Học tập đạo đức HCM

Nông dân mà không giàu thì nông thôn mới có ý nghĩa gì?

Thứ năm - 28/02/2013 02:33
Nhờ quy hoạch diện tích đất canh tác hợp lý, hệ thống hạ tầng nông thôn được xây dựng hoàn thiện từ trong thôn xóm đến đồng ruộng, Thanh Văn (Thanh Oai - Hà Nội) đã gặt hái được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội dù xuất phát điểm chỉ là xã thuần nông.

Đây cũng là một trong số ít địa phương mà người dân được hưởng chế độ phúc lợi xã hội tiên tiến.

Dựa vào nông nghiệp để phát triển

Thanh Văn có tổng diện tích đất trên 600ha, trong đó có 444,5ha trồng lúa; dân số 6.520 người (trên 3.000 lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp).

Ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nếu như nhiều địa phương chọn công nghiệp, dịch vụ làm bàn đạp để phát triển thì Thanh Văn không có được tiền đề này nên phải dựa vào nông nghiệp để đi lên, vì đó là thế mạnh của xã. Ngày xưa, Thanh Văn là vùng đất nổi tiếng với loại gạo Bồ nâu tiến vua, tên gạo cũng gắn với tên một thôn trong xã”.

Trước đó, để khai thác hiệu quả đồng đất, chính quyền xã Thanh Văn đã vận động bà con tập trung chuyển đổi phần lớn diện tích đất canh tác sang thâm canh giống lúa Bắc thơm, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm cung ứng cho thị trường loại gạo chất lượng cao, nhưng muốn thâm canh thì cần quy hoạch lại đồng ruộng. Theo đó, từ 10 năm trước, xã đã sớm quy hoạch lại đất đai với phương châm: làm đường to, kênh mương cầu cống thông thoáng, thuận tiện cho đi lại và tưới tiêu. Đến năm 2003, xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa với kết quả khá khả quan, mỗi hộ chỉ còn 1-2 ô ruộng.

Với cách làm mới, năng suất lúa Bắc thơm ở Thanh Văn đạt khá cao, 5,2-5,5 tấn/ha, giá bán cao hơn 40% so với các giống lúa thường, cho thu nhập bình quân 70-100 triệu đồng/ha. Tiếng “thơm” từ những hạt thóc của người Thanh Văn ngày càng bay xa. Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 400ha gieo trồng giống lúa Bắc thơm, trong đó 200ha đã lập hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo Thanh Văn.

Cũng từ hơn 10 năm trước, cùng với việc trồng lúa, Thanh Văn đã chủ động phát triển mô hình kinh tế trang trại. Đến nay, toàn xã đã chuyển được 150ha trồng lúa năng suất thấp sang làm trang trại, với trên 50 hộ tham gia theo mô hình kết hợp lúa, cá, vịt và trồng các loại cây ăn quả đặc sản như bưởi Diễn, chuối tiêu hồng… Hầu hết các trang trại đều có thu nhập cao gấp 2 lần trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Muốn tăng năng suất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác còn phải đầu tư nhiều thứ: xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, đẩy mạnh cơ giới hóa, giống, phân bón chất lượng tốt,… nhưng trước đây, người dân Thanh Văn nghèo lắm, lấy đâu ra tiền đầu tư? Ông Thỉnh tiết lộ: “Cái khó ló cái khôn. Không có tiền đầu tư làm lực đẩy phát triển, chúng tôi đành dựa vào đất. Với lợi thế bình quân diện tích trên đầu người khá lớn (2,7 sào/người), trong quá trình dồn điền đổi thửa, xã đã tổ chức bàn bạc và được tất cả các hộ đồng ý mỗi khẩu “co” lại còn 2,5 sào, nhờ đó dôi ra 0,2 sào/khẩu để xã quy hoạch vào một khu rồi chuyển thành đất thổ cư giãn dân. Khi thành đất thổ cư, giá bán đất vào lúc “sốt” lên tới 3-5 triệu đồng/m2. Nhờ chuyển đổi, chuyển nhượng nên nhiều gia đình có tiền làm nhà khang trang, trả hết nợ nần, tái đầu tư cho sản xuất, xã cũng có tiền xây dựng nông thôn mới (XDNTM)”.

Đời sống ấm no

Theo ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn, chưa đầy 2 năm qua, toàn xã có thêm 400 nhà dân được xây mới; làm xong hơn 20km đường bê-tông rộng 4m, dày 20cm, góp phần giúp xã hoàn thành toàn bộ hệ thống đường làng, đường liên thôn và đường nội đồng. Xã cũng đã đưa điện ra đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, trang trại với trên 3km đường dây hạ thế 3 pha.

Giữa làng, giờ có đền thờ Bác Hồ ngự giữa ao sen, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngát khói hương, trường học, trụ sở các thôn, UBND xã… được xây mới khang trang. Ông Hồng Quang Phấn ở thôn Bạch Nao kể, cách đây 10 năm, đời sống người dân Thanh Văn đói nghèo cơ cực lắm, nhiều gia đình phải sống trong cảnh nhà tranh vách đất, mùa mưa bị úng ngập triền miên, đường làng nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Thế nhưng nay thì khác, đời sống người dân ấm no, nhà nào cũng xây kiên cố, đường làng, ngõ xóm thênh thang nối từ thôn sang thôn, từ làng ra đồng, từ ruộng đến trang trại…

Ông Thỉnh bày tỏ quan điểm: “Trong XDNTM, chúng tôi lấy mục tiêu là Đảng phải mạnh, dân phải giàu, đời sống vật chất tinh thần đi lên, an sinh xã hội được đảm bảo. Nông dân mà không giàu thì nông thôn mới có ý nghĩa gì chứ?”.

Nông dân được nhận lương “hưu”

Bây giờ, người dân Thanh Văn còn có thêm nhiều niềm vui khác để khoe với khách. Ông Phấn hồ hởi nói: “Chúng tôi vẫn nghĩ làm nông cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, biết bao giờ mới có “lương hưu”. Thế mà từ 2 năm nay, tháng nào chúng tôi cũng được nhận 300.000 đồng, tuy chỉ đủ tiền đong gạo, nhưng cũng “oai” không kém cán bộ nghỉ hưu”.

Ông Tuấn cho biết, từ ngày 19/4/2011, người trên 60 tuổi ở xã Thanh Văn bắt đầu được nhận tiền “hưu” hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân của xã. Chế độ này sẽ được duy trì cho đến hết đời. Năm 2012, toàn xã có 586 người được nhận mức 300.000 đồng/người/tháng; từ tháng 1/2013, có 660 người từ 60 tuổi trở lên được nhận tiền với mức 350.000 đồng/người/tháng. Dự kiến từ tháng 1/2014, lương hưu được nâng lên 400.000 đồng và từ tháng 1/2015 là 500.000 đồng/người/tháng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, con đường tạo “lương hưu” cho nông dân Thanh Văn cũng khá gian nan. Trước đó, vào tháng 5/1989, Thanh Văn đã có “Quỹ hưu nông dân”, được HTX Nông nghiệp Thanh Văn cấp 20 tấn thóc, bán lấy 10 triệu đồng. Số tiền này gửi vào Trung tâm tín dụng của huyện Thanh Oai, lấy lãi hỗ trợ những nông dân cao tuổi. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Quỹ này bị lõm cả vào vốn gốc, không đủ chia cho những đối tượng được hưởng, đành dừng hoạt động. Đến năm 2000, xã tái thành lập Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân bằng cách mỗi người đóng góp vào quỹ 20.000 đồng/tháng, khi đến 60 tuổi trở lên sẽ được nhận tiền “hưu”. Thế nhưng qua gần 10 năm triển khai, đến năm 2009, mới có chưa tới 250 người đăng ký thành viên, vì phần lớn người dân chưa tin việc phát “lương hưu” sẽ trở thành hiện thực. Vì thế, Quỹ phải huy động sự tham gia đóng góp của các nhà hảo tâm, vận động các tổ chức, cơ sở… nhằm mục đích chăm lo đời sống cho nông dân khi về già.

Ròng rã tích lũy suốt gần một thập kỷ, tổng số tiền thu được từ các nguồn đến năm 2009 chỉ được khoảng 1 tỷ đồng. Bước “đột phá” cho Quỹ chính là vào năm 2010, khi Quỹ được bổ sung khoản tiền dồi dào gần 30 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm thu chi của các thôn trong quá trình xây dựng hạ tầng. Theo tiết lộ của lãnh đạo xã Thanh Văn, kinh phí để xây dựng hạ tầng này cũng là nhờ việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất. Khi xây dựng các công trình, người dân tự thiết kế, thi công nên giảm được gần 50% chi phí so với thuê nhà thầu, do vậy xã dôi ra được số tiền lớn để chuyển vào Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi xã.

Với số tiền hơn 30 tỷ đồng gửi vào ngân hàng lấy lãi, đến đầu năm 2011, Quỹ này đã đủ lực biến khát vọng “lương hưu” cho nông dân thành hiện thực.

Hiện nay, không chỉ những người từng tham gia đóng tiền vào Quỹ mà tất cả những người từ 60 tuổi trở lên có hộ khẩu ở xã mà không có lương hưu đều được cấp sổ để hàng tháng nhận tiền “hưu”. Chủ trương từ năm 2020 trở đi, chỉ những người hàng tháng đóng tiền vào Quỹ (với mức 20.000 đồng/tháng), khi đến 60 tuổi mới được nhận tiền “hưu”.

Giờ đây, hầu hết nông dân đang trong độ tuổi lao động ở Thanh Văn đều bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng chi trả “lương hưu” của Quỹ nên nhiệt tình tham gia đóng góp. Tính đến ngày 31/12/2012, toàn xã có 1.100 thành viên đóng tiền vào Quỹ; tổng số vốn của Quỹ hiện lên tới 42,3 tỷ đồng. Thanh Văn phấn đấu đến năm 2015 có 2.000 thành viên với số vốn 50 tỷ đồng. Định hướng của xã là ngoài trả tiền “hưu”, Quỹ sẽ được sử dụng để mua bảo hiểm y tế cho nông dân, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh trên địa bàn.

“Với hơn 42 tỷ đồng gửi vào các ngân hàng, khoản tiền lãi hàng tháng của Quỹ khoảng 280 triệu đồng, đủ chi trả cho 660 người với mức 350.000 đồng/người/tháng, không lo “ăn” vào vốn gốc. Vốn gốc sẽ ngày càng tăng do tiền đóng góp của các thành viên tham gia, bởi vậy Quỹ sẽ hoạt động lâu dài, không lo bị vỡ. Mức tiền “hưu” của nông dân sẽ tăng theo thời gian để tiến dần tới đảm bảo cuộc sống cho những người đã hết tuổi lao động. Và đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong XDNTM mang màu sắc Thanh Văn”, ông Thỉnh khẳng định.

Chu Khôi
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập320
  • Hôm nay52,384
  • Tháng hiện tại827,662
  • Tổng lượt truy cập92,001,391
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây