Quê nghèo thức giấc
Về Thanh Tân hôm nay, tôi cảm nhận được sự thanh bình của một vùng quê đang từng ngày từng giờ “thay da, đổi thịt”. Những cánh đồng lúa xanh mướt như thảm xanh bao bọc lấy xóm làng. Dạo một vòng quanh làng vào buổi sáng, tôi có cảm giác như mình đang ở trong một khu nghỉ dưỡng (resort) nào đó. Những con đường bêtông sạch sẽ, những hàng rào điệu đà bao bọc những vườn cây trĩu quả. Thấp thoáng đâu đó trên đường làng, dưới tán cây những chiếc xe ôtô của người làm ăn xa về thăm quê vào dịp cuối tuần. Ngoài vẻ trù phú, nơi đây còn giữ được những nét đặc trưng nông thôn miền Bắc với những con đường làng quanh co, nhưng nếp nhà mái ngói thâm nâu. Câu chuyện về con đường lên no ấm của mảnh đất này khiến người ta khâm phục.
Cảnh đường làng xã Thanh Tân
Dẫn tôi đi trên con đường làng vừa được trải bê tông từ chính sự đóng góp của người dân, tôi cảm nhận được niềm vui trên khuôn mặt của vị lãnh đạo xã Thanh Tân. Đến đâu, ông cũng minh chứng cho tôi từng việc làm cụ thể từ chính các chuyên đề đã được ban hành. Trên các cánh đồng, từng ô, thửa ruộng được quy hoạch theo hướng dồn điền, đổi thửa rất rộng. Đường nội đồng nối với đường thôn bằng bê tông kiên cố, đủ rộng để các loại xe cơ giới, thu hoạch có thể xuống đồng. Nếu như trước khi dồn điền đổi thửa, xã Thanh Tân có 3,25 thửa/hộ thì nay chỉ còn 1,5 thửa/hộ. Máy cày, máy gặt đã xuống từng thửa ruộng, ôtô chạy khắp cánh đồng… Hệ thống mương tưới tiêu bám theo đường giao thông luôn đảm bảo nguồn nước canh tác.
Về Thanh Tân dễ nhận thấy là cảnh quan, môi trường trong sạch, các gia đình đều thực hiện ngõ sạch, nhà sạch, vườn cây đẹp… Chủ tịch UBND xã Bùi Mạnh Hà chia sẻ: “Một trong những tiêu chí của nông thôn mới là phải có môi trường xanh, sạch. Vì thế, từ sáng kiến của một cựu chiến binh, chúng tôi đã tổ chức phát động phong trào, mỗi con đường trồng một loại cây như đường chỉ chuyên trồng cau, đường chuyên trồng cây tán thấp. Còn vệ sinh, thì nâng cao ý thức người dân như trong các buổi họp, chúng tôi có nói nếu ai vứt rác bừa bãi ra đường, người đó không phải là dân ở Thanh Tân”.
Không chỉ có sự thay đổi dáng vẻ bên ngoài, mà cái đích cuối cùng của Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới hướng tới là thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao mức sống cho bà con thì ở Thanh Tân vấn đề này đang hiện hữu rõ nét. Từ chỗ bà con chỉ biết quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì nay bên cạnh cây lúa, người dân còn biết kết hợp mô hình làm kinh tế mới. Cụm công nghiệp - dịch vụ, xã đã mở rộng các dịch vụ ngành nghề. Đến nay, có 7 doanh nghiệp đang đầu tư làm ăn, thu hút được 2.200 lao động là con em địa phương.
Muốn xây dựng nông thôn mới, phải có con người mới. Nhưng thay đổi cách nghĩ của người dân nông thôn là vấn đề không đơn giản chút nào khi cái hồn làng quê Việt vốn kết tinh hàng nghìn năm và thẩm thấu trong nếp ăn, nếp ở, phong tục, tập quán, kiến trúc, những thiết chế văn hóa làng xã... Chính vì thế khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã phổ biến rõ cho cả cán bộ và người dân rằng, đây là cuộc cách mạng mới của người dân làm cho chính mình. Quan điểm của chúng tôi trong xây dựng nông thôn mới là bảo đảm tính kế thừa, phát triển bền vững, vừa mang tính hiện đại, vừa giữ gìn đặc trưng, bản sắc văn hóa của địa phương. Giống như một cuộc “đại phẫu”, nhưng không phải là cắt gọt, loại bỏ hoàn toàn, mà chỉ lược bỏ những điều lạc hậu, bổ sung những cái còn thiếu.
Khi tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thông suốt thì xã tiến hành các cuộc họp mở rộng với sự tham dự của đảng viên trong toàn Đảng bộ, cán bộ xã, thôn, những bậc cao niên, những người có uy tín trong làng. Từ các cuộc họp đó, Đảng ủy, UBND xã lần lượt ban hành các chương trình hành động. Nói đến đây, ông Nhận đưa cho chúng tôi xem 7 chuyên đề về nông thôn mới của xã, bao gồm chuyên đề: Dồn điền đổi thửa; Phát triển kinh tế; Giải phóng mặt bằng giao thông xây dựng đường; Chăm sóc sức khỏe nhân dân; Thu gom phân loại xử lý rác thải; Đảm bảo an ninh trật tự trong nông thôn. “Chuyên đề nào cũng được cân, đo, đong, đếm, tổng hợp lại từ chính các cuộc tiếp xúc với nhân dân, từ các cuộc họp mở rộng để hình thành nên nó. Cũng từ đó, toàn Đảng bộ và nhân dân bắt tay vào làm nông thôn mới không đắn đo, do dự”, ông Nhân khẳng định.
Ðể bảo đảm công khai, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Bùi Mạnh Hà cho biết, trong 4 năm qua, nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ và nghiêm túc nên không xảy ra thắc mắc khiếu kiện trong dân, mọi vấn đề đều được công khai dân chủ, phân cấp mạnh cho thôn quản lý. Lãnh đạo thôn bàn trực tiếp với dân, làm tốt thì thôn và dân được hưởng, yếu kém phải chịu, nhân dân được trực tiếp tham gia việc thu, chi xây dựng công trình nên mọi người rất hăng hái đóng góp vốn đối ứng, định kỳ, lãnh đạo thôn báo cáo thu chi trước nhân dân, bảo đảm công khai minh bạch. Cách làm trên vừa bảo đảm dân chủ, vừa công khai minh bạch, người dân thật sự được làm chủ, điều đó đã góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Dựa vào sức dân
Thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tân có yếu tố quan trọng là đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung sức xây dựng nông thôn mới. Bí thư Ðảng ủy xã Phạm Văn Nhận khẳng định: Chính quyền địa phương đã biết dựa vào nhân dân, nhân dân phải thật sự là người quản lý, giám sát và thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, mọi người đều có quyền bình đẳng, được giám sát, phát hiện sai sót để xử lý kịp thời ngay từ cấp cơ sở.
Cụ Nguyễn Văn Lung đang giới thiệu về khu đất gia đình ông đã hiến để làm đường
Thực tiễn cho thấy, khi tính tự chủ của người dân được nâng lên, họ tham gia tích cực và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng nông thôn mới. Tại Thanh Tân, người dân không chỉ đóng góp bằng ngày công mà còn hiến đất cho các công trình công cộng, các thôn trong xã dấy lên phong trào thi đua góp sức xây dựng nông thôn mới. Trong 4 năm xây dựng nông thôn mới, ở Thanh Tân đã huy động được hơn 155 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20,48 tỉ đồng (kể cả tiền ngày công, hiện vật, đất ở...). Ngoài người dân tự nguyện hiến công, hiến của, Thanh Tân còn kêu gọi “đầu tư” từ con, em đang sinh sống hoặc làm ăn ở nơi khác đóng góp về xây dựng quê hương. Chỉ trong vòng 2 năm đã huy động con em đóng góp về cho quê hương được trên 600 triệu đồng.
Để đưa máy cày vào đồng ruộng, mỗi hộ trong xã thống nhất góp 18m2 ruộng làm đường. UBND xã cắm mốc giới mở đường tới đâu, dân trong xã tình nguyện hiến đất tới đó. Người hiến 50m vườn, người tặng 100m, ai cũng sẵn lòng. Chị Vũ Thị Hương, thôn An Cơ Bắc bộc bạch: “Tôi đọc báo thấy nhiều người dân ở miền Trung, miền Nam còn hiến tặng hàng nghìn m2 đất. Gia đình tôi chỉ hiến 40m2, so với họ đâu có ăn thua gì”.
Cụ Nguyễn Văn Lung, thôn Nam Lâu - người đã tự nguyện phá dỡ cả một căn bếp rộng hơn 30m2 để làm đường liên thôn nói: “Thú thật, lúc đầu khi xóm có chủ trương vận động nhân dân hiến đất làm đường không đền bù, gia đình tôi và một số hộ khác đều thấy tiếc và không đồng tình vì thấy nhiều dự án khác triển khai đều có tiền đền bù. Nhưng khi nghĩ cảnh lũ trẻ con đi học trên con đường lấm lem bùn đất mỗi ngày trời mưa, bụi mù những ngày nắng, nên mặc dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, gia đình đã quyết định dỡ bỏ 3 gian bếp hiến đất cho xóm làm đường giao thông”.
Tôi giật mình khi nghe cụ Trần Đình Song, người được thôn Tử Tế giao nhiệm vụ trông nom ngôi miếu của làng, nói rằng: “Ở đây làm nông thôn mới không trông chờ vào ngân sách vì chúng tôi biết kinh tế đất nước đang rất khó khăn”. Tôi hỏi cụ, vậy làm thế nào mà ở thôn mình có được đường làng, ngõ xóm khang trang vậy? Cụ Song giở cuốn sổ ghi chép của mình ra rồi nói: “Thôn Tử Tế đã nhận được rất nhiều tiền từ tấm lòng hảo tâm của con em xa quê hương đóng góp. Trong khi ngân sách Nhà nước chưa có thì thôn đã chủ động triển khai làm đường nhờ vào số tiền trên 1 tỉ đồng của con em gửi về. Có cháu gửi về 200 triệu đồng cho thôn làm đường, làm nhà văn hóa”.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình bền bỉ, lâu dài, đích đến của nông thôn mới vẫn còn xa, bởi sự cản trở của nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng với cách làm khoa học, bài bản và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, diện mạo nông thôn mới của Thanh Tân đang thay da, đổi thịt từng ngày. Và vui hơn, mỗi gia đình, mỗi nếp nhà đang no ấm từng ngày từ chính đồng đất quê hương.
Ðến nay, toàn bộ hệ thống giao thông trục xã với 8,4km, đường trục thôn 10,3km nhánh thôn cấp 1 là 9,5km đều được trải bê tông đến từng xóm ngõ, hộ gia đình, các thôn đều có cổng. Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh với 6 trạm bơm tưới, tiêu, một đập chống úng, 12,4km mương cứng, 8km đường giao thông trục chính nội đồng, hệ thống điện được nâng cấp lại theo Dự án RE2 có đầu tư của dự án, đóng góp của nhân dân với tổng kinh phí 4,16 tỉ đồng. Hệ thống trường học gồm mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Ngoài nhà văn hóa của xã, 7/7 thôn đều có nhà văn hóa thôn. Năm 2012 xã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 6 tháng cuối năm 2013, xã phấn đấu đạt thêm tiêu chí cuối cùng để đạt 19/19 tiêu chí. |
Phúc An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;