinh nghiệm xây dựng điểm mô hình chi đoàn NTM, Ban thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội đã có Tờ trình xin chủ trương hỗ trợ cơ sở vật chất, chính sách cho chi đoàn NTM. Đó là trang bị máy tính, máy chiếu và tủ sách phục vụ sinh hoạt chi đoàn và cung cấp thông tin cần thiết về các lĩnh vực cuộc sống; hỗ trợ ba mô hình phát triển kinh tế của thanh niên (mỗi mô hình 50 triệu đồng) bằng hình thức trang thiết bị, cây, con giống để xây dựng mô hình điểm chi đoàn NTM.
Từ nay đến cuối năm 2012, Thành đoàn Hà Nội sẽ đánh giá, tổng kết và tiếp tục điều chỉnh các tiêu chí xây dựng mô hình "Chi đoàn NTM" và xã hội hóa các nguồn lực để nhân rộng mô hình này. Hy vọng rằng, từ mô hình điểm "Chi đoàn NTM" ở 6 xã vùng ngoại thành, Thành đoàn Hà Nội có cơ sở triển khai, nhân rộng gần 10.000 chi đoàn nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;